17/06/2016 10:11 GMT+7

Sự cố “cơm có giòi”: Chấp nhận giá cao để được ăn sạch

T.HOÀNG - T.ĐỨC - D.NGUYỄN - C.TIÊN
T.HOÀNG - T.ĐỨC - D.NGUYỄN - C.TIÊN

TTO - Sau sự việc sinh viên phát hiện có giòi trong phần cơm mua tại căngtin B3 - ký túc xá (KTX) khu B ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 14-6, nhiều sinh viên trong KTX cho biết rất lo lắng.

Nhà ăn B3 - nơi xảy ra sự việc cơm có giòi - trong tình trạng đóng cửa chiều 16-6 - Ảnh: Cẩm Tiên
Nhà ăn B3 - nơi xảy ra sự việc cơm có giòi - trong tình trạng đóng cửa chiều 16-6 - Ảnh: Cẩm Tiên

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cho biết sẵn sàng trả giá cao hơn để được ăn sạch.

Cảm thấy sốc và lo lắng

Bạn Lê Thị Thùy Dung (sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Lúc đầu mới vào ở mình cũng có ăn cơm nhưng cảm thấy không hợp khẩu vị. Bây giờ mình thường ăn ở ngoài làng ĐH, có đôi khi mua cơm chay 10.000 đồng tại KTX. Việc ăn uống của sinh viên có nhiều điều trăn trở, đối với sinh viên ăn đâu cũng vậy, vì đâu biết thức ăn đảm bảo hay không. Mà có biết thì cũng chẳng còn lựa chọn nào khác”.

Cũng như Dung, Minh Khang (sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM) kể cơm ở KTX hơi khô, có khi còn sống nhưng phải chấp nhận vì người ta nấu với số lượng quá lớn nên cả một năm đầu Khang đều ăn cơm KTX. Sau đó, Khang thường ăn uống ở ngoài, mua đồ ở siêu thị mặc dù giá đắt hơn. “Không chỉ ở KTX mà tất cả hàng quán trong khu vực, mình đều không yên tâm khi ăn uống” - Khang chia sẻ.

Khác với Dung và Khang, N.T.H.V. (sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) tỏ ra thông cảm với vụ việc vì ở làng ĐH mọi thức ăn đều giống nhau, sinh viên cũng không biết nguồn gốc thực phẩm từ đâu và ai quản lý, kiểm tra? Còn riêng ở KTX đã có tổ kiểm tra thực phẩm quản lý, tuy đã xảy ra việc cơm có giòi khiến nhiều sinh viên rất sốc nhưng với V. dù sao vẫn an toàn hơn các hàng quán bên ngoài.

“Thực tế thì mình vẫn ăn cơm ở KTX vì tại KTX còn rất nhiều nhà ăn khác. Mình chỉ mong ban quản lý KTX sẽ giám sát và kiểm tra chặt chẽ hơn về vấn đề an toàn thực phẩm để sinh viên yên tâm”.

Hoài Hương, sinh viên ĐH KHXH&NV, cho biết giá mỗi phần cơm ở KTX trung bình là 15.000 đồng, so với mặt bằng chung thì tương đối rẻ nên khó đảm bảo đầy đủ được chất lượng. “Tôi chấp nhận một bữa cơm đắt tiền hơn để có thể ăn ngon và đảm bảo vệ sinh hơn” - Hương khẳng định.

Bạn Lê Thị Thu Nguyệt thì cho biết với giá 15.000 đồng sẽ không đủ để nấu một bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng cho sinh viên nếu muốn có chút lợi nhuận. “Một số bạn sinh viên mong muốn có một khu nấu ăn riêng cho sinh viên ở KTX. Đề xuất này hay nhưng mình nghĩ sẽ không đáp ứng hết được vì số lượng sinh viên quá đông” - Nguyệt chia sẻ.

Có trách nhiệm với đời sống sinh viên hơn nữa

Chiều 16-6, ông Trần Thanh An - giám đốc Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết đây là sự việc lần đầu tiên sau 16 năm làm công tác quản lý 21.000 sinh viên của KTX ĐH Quốc gia. “Ngay sau khi hình ảnh của sinh viên đăng lên, 15 phút sau chúng tôi đã có mặt để lập biên bản trước sự chứng kiến của sinh viên và xác nhận của nhà ăn.

Trong 30 con cá tại nhà ăn đã có 10 con bán ra, 20 con còn lại được kiểm tra không có vấn đề gì, chỉ duy nhất một con trên đĩa của sinh viên là có giòi. Nhà ăn cũng nhận trách nhiệm thức ăn trên đĩa sinh viên là do họ bán ra. Ngay thời điểm chúng tôi kiểm tra, các giấy chứng nhận tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe của nhân viên nhà ăn đều có, các bước kiểm tra của chúng tôi đều có biên bản báo cáo hằng tuần. Tuy nhiên, riêng giấy vệ sinh an toàn thực phẩm thì vừa hết hạn vào cuối tháng 4-2016.

Đến chiều 15-6 đã có hai đoàn thanh tra của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương và quận Thủ Đức, TP.HCM tiến hành kiểm tra nhà ăn trên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rà soát lại chín nhà ăn còn lại để rút kinh nghiệm về tính trách nhiệm, an toàn vệ sinh thực phẩm cho sinh viên. Và đến nay sinh viên vẫn sử dụng tại nhà ăn bình thường.

Nói như vậy không có nghĩa là từ trước đến nay chúng tôi không chăm lo rà soát, mà công tác kiểm tra diễn ra hằng ngày, liên tục kiểm tra đột xuất trực tiếp, chủ động trang bị các thiết bị như kính hiển vi, kính lúp, dụng cụ thử mẫu hàn the để phục vụ cho quy trình kiểm tra và lưu mẫu.

Chúng tôi có ba chuyên viên được trả lương chỉ để làm công tác kiểm tra đó. Mỗi nhà ăn đều phải tiến hành đúng sáu bước kiểm tra nguyên liệu đầu vào, sơ chế, chế biến, ra ngoài tủ trưng bày, vận chuyển (đến người ăn) và lưu mẫu.

Ngay hôm xảy ra sự việc và đến hôm nay vẫn không có trường hợp nào xảy ra nôn ói, đau bụng hay các biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Các căngtin khu B chưa được nấu ăn nên tất cả thức ăn đều được nấu từ khu A mang sang.

Nhà ăn B3 đã đóng cửa, chờ hướng xử lý mới để mở cửa phục vụ lại cho sinh viên. Một sự việc xảy ra như vậy chúng tôi thấy phải có và phải chịu trách nhiệm, rút thêm kinh nghiệm trong phục vụ sinh viên hơn nữa. Trong thời gian ngắn sắp tới, chúng tôi sẽ gấp rút tiến hành đổi mới cách thức nâng tầm đời sống sinh viên”.

Xin lỗi sinh viên về sự việc

Ngày 15-6, phó chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM Lê Hoàng Minh đã cùng ban công tác sinh viên và ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM làm việc với ban quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM về thông tin sinh viên phản ảnh “thức ăn có giòi” tại căngtin B3.

Theo đó, hiện nhà ăn B3 đã bị đình chỉ hợp đồng cung cấp dịch vụ, tạm ngưng hoạt động. Đại diện ban quản lý KTX cũng nhận trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động các nhà ăn và thông qua Hội Sinh viên TP chính thức gửi lời xin lỗi sinh viên về sự việc đáng tiếc trên.

Ban quản lý KTX cũng đã làm việc với các nhà thầu cung cấp dịch vụ ăn uống để chấn chỉnh sau sự việc này, đồng thời đề nghị lập tổ công tác kiểm tra toàn diện vệ sinh an toàn thực phẩm tại KTX cũng như mời đơn vị kiểm tra độc lập dịch vụ này.

“Hội Sinh viên TP sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của sinh viên, đồng thời theo dõi việc điều chỉnh của ban quản lý KTX đối với các vấn đề liên quan sau sự cố và sẽ tiếp tục thông tin cho sinh viên TP” - anh Lê Hoàng Minh cho biết.

Q.LINH

Đặng Xuân Quang (sinh viên ĐH KHTN - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết sinh viên ở KTX chỉ có hai lựa chọn là căngtin hoặc hàng quán bên ngoài, mà hai chỗ này đều chưa an tâm về vệ sinh thực phẩm.

Phan Thành Đạt (sinh viên ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết từng chứng kiến một số quán ăn không để nguyên liệu (thịt gà, rau quả…) trên bàn mà bỏ dưới sàn đất. Một số quán ăn thì lấy ống phun lửa gas để nướng gà trước rồi mới đem chiên. "Không chỉ ở Thủ Đức mà ngay cả một số quán ăn dành cho sinh viên cũng có những trường hợp tương tự" - Đạt nói.

Ông Nguyễn Văn Khuôn, trưởng Phòng y tế Q. Thủ Đức TP.HCM, cho biết không thể tin đây là sự thật vì cá đã đem đi chiên sao lại có thể có giòi sống? Nhưng sau khi kiểm tra thì đúng. Ông Khuôn rất bức xúc và đau lòng khi thế hệ trí thức trẻ của đất nước mà phải ăn những bữa cơm như vậy. Theo ông Khuôn, chỉ có thể giải thích là món cá chiên đã để ở nhiệt độ bên ngoài ít nhất hơn hai ngày thì mới có thể có giòi sống.

C.NHẬT - T.DƯƠNG ghi

T.HOÀNG - T.ĐỨC - D.NGUYỄN - C.TIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên