22/05/2015 11:04 GMT+7

Sửa luật BHXH theo nguyện vọng người lao động

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 21-5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB XH Phạm Thị Hải Chuyền trình Quốc hội báo cáo của Chính phủ “Về quy định tại điều 60 Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 về BHXH một lần”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Đoàn đại biểu Thanh Hóa - trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Đoàn đại biểu Thanh Hóa - trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: Việt Dũng

* Ông BÙI SỸ LỢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội):

Cảnh giác với chiêu trò của “cò” BHXH

Hiện nay BHXH VN và các cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng có những kẻ “cò” BHXH đi gom sổ bảo hiểm của người lao động, gạ gẫm người ta làm thủ tục nhận BHXH một lần, sau đó chỉ trả lại người lao động 70 - 80% số tiền họ được nhận.

Chúng ta cần tuyên truyền cho người lao động, nếu quả thực họ khó khăn thì nên tự mình đến cơ quan BHXH làm thủ tục nhận tiền để không mất đồng nào vào tay “cò”.

Nếu Quốc hội sửa luật theo hướng đề nghị của Chính phủ thì cũng cần tiếp tục tuyên truyền cho người lao động hiểu rằng nhận BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi.

Họ nên cân nhắc giữa việc giải quyết khó khăn trước mắt với tương lai lâu dài nếu đóng đủ thời gian thì được nhận lương hưu hằng tháng để đảm bảo cuộc sống tuổi già.

Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa điều luật này cho phù hợp với nguyện vọng được nhận BHXH một lần của người lao động.

Bà Chuyền cho biết theo quy định tại Luật BHXH năm 2006, người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được giải quyết chế độ BHXH một lần.

“Theo số liệu thống kê, tính bình quân trong giai đoạn 2007 - 2014, trong tổng số người được giải quyết chế độ thì có khoảng 80% giải quyết hưởng BHXH một lần, chỉ có khoảng 20% hưởng lương hưu hằng tháng. Hằng năm có khoảng 500.000 người hưởng BHXH một lần và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm” - bà Chuyền nói.

Chính phủ cho rằng “việc cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng BHXH mà chưa hết tuổi lao động được nhận trợ cấp BHXH một lần tuy tạo điều kiện linh hoạt cho người lao động lựa chọn nhưng chưa khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình làm việc để có thể được hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động”.

Chính vì vậy, “nội dung điều 60 của Luật BHXH năm 2014 là phù hợp với xu hướng phát triển chung, đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội”.

Tuy nhiên, khi quy định tại điều 60 Luật BHXH chưa có hiệu lực thi hành thì đã bị một bộ phận công nhân phản ứng, điển hình là cuộc ngưng việc tập thể của công nhân Nhà máy Pouyuen VN (Q.Bình Tân, TP.HCM).

Lý do được Chính phủ phân tích là “thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già; nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn”.

Đáp ứng nguyện vọng trên, “Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006”.

* Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN):

Đa số đại biểu Quốc hội cũng đồng tình

Khi Quốc hội thảo luận Luật BHXH năm 2014, chúng tôi đã đề nghị quy định vấn đề này như luật năm 2006, tức là để cho người lao động có quyền lựa chọn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ lúc đó đa số đại biểu Quốc hội đều nghĩ về lý thuyết là quy định như điều 60 sẽ tốt hơn cho công nhân.

Nhưng trên thực tế có một bộ phận người lao động cuộc sống rất khó khăn, họ không thể tiếp tục đóng BHXH nữa mà cần một khoản tiền để trang trải khó khăn trước mắt, tìm nghề nghiệp khác để mưu sinh.

Đến nay, Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đề nghị sửa điều 60 để đáp ứng nguyện vọng một bộ phận người lao động, tôi nghĩ đa số đại biểu Quốc hội cũng đồng tình.

* Bà NGUYỄN THỊ HOÀI THU (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội): 

Chính sách phải dựa trên quyền lợi người lao động

Trong chương trình làm việc của Quốc hội ngày 21-5 có phần trình bày của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền xung quanh điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.

Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng đã nói về điều này. Thực tế Quốc hội đang bàn về việc sửa một điều luật chưa có hiệu lực thi hành.

Nhưng trước tiên, tôi muốn đặt một câu hỏi với Chính phủ, đó là xuất phát từ lý do gì mà Chính phủ (ở đây là Bộ LĐ-TB&XH) đã sửa điều 55 Luật BHXH 2006 thành điều 60 Luật BHXH năm 2014 để thu hẹp diện được nhận tiền bảo hiểm một lần? Tôi băn khoăn liệu có phải vì Chính phủ đang lo hụt quỹ BHXH không?

Có thể nhận thấy ở điều 60 Luật BHXH năm 2014 là việc lo cho tương lai của công nhân, người công nhân khi về già sẽ có lương, nhưng với điều kiện họ phải hết tuổi lao động và đóng đủ số năm bảo hiểm.

Tuy nhiên, hiện công nhân Việt Nam đa số là nông dân mà đôi chân vẫn còn nước phèn đồng ruộng. Họ cần có công việc để làm và duy trì cuộc sống. Họ cũng muốn được bảo đảm quyền lợi cho bản thân. Họ cũng muốn được làm việc ổn định cho đến khi nghỉ hưu.

Nhưng thực tế người sử dụng lao động là ông chủ của các công nhân hiện nay không thống nhất về mặt quyền lợi với công nhân, bản thân các ông chủ cũng muốn mình được hưởng lợi nhiều hơn, giảm chi phí nên giảm các quyền lợi của công nhân, họ cũng không muốn thuê công nhân dài hạn để được nộp bảo hiểm liên tục.

Thậm chí, có nơi tôi biết họ chỉ thuê đến lúc sắp tăng lương là họ cho nghỉ, tuyển công nhân mới. Như vậy, dù có muốn thì công nhân cũng không thể nào được lao động, được đóng bảo hiểm liên tục, đủ cho đến tuổi nghỉ hưu.

Bởi vậy, khi ban hành chính sách gì cũng phải dựa trên quyền lợi của người lao động, của người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của họ được công bằng, bình đẳng. Việc Quốc hội có sửa luật hay không là quyền của Quốc hội. Việc một điều luật chưa có hiệu lực mà bị yêu cầu sửa là chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. 

Đối với vụ việc này, Quốc hội cần phải lắng nghe quan điểm của Chính phủ, của Ủy ban Về các vấn đề xã hội thế nào rồi Quốc hội thảo luận kỹ, nếu phải sửa thì sửa ở kỳ họp sau, bởi đến ngày 1-1-2016 Luật BHXH năm 2014 mới có hiệu lực.

Điều mà người dân quan tâm đó là sau khi thông qua Luật BHXH năm 2014, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật này chưa? Đối với người dân, việc hướng dẫn ấy rất quan trọng.

Và điều quan trọng nhất trước khi làm luật là hãy lấy ý kiến của những người thụ hưởng chính xã hội, những người thuộc đối tượng điều chỉnh trực tiếp của các chính sách pháp luật. Khi có ý kiến của họ thì các chính sách mới ổn định và đi vào cuộc sống.

HOÀNG ĐIỆP ghi

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên