12/08/2016 12:05 GMT+7

Mỗi năm bỏ túi 5 tỉ đồng

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Đi hết mấy trăm cây số về tới xã Phú Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thì... hết đường. Anh Nguyễn Văn Khanh (46 tuổi, con ông Thưởng) lấy xe máy chở tôi băng qua những bờ đê nhỏ xíu để vào trang trại lúa Nhật của gia đình cách nhà chừng 7km.

Anh Nguyễn Văn Khanh (trái) bên cánh đồng lúa Nhật thu 5-6 tỉ đồng/năm - Ảnh: V.TR.
Anh Nguyễn Văn Khanh (trái) bên cánh đồng lúa Nhật thu 5-6 tỉ đồng/năm - Ảnh: V.TR.

Năm 2015 vừa rồi tôi bán lúa được 12 tỉ đồng, trừ hết chi phí thì cũng còn 6-7 tỉ đồng. Chưa biết năm nay thế nào, nhưng nhìn trà lúa này tôi biết chắc năng suất không dưới 8 tấn/ha. Giả sử thời tiết bất lợi, giá cả rớt thấp thì hai vụ lúa Nhật năm 2016 này tôi cũng lời ít nhất là 5 tỉ đồng

Anh Nguyễn Văn Khanh

Bây giờ vùng đất hoang xa nhất của huyện Tam Nông này đã làm được lúa hai vụ. Nhưng chỉ có cánh đồng trồng lúa Nhật rộng 120ha của cha con ông Nguyễn Văn Thưởng mới cho lợi nhuận cao nhất: 5 tỉ đồng/năm.

Kỳ tích sạ ngầm

Giữa cánh đồng bạt ngàn chỉ thấy đường chân trời là một dãy lán trại chứa đầy đủ máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, thu hoạch lúa: máy cày, máy gặt đập liên hợp, xe bánh xích chở lúa từ ruộng lên bờ, sà lan gỗ để chở máy, máy phun phân bón, phun thuốc... Có khoảng 30 nhân công thường xuyên ở đây lo việc trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa.

Ông Thưởng kể năm 1985 ông là một trong những người đầu tiên vào vùng đất này khai hoang, lập nghiệp. Ban đầu ông chỉ nhận vài mẫu đất. Nhiều người được Nhà nước giao đất nhưng không làm nổi đã bán lại cho ông rồi bỏ của chạy lấy người. Cứ thế, diện tích đất mà cha con ông thu nạp ngày càng lớn. Có đất nhiều thì mừng, nhưng mỗi ngày nhìn thấy những hố bom to đùng, nước đỏ như trà ông lại rùng mình. Cha con ông động viên nhau cố gắng lấp từng hố bom, đào từng mét kênh dẫn nước vào rửa phèn. “Dọn cỏ xong, trâu trục đất bằng phẳng xong rải giống xuống chờ hoài không thấy lúa lên. Nhìn kỹ thấy mầm lúa bị quéo lại chết khô. Làm mấy lần như vậy mới biết chúng bị phèn làm chết” - ông Thưởng kể.

Lúc băng đồng về nhà ông vô tình phát hiện dưới mấy đìa nước trong vắt có một số cây lúa non xanh mướt. Thì ra đó là những hạt giống bị rơi rớt khi ông bưng thúng lúa giống đi rải. “Vì sao nước ngập thế này mà lúa vẫn lên được, còn lúa giống rải trên ruộng khô lại chết?”. Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu ông ngay cả khi đi ngủ. Rồi ông ngâm giống đem gieo sạ thử dưới hố bom đầy nước. Cây lúa đâm chồi từ từ vọt lên khỏi mặt nước xanh um.

Ông giải thích về phát hiện mới này: “Vùng đất này nhiễm phèn rất nặng, mầm lúa gặp phèn là chết. Còn những nơi ngập nước thì phèn trong đất không bị xì ra nên cây lúa sẽ sống được”. Ông gọi giải pháp này là “sạ ngầm”. Vụ đầu tiên sạ ngầm năm 1989 lúa lên đều tăm tắp, năng suất đạt 3 tấn/ha. Kỹ thuật sạ ngầm của ông nhanh chóng được nông dân đang khai hoang vùng Đồng Tháp Mười học tập, áp dụng thành công.

Lên bờ xuống ruộng

Ông Thưởng trầm ngâm: “Không phải trồng được lúa trên cánh đồng vừa khai hoang là có thể làm giàu được. Để thuần hóa một vùng đất mà chuyên gia Hà Lan từng quả quyết rằng không thể cải tạo được như Đồng Tháp Mười là cả quá trình dài gian khổ lắm”.

Những năm 1989-1990 vùng này năm nào cũng có lũ đổ về nên chỉ làm được một vụ lúa. Sau mùa lũ, nước phèn có giảm bớt nhưng cỏ lại mọc cao tới đầu, chuột bùng phát sau mấy tháng co cụm trên gò cao sinh sản. Muốn gieo sạ được thì phải phát cỏ, trục vùi cỏ xuống và “chiến đấu” với lũ chuột.

Năm 1997 ông Thưởng làm hàng chục hecta lúa nhưng gặp mưa dầm, nước lũ tràn về không kịp thu hoạch. Lúa chín nằm dưới nước lâu ngày, hạt đâm chồi ngoi lên thành cây lúa coi như bỏ.

Cố gắng lặn ngụp mò cắt từng bụi lúa đưa lên bờ, được bao nhiêu thì thuê ghe chở tuốt lên Sa Đéc mới có lò sấy. Sau mấy trận “lên bờ xuống ruộng”, ông vét túi đầu tư đắp bờ bao, xây kho, xây lò sấy, mua máy phóng lúa để chủ động bảo vệ thành quả khai hoang.

Mấy năm trước do tuổi cao, sức khỏe suy giảm nhiều nên ông Thưởng chia đất cho sáu đứa con, mỗi đứa 10ha để trồng lúa. Phần đất 40ha còn lại ông giao cho con trai Nguyễn Văn Khanh làm luôn. Thi thoảng ông vào thăm cho đỡ nhớ cái mùi đất phèn hay mùi hương lúa đang trổ bông.

Các con lớn của ông đều có gia đình, có cơ sở làm ăn riêng nên cũng giao anh Khanh canh tác. Hiện một mình anh Khanh lo hết trang trại 120ha, trong đó có 20ha anh mới mua thêm.

Kết duyên với... lúa Nhật

Khanh đam mê trồng lúa đến phát cuồng. Cách anh trồng lúa cũng chẳng giống ai: săn lùng giống mới về trồng chứ không làm loại giống ai cũng có. Năm 2008 Khanh nghe nói kỹ sư Lê Hùng Lân ở TP.HCM mới nghiên cứu ra giống lúa nàng hoa 9 rất ngon, đang trồng thử nghiệm ở Long An nên lặn lội đi tìm hiểu và mua giống về trồng.

Làm được mấy năm thì các cánh đồng ở huyện Tam Nông tràn ngập giống lúa này. Mặc dù chất lượng, năng suất và giá thành cao hơn các giống lúa khác nhưng Khanh vẫn quyết định không gieo sạ nữa mà đi tìm giống khác. Năm 2012 tình cờ lướt web đọc được tin nông dân ở An Giang trồng lúa Nhật được doanh nghiệp bao tiêu giá cao, anh liền phóng xe đi tìm gặp những nông dân này để học hỏi.

Sau khi tìm hiểu kỹ về kỹ thuật trồng lúa Nhật và được một doanh nghiệp ở An Giang đồng ý ký hợp đồng bao tiêu đầu ra, Khanh mua lúa giống về gieo sạ trên cánh đồng 100ha để dễ chăm sóc. 20ha còn lại do nằm bên ngoài trang trại nên vẫn trồng lúa thơm. Nhưng mối lương duyên ở An Giang chỉ kéo dài một vụ.

Sang vụ thứ hai Khanh phải lặn lội sang gặp Công ty Lương thực Bến Tre thương thảo hợp đồng bao tiêu. Rồi vụ thứ ba “xe duyên” với một doanh nghiệp (DN) ở Long An. “Lúa Nhật chưa phổ biến nên ít DN tiêu thụ. Tự nhiên trồng thì sẽ không bán được mà phải tìm đầu ra trước, có DN bao tiêu thì mới làm. Sở dĩ tôi phải đi năn nỉ DN bao tiêu là vì quá mê lúa Nhật chứ trở lại làm lúa thường thì bán dễ ẹc” - Khanh nói.

Trồng lúa Nhật là để xuất khẩu chứ không phải tiêu thụ trong nước nên phải áp dụng quy trình sản xuất “sạch” theo tiêu chuẩn quốc tế. Trước khi thu hoạch, DN sẽ lấy mẫu đi xét nghiệm, nếu không có dư lượng thuốc trừ sâu hay kim loại nặng thì mới thu mua.

Khi ký hợp đồng, Khanh đã cam kết các điều kiện khắt khe này vì anh kiểm soát được toàn bộ quá trình canh tác. Và suốt từ năm 2012 đến nay, sản phẩm lúa Nhật từ trang trại của Khanh luôn được đóng dấu “sạch”.

Năm 2016 này nhiều DN xuất khẩu đã tìm đến đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ lúa Nhật của Khanh, ước tính khoảng 1.000 tấn/vụ. Tuy nhiên Khanh vẫn chưa quyết định ký hợp đồng với ai vì hiện nay lúa Nhật đang hút hàng, giá cao. Đợi tới gần sát ngày thu hoạch gút giá thị trường sẽ có lợi cho cả hai bên.

Hỏi lợi nhuận trồng lúa Nhật, Khanh thật thà kể: “Năm 2015 vừa rồi tôi bán lúa được 12 tỉ đồng, trừ hết chi phí cũng còn 6-7 tỉ đồng. Chưa biết năm nay thế nào, nhưng nhìn trà lúa này tôi biết chắc năng suất không dưới 8 tấn/ha. Giả sử thời tiết bất lợi, giá cả rớt thấp thì hai vụ lúa Nhật năm 2016 này tôi cũng lời ít nhất là 5 tỉ đồng”.

Tiền tỉ là chuyện nhỏ

Để phục vụ sản xuất, Khanh đã đầu tư hàng tỉ đồng kéo điện trung thế về tận trang trại để chủ động bơm, tát; mua mọi loại máy móc cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài thời gian phục vụ cánh đồng lúa Nhật, Khanh còn đưa máy móc làm thuê cho bà con nông dân trong vùng để không lãng phí thiết bị mà còn tăng thêm thu nhập cho mình và anh em nhân công.

_______________________________________________

Kỳ tới: Xài điện thoại cùi bắp, thăm ruộng bằng xe hơi

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên