Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khi tham gia “dân hỏi, bộ trưởng trả lời” đã nói rằng có tâm trạng... khó tả mỗi khi tăng giá điện. Phải chăng “khó” nên Bộ Công thương quyết không nói thêm cho dân hiểu?
Ngay từ câu hỏi đầu tiên của buổi họp báo, vấn đề giá điện đã được nhà báo nêu ra. Hầu như ai đứng lên cũng có thắc mắc về giá điện. Trong đó, có nhiều câu hỏi rất cần sự hồi đáp công tâm của Bộ Công thương như: xin công khai giá thành điện cập nhật; doanh thu của EVN tăng 23% sao vẫn tăng giá; xin so giá điện VN với Lào và Indonesia... Hay cũng có những câu hỏi rất chính đáng của người dân được phóng viên chuyển tải như Bộ Công thương có thể công bố lộ trình tăng giá để người dân chuẩn bị?
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, ngành điện và Bộ Công thương đã giải thích đủ rồi và “không trả lời nữa!”... Bà thứ trưởng liệt kê bộ trưởng Bộ Công thương, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, rồi phó tổng giám đốc EVN đã trả lời... VTV1. Nhưng thưa bà thứ trưởng, bộ trưởng và các đơn vị liên quan chỉ trả lời trong vài phút thì liệu đã thấu đáo, đã đủ rồi đối với một vấn đề mà người dân rất quan tâm? Thậm chí khi vừa kết thúc họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ đã lên gặp chủ tọa để khẳng định những câu hỏi được đưa ra trong buổi họp báo là mới và chưa được trả lời thì bà Thoa lại đưa lý do... hết giờ!
Việc thẳng thừng từ chối báo chí dường như đang đi ngược lại với yêu cầu công khai minh bạch hơn về giá điện của Thủ tướng Chính phủ. Công khai minh bạch là yêu cầu tất yếu ở một xã hội có trình độ phát triển cao, khi mà nhà nước phải tăng trách nhiệm giải trình và thái độ phục vụ. Thực tế, ngay bộ trưởng Bộ Công thương dù được cung cấp đầy đủ thông tin nhưng đứng trước việc tăng giá điện, còn có “tâm trạng khó tả”. Thế mà khi người dân, qua công luận đặt câu hỏi thì lãnh đạo ngành công thương lại một mực từ chối trả lời, từ chối giải thích thì thật khó hiểu.
Từ năm 2011 đến nay, EVN đã năm lần tăng giá (hai lần năm 2011 và hai lần năm 2012). Giá điện không chỉ tác động đến mọi mặt đời sống mà còn như một cú đánh mạnh vào khả năng phục hồi của các doanh nghiệp. Phóng viên hỏi trong cuộc họp báo công khai, về một vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, nhưng rất tiếc lãnh đạo ngành công thương lại chọn cách im lặng. Câu hỏi đặt ra là ở Bộ Công thương, chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có được quán triệt trên thực tế hay lại là “dân biết, dân cứ bàn”?...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận