VNPT E-Learning mô phỏng đúng quy trình lớp học bình thường
"Nếu các phần mềm học trực tuyến không có phương án kỹ thuật đủ tốt, khi lượng người sử dụng tăng đột biến sẽ rất dễ xảy ra hiện tượng nghẽn cổ chai (bottleneck) gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Vì đặc thù của học trực tuyến là nhiều điểm cầu, có điểm cầu bị ảnh hưởng bởi chất lượng đường truyền, và tổng thể khi số lượng nhiều thì cả hệ thống bị nghẽn" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone đánh giá về những bất cập như nghẽn mạng, học sinh khó truy cập phần mềm, hoặc đang học thì bị văng ra khỏi lớp học…, khi triển khai học trực tuyến ở rất nhiều tỉnh, thành do phải giãn cách vì dịch COVID-19.
Sản phẩm học trực tuyến Made in Vietnam
Theo ông Nghĩa, một số thống kê cho thấy trong đợt dịch vừa rồi người dùng Việt Nam dùng rất nhiều phần mềm nước ngoài.
Các phần mềm nước ngoài có yếu tố trải nghiệm người dùng tốt, tuy nhiên đa phần các phần mềm này có máy chủ đặt ở nước ngoài và bị ảnh hưởng rất nhiều yếu tố về đường truyền, phạm vi địa lý... nên có thể xảy ra nhiều bất cập trong việc sử dụng.
Thêm nữa, người dùng Việt Nam, đặc biệt là trẻ em trong quá trình học, sử dụng những tính năng của phần mềm không thành thạo, ra vào liên tục, cũng là một trong những lý do tạo ra chất lượng không ổn định.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone
"Nhưng mặt khác, phần lớn các phần mềm nước ngoài có ưu điểm là sở hữu bởi các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới cho nên tính lan tỏa và mức hoàn thiện của sản phẩm khá cao" - ông Nghĩa nhìn nhận và cho hay: "Đây cũng là lý do mà chúng tôi tích hợp tất cả các phần mềm nước ngoài vào phần mềm VNPT E-learning để tận dụng được tất cả những ưu việt của phần mềm ngoại, kết hợp với tính năng chuẩn hóa cho một lớp học thông minh, trường học thông minh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
"Một phần mềm giáo dục phải đáp ứng được yêu cầu của 5 đối tượng: các nhà quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh thì mới phù hợp trong việc tổ chức các lớp học online" - ông Nghĩa phân tích - "Như phần mềm VNPT E-Learning của VNPT không những đáp ứng được những yêu cầu quản lý, giám sát của các cơ sở giáo dục mà còn cung cấp cho giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh những tính năng hỗ trợ để đảm bảo việc giảng dạy và học tập được diễn ra một cách chất lượng nhất".
Ngoài ra, VNPT còn ứng dụng một số công nghệ 4.0 vào sản phẩm của mình như ứng dụng AI trong việc phòng chống thi hộ, học hộ, ứng dụng công nghệ thực tại ảo/thực tại tăng cường, chuyển thể văn bản thành giọng nói (Text To Speech), chuyển thể giọng nói thành văn bản (Speech To Text)… để giúp tạo ra những bài giảng phong phú và hấp dẫn học sinh hơn…
Đồng thời, VNPT còn ứng dụng vào các xu hướng giáo dục hiện đại trên thế giới vào sản phẩm như: học tập thích ứng (Adaptive Learning), học tập đảo ngược (Flip Learning), học tập kết hợp trực tuyến, trực tiếp (Blended Learning)…".
"Với việc mô phỏng đúng một lớp học online và đáp ứng được nhu cầu của người dạy, người học, quản lý giáo dục, phần mềm VNPT E-Learning được phát triển mang tính dài hơi, với mục tiêu hướng tới mạng giáo dục và hệ sinh thái giáo dục trực tuyến hoàn chỉnh, hướng tới số hóa toàn bộ quy trình giáo dục ở Việt Nam, quản lý giáo dục ở Việt Nam, chứ không đơn thuần chỉ đáp ứng cho nhu cầu học online trong giai đoạn giãn cách, tức thời" - ông Nghĩa khẳng định.
Giải pháp khắc phục "nghẽn mạng" học trực tuyến
Tuy việc dạy và học trực tuyến đã triển khai được một thời gian dài, nhưng hiện những bất cập của việc học trực tuyến vẫn đang khiến nhiều phụ huynh học sinh lo lắng.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Tổng giám đốc VNPT VinaPhone, để khắc phục được những vấn đề trong học trực tuyến hiện nay, cần có hai giải pháp.
"Thứ nhất, để sử dụng các phần mềm giáo dục trực tuyến đầu tiên các trường, các sở giáo dục phải là những đơn vị đưa ra những tiêu chí đánh giá và lựa chọn các phần mềm sẽ sử dụng trong trường mình, trong sở giáo dục của mình để làm sao đáp ứng được nhu cầu, mục tiêu giáo dục của trường, của sở" - ông Nghĩa phân tích rõ - "Thứ hai trước khi áp dụng vào cũng phải bước hướng dẫn sử dụng và khuyến nghị cho người sử dụng. Người sử dụng có hai đối tượng, giáo viên thì phải được đào tạo vì quản lý một lớp học online khác với một lớp học tại trường offline. Còn người học, có hai đối tượng là những học sinh nhỏ, quen tự do và ngồi một mình thì phải có bố mẹ bên cạnh để dạy, và bản thân bố mẹ cũng phải huấn luyện cho con cái sử dụng thành thạo phần mềm".
Trước đó, tháng 3-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
VNPT đã liên tục hoàn thiện sản phẩm của mình và đáp ứng hoàn toàn theo các quy định trong thông tư.
Hiện nay, VNPT là một trong số ít những nhà cung cấp được cấp chứng chỉ đáp ứng việc liên thông cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.
VNPT E-Learning liên tục được cải tiến, hoàn thiện và đầu tư mạnh mẽ về hệ thống máy chủ, đường truyền
"Đặc biệt, phần mềm giáo dục chạy trên nền tảng Internet và có thể có xung đột, những lỗi xung đột mà trẻ con không thể nhận ra được nên việc hỗ trợ người dùng từ các đơn vị cung cấp dịch vụ là rất quan trọng.
VNPT có lực lượng hỗ trợ trên khắp 63 tỉnh thành phố. Bất kỳ trường nào, thầy cô giáo nào gặp vấn đề đều có thể liên hệ với VNPT để làm rõ khúc mắc về sử dụng, cấu hình" - Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.
Ngoài ra, VNPT cũng đang kết hợp với một số trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Kênh hỗ trợ giáo dục tiểu học để giúp đỡ giáo viên, phụ huynh, học sinh khi còn bỡ ngỡ tham gia vào các chương trình học tập trực tuyến.
Đây là kênh hỗ trợ có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục đầu ngành để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của các lớp học trực tuyến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận