14/08/2016 15:35 GMT+7

Sự thỏa mãn của các “tá điền”

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Có rất nhiều cặp đôi yêu nhau rồi kết hôn, sinh con tại các trang trại mình làm thuê. Các “điền chủ” không chỉ xe duyên cho họ nên nghĩa vợ chồng mà còn góp tay vun đắp hạnh phúc bằng việc cho mượn tiền mua nhà hoặc bố trí chỗ ở riêng trong các khu nhà tập thể.

Anh Đinh Công Trứ hướng dẫn công nhân thu hoạch chuối ở trang trại của Út Huy - Ảnh: V.TR.
Anh Đinh Công Trứ hướng dẫn công nhân thu hoạch chuối ở trang trại của Út Huy - Ảnh: V.TR.

“Vợ chồng tui mới mua được cái nhà ở ngoài khu dân cư Ngã Năm Hồng Kỳ cách đây mấy cây số. Ông chủ cho mượn tiền rồi hỏi mua giùm luôn. Từ nhỏ giờ mới có được căn nhà riêng, chứ ăn nhờ ở đậu suốt

Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan

Hàng trăm “tá điền” ở các trang trại mà chúng tôi gặp đều bảo rằng công việc tương đối nhẹ nhàng, thu nhập khá và có cuộc sống ổn định. Nhiều người đang giữ nhiệm vụ quản lý trang trại hay quản lý các bộ phận sản xuất. Thậm chí có người còn được tin tưởng giao đứng tên sổ đỏ mấy mẫu đất cho chủ trong thời gian dài.

Gặp nhau giữa cánh đồng

Căn nhà đơn sơ chứa rất nhiều máy móc nông nghiệp nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bạt ngàn ở nơi giáp ranh xã Tân Công Sính và Phú Cường (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) còn là nơi vợ chồng, con cái anh Nguyễn Hoàng Phương trú ngụ. Họ được gia đình anh Nguyễn Văn Khanh tin tưởng giao làm “quản gia” coi sóc 120ha ruộng và tài sản máy móc hàng tỉ đồng suốt gần 20 năm qua.

Nếu không hỏi thì chẳng ai biết họ là vợ chồng, bởi anh Phương nhỏ hơn vợ tới 10 tuổi. Anh Phương quê ở Vĩnh Long, còn chị Nguyễn Thị Ngọc Loan quê An Giang. Nhà nghèo, cả hai đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Khi phiêu dạt đến tỉnh Đồng Tháp làm công cho trang trại trồng lúa của anh Khanh (là tỉ phú lúa Nhật) thì họ gặp nhau.

Bất chấp vô số “lời ong tiếng ve” cho rằng đây chỉ là tình cảm chị em, họ quyết định cưới nhau để thành vợ chồng. Họ bảo đó là duyên trời định, không cãi được.

Vợ chồng anh Phương, chị Loan đã có với nhau hai đứa con. Con gái họ năm nay đã 19 tuổi, đang phụ giúp bán tạp hóa cho người quen. Còn đứa con trai mới 6 tuổi ở với bà ngoại bên An Giang để tiện đi học. Ba tháng hè thì đến ở với ba mẹ trong trang trại nằm giữa đồng không mông quạnh này.

Chị Loan khoe: “Vợ chồng tui mới mua được cái nhà ở ngoài khu dân cư Ngã Năm Hồng Kỳ cách đây mấy cây số. Ông chủ cho mượn tiền rồi hỏi mua giùm luôn. Từ nhỏ giờ mới có được căn nhà riêng, chứ ăn nhờ ở đậu suốt”.

Anh Nguyễn Văn Khanh nói thấy hai vợ chồng Phương, Loan hiền lành, làm việc cần mẫn, tốt tính nên anh coi như anh em trong gia đình. Một lần tình cờ nghe hai vợ chồng bàn với nhau ráng dành dụm mua căn nhà, anh âm thầm đi dò hỏi coi ở khu dân cư ngoài đường có ai bán nhà không.

Khi biết có một người bán căn nhà cấp bốn giá khoảng 60 triệu đồng, anh dẫn vợ chồng Phương, Loan đi xem. Thấy hai vợ chồng mê mẩn căn nhà này, anh Khanh liền nói: “Chuẩn bị dọn về ở đi, tui cho mượn tiền. Làm từ từ rồi trả”.

Chị Loan kể từ ngày mua được căn nhà hai vợ chồng mừng đến nỗi không đêm nào ngủ được bởi đó là thứ tài sản quá lớn đối với họ mà trước đó chỉ thấy trong giấc mơ.

Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Phương và chị Nguyễn Thị Ngọc Loan làm “quản gia” trang trại lúa Nhật của điền chủ Khanh - Ảnh: V.TR.
Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Phương và chị Nguyễn Thị Ngọc Loan làm “quản gia” trang trại lúa Nhật của điền chủ Khanh - Ảnh: V.TR.

Trang trại hạnh phúc

Trang trại Huy Long An ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ của “điền chủ” Út Huy có hơn 300 lao động, từ người làm việc chân tay đến nhân viên văn phòng, lái xe, kỹ sư nông nghiệp.

Họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau, miền Trung có, miền Đông cũng có nhưng nhiều nhất là dân miền Tây. Ông Út Huy không nhớ nổi đã uống rượu mừng của bao nhiêu “tá điền” vì hầu như năm nào cũng vài ba đám.

“Nghe đâu thằng Đoàn ở Quảng Nam sắp cưới con Tuyền ở Đức Huệ nữa nè. Tụi nhỏ thương nhau, cưới nhau rồi lập nghiệp tại đây làm cho xã biên giới này sung túc lên là điều đáng mừng” - ông nói.

Đám cưới đầu tiên tại trang trại ở tít mù tận biên giới này là của vợ chồng anh Châu Văn Lan và chị Nguyễn Thị Thanh Trúc. Đó là vào năm 1997, khi vùng đất này chỉ mới bắt đầu khai hoang, còn vắng bóng người. Anh Lan đen thui quê ở thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, đi làm thuê từ năm 16 tuổi.

Năm 1995 anh đến trang trại của ông Út Huy xin làm công và được giao trồng bạch đàn trên đê bao chống lũ, lãnh lương theo ngày công. Thấy anh siêng năng nên ông Út Huy nhận vào làm chính thức, trả lương hằng tháng, giao phụ trách các trạm bơm.

Năm 1997, trái tim anh đập liên hồi khi gặp Trúc - nhân công trồng mía của trang trại. Sau tiếng sét ái tình đó hai người tổ chức đám cưới rồi dọn vào ở nhà tập thể của trang trại suốt từ đó đến giờ.

Gia đình nhỏ này đã có hai đứa con. Đứa lớn 17 tuổi cũng được ông Út Huy nhận làm ở trại nuôi bò. Đứa nhỏ mới học lớp 4. Anh Lan được tin tưởng giao cho chức “tổng quản” của trang trại Huy Long An. Vợ anh là đầu bếp, hằng ngày lo cơm nước cho hơn 300 con người ở đây.

Anh khoe: “Hai vợ chồng tui dành dụm mua được ba nền nhà và 4 công đất ở quê vợ, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ để cho con cái sau này. Tụi tui ở trong trang trại cũng ổn”.

Đinh Công Trứ (31 tuổi) cũng là “tá điền” có vai vế ở trang trại Huy Long An, chỉ sau anh Lan. Quê anh ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Trước đây Trứ làm công nhân may mặc ở khu công nghiệp.

Được bạn bè giới thiệu, anh tìm đến trang trại này làm công việc trồng cây ăn trái. Người yêu của anh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cũng đến đây làm việc ở nhà bếp. Hai người làm đám cưới rồi “định cư” luôn ở khu tập thể trang trại.

Trứ được ông Út Huy đưa đi học kỹ thuật trồng trọt rồi giao phụ trách mảng trồng chuối và trông coi khâu đóng gói xuất khẩu. Hiện vợ chồng Trứ đã có hai con, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi. Trứ bảo anh rất hài lòng về cuộc sống ở xứ lạ quê người này.

Có lẽ vợ chồng ông Lê Văn Sơn (56 tuổi, quê ở Thới Lai, TP Cần Thơ) là người hạnh phúc nhất trang trại này. Nhà nghèo, không đất sản xuất, năm 2009 vợ chồng ông dắt díu con trai Lê Vũ Linh đến xin làm công cho ông Út Huy.

Cũng tại đây, Linh phải lòng và cưới cô nhân công cùng tuổi tên Lâm Thị Nguyên (cùng sinh năm 1992). Hai vợ chồng trẻ này đã có hai đứa con nhỏ. Hằng ngày Linh đi lái xe bồn chở thức ăn cho trại bò, còn Nguyên ở nhà tập thể chăm con. Ông Sơn chăm sóc chuối, còn bà Lê Thị Tư (vợ ông) làm ở bộ phận đóng gói.

Ông Sơn bảo cuộc sống gia đình lớn của ông rất ổn định, tiền lương khá lại được lo ăn, ở nên cũng dành dụm được chút đỉnh. “Làm cho tới khi nào ông chủ cho nghỉ hưu thì về Cần Thơ sống. Còn con trai, con dâu tui chắc chắn tụi nó ở đây lập nghiệp luôn rồi” - ông cười mãn nguyện.

Cho “tá điền” đứng tên sổ đỏ

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (56 tuổi, ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) không có ruộng đất, đi làm thuê cho trang trại của anh Khanh suốt 20 năm nay. Gia đình anh Khanh tin tưởng anh Nghĩa nên đã giao cho anh đứng tên giùm sổ đỏ 3ha đất tại trang trại này từ nhiều năm nay.

Theo anh Khanh, quy định hạn điền của Nhà nước không cho phép một người sở hữu nhiều đất nên anh phải nhờ bà con dòng họ đứng giùm, mỗi người một ít. Ông Nghĩa là người ngoài duy nhất được đứng tên sổ đỏ giùm anh Khanh.

Kỳ cuối: Nỗi lòng điền chủ

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên