03/09/2018 20:43 GMT+7

Sống yêu thương: Hãy cho đi

XUÂN MAI - DIỆU NGUYỄN - LAN ANH
XUÂN MAI - DIỆU NGUYỄN - LAN ANH

TTO - Người càng lớn tuổi càng hiểu đời, giác ngộ ra những lỗi lầm, sai trái, ích kỷ của bản thân từng trải, mà con người mới dần trưởng thành.

Sống yêu thương: Hãy cho đi - Ảnh 1.

Bằng cách sống vị tha và cho đi, nhiều người đã trao tặng yêu thương và nhận lấy hạnh phúc - Ảnh: NGỌC LAN

Một bác sĩ 68 tuổi - ThS.BS Quan Vân Hùng, từng giữ cương vị trưởng khoa ung thư Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, hiện là phó giám đốc Trung tâm Y học - dưỡng sinh, được bệnh nhân xem như bậc thầy với những bài giảng tâm lý vô cùng sâu sắc về đời.

Một phụ nữ mắc bệnh ung thư, vượt qua bao khó khăn, vươn lên bằng cách sống cho đi, hoạt động tình nguyện chia sẻ với những người khó khăn khác.

Và nhiều trường hợp khác… Họ đã sống, làm việc bằng trái tim yêu thương.

Sống yêu thương mới đạt hạnh phúc thật sự và lâu dài. Hạnh phúc phải là do chính mình tạo ra. Cho đi để cuộc sống thật sự có ý nghĩa hơn nhưng cho đi phải dựa trên tinh thần vị tha, yêu thương lẫn nhau và không mong cầu điều gì từ phía người nhận

ThS.BS QUAN VÂN HÙNG

Biết buông bỏ và tha thứ

Bác sĩ Quan Vân Hùng cho rằng trong mối quan hệ giữa người với người, cần sống vị tha, biết buông bỏ những điều vượt tầm với, song song đó là học tập, thực hiện các giá trị cuộc sống để tạo quan hệ ứng xử tốt. Khi con người bớt lo - buồn - giận - sợ sẽ ngừa được lo âu, stress.

Theo BS Hùng, biết sống yêu thương cần phải có thời gian dài tư duy, giác ngộ. Người càng lớn tuổi càng hiểu đời, giác ngộ ra những lỗi lầm, sai trái, ích kỷ của bản thân từng trải, mà con người mới dần trưởng thành.

Hãy luôn tôn trọng người khác, biết tha thứ và khoan dung, thường xuyên giúp đỡ, thương yêu lẫn nhau. Khi thực hiện được quan hệ 4T (Tôn trọng - Tương trợ - Tha thứ - Thân thương), chắc chắn sẽ giảm stress. Khi còn sống trên đời hãy an nhiên tự tại, khi đó tinh thần sẽ được bình an, thân xác khỏe mạnh.

Khi mục tiêu quá giới hạn bản thân, hãy bớt đi, đừng vì nó mà gượng ép bản thân phải hoàn thành. Nếu cứ lo tìm và mãi chạy theo để thỏa mãn nhu cầu thì không biết bao nhiêu là vừa. Vậy nên cần tự hạn chế lòng tham, giảm sân si, giảm nhu cầu, bớt đua đòi nhằm hướng đến một cuộc sống đơn giản.

Sống với cuộc đời được ban tặng

Ở tuổi 23 đầy chông chênh, sinh viên M. u buồn khi mỗi sáng thức dậy. M. mất phương hướng khi quá nhiều mục tiêu buộc bản thân phải hoàn thành trong thời gian ngắn. 

Nào là có bằng IELTS trong tháng tới, sau đó sẽ tìm một công việc tạm thời với lương ổn định, nào là hai năm nữa sẽ đi du học. 

Khi mục tiêu vượt quá khả năng bản thân, sự cố gắng không được đền đáp rồi M. sinh ra lo lâu và tự trách giận bản thân khi kết quả không như ý. Ngày qua ngày, M. đắm mình trong những muộn phiền không lối thoát.

M. thực hiện cách sống cách nghĩ mới, tuy chưa thực sự dễ dàng để sống yêu thương, nhưng cô bình thản đón nhận những khó khăn. Mỗi sáng thức dậy, nghĩ rằng mình còn được hít thở, được ăn no, được làm việc, được chạy nhảy là một đặc ân lớn của cuộc đời vì ngoài kia có biết bao nhiêu số phận khát khao một cuộc sống bình thường như mình. Bỗng dưng M. ổn.

Theo ThS tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ, thiền là lối sống, khi thực hành thiền bạn đang chọn một lối sống đơn giản, suy nghĩ đơn giản, thích nghi với những sự thay đổi thuận theo tự nhiên.

Với những người stress, rối loạn tâm lý, thiền có tác dụng hữu ích giúp họ thay đổi những thói quen sinh hoạt không có lợi cho cơ thể, thói quen suy nghĩ tiêu cực về các hiện tượng, con người, phán xét chính bản thân mình. Đặc biệt hiệu quả là khi ứng dụng thiền yêu thương vào hành trình trị liệu.

Thiền yêu thương luôn hướng tới những điều tốt đẹp để cho một người, mọi người luôn được bình an. Tha thứ cho người khác là tha thứ cho chính mình để cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Cảm ơn người khác là để thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.

Thiền yêu thương là tạo cho mình một năng lượng bình an và đón nhận từ mọi người năng lượng bình an.

huyen-img_1610-03092018-4(read-only)

Huyền và một bệnh nhi đang điều trị ở Bệnh viện K - Ảnh: FBNV

Còn sống là còn hi vọng và chia sẻ...

Cô gái quê ở Xuân Mai, Hà Nội trẻ trung nhưng không ai nghĩ Vũ Thu Huyền đang điều trị ung thư.

Tháng 9 này, Huyền đi Nậm Chà

Năm 2014, chưa đầy 30 tuổi, Huyền phẫu thuật ung thư vú khi bệnh đã ở giai đoạn 2B. Ngày nay, tóc Huyền mọc lại và đen nhánh, năng lượng sống tích cực lúc nào cũng lan tỏa, ngay cả khi Huyền vào bệnh viện phẫu thuật lần thứ 2 năm 2017, ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ đồng hồ làm trí nhớ Huyền giảm sút.

Những nỗi đau đớn luôn thường trực trong Huyền vì chứng bốc hỏa của phụ nữ mãn kinh khi mới ở tuổi hơn 30, còn bị loãng xương, đau ở xương sườn...

Thế mà mỗi năm, Huyền vẫn đi 4 chuyến lên các bản làng miền núi, nếu không đi được thì phải tổ chức, để rồi cả "team" - những người bạn Huyền - chịu trách nhiệm đi.

Trung thu năm 2017 nhóm Huyền đi Yên Bái, dịp tết 2018 đi Thanh Hóa. Và trung thu 2018 vào tháng 9 này, Huyền đi Nậm Chà... Huyền sẽ ở Nậm Chà, một xã rất xa của tỉnh Lai Châu, nơi mà Huyền đã đến lần đầu cách đây 2 năm.

Để tổ chức được chuyến đi lần này, như mọi lần, nhóm của Huyền đã vất vả cả tháng trước. Họ chia làm 4 đội: đội vận chuyển, đội bếp, đội chia quà và đội văn nghệ - lửa trại.

Nậm Chà chưa có loa đài, âm thanh, ánh sáng, tất cả những thứ đó đều phải mang từ Hà Nội lên. Người Nậm Chà chưa từng được dự một đêm trung thu có lửa trại, có sân khấu, có biểu diễn hoạt cảnh chị Hằng - chú Cuội, lần này họ được dự. Và bọn trẻ Nậm Chà lần đầu tiên trong đời sẽ được ăn gà rán, giống như chúng từng thấy trên tivi.

"Mỗi lần đi đến những nơi xa xôi, chúng tôi luôn chọn những nơi chưa có điện, điều chúng tôi cảm nhận rõ và muốn quay lại là khát vọng được vươn lên của các em nhỏ… " - Huyền nói.

Lần này, ngoài đêm trung thu, nhóm của Huyền và các nhà hảo tâm có rất nhiều dự định. Họ sẽ láng một cái sân to bằng ximăng để trẻ con chơi, xem có thể xây một cây cầu treo thay vì cây cầu bằng đá và nứa chỉ dùng được vài tháng là bị trôi mất khi lũ về…

Sống cho đi và không ngừng hi vọng

Hai năm trước, có những đợt điều trị gian khổ mà nhiều lúc Huyền tưởng là tuyệt vọng. Nhưng Huyền đã cố hết sức mình, vì cô biết người thân, đặc biệt là cậu con trai nhỏ sẽ buồn biết bao nếu không còn mẹ.

Huyền và những chị em đang cùng chiến đấu với căn bệnh ung thư vú, tập hợp vào thành một CLB của những phụ nữ kiên cường.

Họ động viên nhau mỗi khi có người bị tái phát, họ chia sẻ các bài thuốc, tài liệu, cách điều trị hay, mới. Họ trở thành những người chị em, cùng cố gắng chống lại căn bệnh hiểm nghèo.

Huyền không buông xuôi, Huyền chiến đấu, và trong chặng đường của nỗi đau, Huyền chia sẻ, cô chia bớt niềm vui mình có.

Nhà báo Ngô Thu Lan (Thông tấn xã VN) cứ tấm tắc khi kể về những nỗ lực của Huyền. Chị Lan đã gặp rất nhiều bệnh nhân ung thư có nỗ lực và khát vọng.

Một trong những người nỗ lực nhất, vui vẻ nhất, nhiều hi vọng nhất, luôn sẻ chia những hi vọng ấy cho người khác, là Vũ Thu Huyền.

"Hai năm trước, chúng tôi đã đến Nậm Chà lần đầu tiên để xây nhà nội trú cho hơn 100 em học sinh. Khi ấy bác sĩ đã nói tôi phải chọn xe giường nằm, không nên ngồi xe đi suốt đêm vì sẽ rất vất vả.

Nhưng không ngờ đường đi lại vất vả đến thế. Rời Hà Nội từ 18h tối hôm trước thì 7h sáng hôm sau mới đến TP Lai Châu, đi tiếp 30km nữa để đến Nậm Chà.

30km đó mới là quãng đường kinh khủng nhất, phải đi bằng đủ thứ phương tiện, có lúc phải đi bằng bè.

Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên là sự hiếu học của các em ở đây. Một xã xa xôi như vậy mà có đến gần 1.000 học sinh mầm non, tiểu học và THCS, nhiều em phải dựng lán để ở những ngày đi học, xuống suối bắt cá làm thức ăn…"- Huyền kể về chuyến đi năm 2016.

XUÂN MAI - DIỆU NGUYỄN - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên