Chiều 11-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý Luật Phòng không nhân dân và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ - phó trưởng phòng PC06 Công an TP.HCM - cho biết qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, UBND và công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc.
Về khái niệm “vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, luật ban hành năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Như 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án.
Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao làm công cụ, phương tiện gây án chiếm tỉ lệ rất cao, phát hiện 27.161 vụ, bắt giữ 46.693 đối tượng (chiếm 94,5% tổng số vụ, 92,8% tổng số đối tượng). Trong đó dao và phương tiện tương tự dao được sử dụng gây án chiếm tỉ lệ tới 58,6% tổng số vụ.
Nhiều vụ thủ phạm sử dụng dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao, gây án với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế điều tra các vụ án cho thấy chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí.
Ngoài ra, người sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với người sử dụng trái phép súng quân dụng. Các loại vũ khí này nguy hiểm như vũ khí quân dụng nhưng theo quy định của luật thì súng tự chế không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ.
Vì vậy, nhiều người đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, dao và công cụ, phương tiện tương tự vũ khí thô sơ. Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5-2024
Tại phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12-2023, đã bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cụ thể, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Trường hợp dự luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) theo quy trình tại một kỳ họp.
Trong 5 năm, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại và nhiều bom, mìn, lựu đạn, thuốc nổ, vũ khí; phát hiện 34.109 vụ vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, bắt giữ 56.027 đối tượng, thu 4.975 khẩu súng các loại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận