31/10/2010 04:05 GMT+7

Sống sót sau thảm họa - Kỳ 4: Hai lần chiến thắng tử thần

VŨ THỦY tổng hợp
VŨ THỦY tổng hợp

TT - Trở về nhà sum họp vào dịp cuối tuần, cô nữ sinh 18 tuổi Jordan Wells và cô bạn thân đã may mắn thoát chết sau một tai nạn xe hơi và được trực thăng chở đi cấp cứu. Nhưng họa vô đơn chí, trên đường đến bệnh viện chiếc trực thăng cũng gặp nạn khiến tất cả mọi người chết chỉ Jordan sống sót.

PWYK6Vnx.jpgPhóng to
Jordan Wells (phải) trong lễ tưởng niệm bốn nạn nhân vụ tai nạn - Ảnh: The Gazette

Thảm kịch cuối tuần

Thứ bảy ngày 27-9-2008, mãi cho tới 11g đêm Jordan và cô bạn Ashley Younger, hai nữ sinh Trường Westlake (California, Mỹ), vẫn còn rong ruổi trên con đường trơn trượt để mau chóng về với gia đình tại bang Maryland.

Đêm tối đen và Jordan lái xe trong cơn mưa nặng hạt. “Tôi không nhớ đã lái nhanh thế nào nhưng còn nhớ đã quay sang bảo với Ashley rằng mình không thể kiểm soát chiếc xe được nữa. Sau đó tôi nghe những tiếng va đập ầm ầm khi xe đâm vào một gốc cây”.

Cảnh sát và nhân viên cứu thương được điều tới nơi chiếc xe gặp nạn và phát hiện hai cô gái đang trong cơn kích động. Jordan muốn gọi điện cho cha mẹ nhưng trong lúc hoảng loạn đã để mất điện thoại. Cha mẹ cô vẫn không hề hay biết con gái mình gặp tai nạn ôtô. Ashley Younger liên lạc được với mẹ và bố mẹ cô tức tốc đến nơi. Các nhân viên cấp cứu cố gắng đưa hai cô gái ra khỏi chiếc xe và xác định mức độ chấn thương của họ.

Chưa đầy một tiếng sau, chiếc trực thăng cứu thương được điều động tới chở họ đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Prince George’s County cách đó chỉ 25 dặm. Trước khi cất cánh, phi công Stephan Bunker nhận được thông tin dự báo thời tiết từ kiểm soát không lưu cho biết mưa lớn hơn và có sương mù dày đặc nhưng ông vẫn quyết định bay.

“Tôi nhớ trực thăng đã cất cánh và đã bay. Tới khi trực thăng cố gắng hạ cánh viên phi công nói rằng mưa quá lớn không thể đáp xuống”. Jordan nghe viên phi công nói: “Chúng ta sẽ vòng lại và đi tới nam Maryland”. Cô vẫn nhớ lúc máy bay đâm vào ngọn cây đầu tiên và mặt cô va mạnh vào thành trực thăng. Đó cũng là điều cuối cùng cô biết.

Chiếc trực thăng cùng với viên phi công, hai nhân viên y tế và hai cô gái đã đâm vào khu rừng còn cách bãi đáp Andrews tới vài dặm. Nó vỡ tung thành hàng trăm mảnh trong rừng.

Nhân viên cấp cứu bắt đầu rà khắp khu rừng khi chiếc trực thăng biến mất khỏi màn hình rađa, nhưng suốt hai giờ sau đó Jordan vẫn một mình nằm run rẩy trên mặt đất. Khắp nơi xung quanh cô là những mảnh vỡ bám đầy xăng và cô rơi vào trạng thái bất tỉnh.

“Tôi tỉnh lại trong rừng. Trời tối đen và phải mất một lúc tôi mới nhận thức được chuyện gì đang xảy ra”. Jordan bị thương và thấy rất lạnh. Cô nhận ra chiếc trực thăng đã nổ tung và giờ cô chỉ có một mình, không một ai giúp đỡ. “Tôi đau khủng khiếp vì bị gãy xương khắp mọi nơi và cảm thấy sợ hãi”. Jordan cố hết sức la hét cầu cứu với ý nghĩ hoặc cô sẽ chết ở đây hoặc ai đó sẽ tìm ra cô.

Và Jordan nghe thấy tiếng người đang đi về phía cô, tới tận lúc nhìn thấy họ cô mới thật sự yên tâm rằng mình sẽ được cứu. “Giống như Chúa đã nghe thấu lời cầu nguyện của tôi”, cô nói.

Jordan được xe cứu thương đưa tới bệnh viện, nơi mẹ của Ashley đang nóng lòng chờ con gái. Bà sửng sốt khi được thông báo chiếc máy bay gặp nạn. “Chúng tôi nghe ai đó nói rằng chiếc trực thăng đã bị nổ và chỉ mình Jordan còn sống. Thật khó để có thể tin rằng con gái tôi đã ra đi”.

Tới 4g sáng, bố mẹ Jordan mới nhận được tin tức về tai nạn xảy ra với con gái mình. “Chúng tôi lao tới phòng cấp cứu. Vị bác sĩ bảo rằng con gái tôi là người duy nhất sống sót trong tai nạn trực thăng” - ông Wells nói.

Đấu tranh cho cuộc sống

Những mảnh vỡ máy bay đã găm sâu vào cơ thể của Jordan. Cô bị nhiều vết thương nghiêm trọng với đôi chân bị đè nát. “Chúng tôi chỉ còn biết đặt tay lên con bé và cầu nguyện” - cha cô kể.

Sau hàng giờ phẫu thuật, Jordan được chuyển tới Trung tâm chấn thương chỉnh hình Baltimore. Mất tới mười ngày để các bác sĩ nỗ lực đưa cô trở lại. Họ phát hiện chân phải của Jordan đã bị nhiễm trùng và có thể phải cắt bỏ.

“Tôi nhớ mình đã tỉnh lại trong bệnh viện vào buổi sáng và nhìn thấy ngón chân út bị cụt, cả những ngón còn lại cũng vậy - Jordan nhớ lại - Trong thời gian phẫu thuật họ đã lấy đi một phần chân của tôi. Bác sĩ đã nói cho tôi hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu tôi giữ lại chân của mình. Ông bảo tốt nhất là tôi nên để họ cắt chúng đi”.

Sau hàng loạt cuộc phẫu thuật, cuối cùng Jordan cũng trở về nhà sau hai tháng điều trị tại trung tâm chỉnh hình. Với bố mẹ cô điều đó cũng là “quá tuyệt vời”. “Bạn bè của con bé đã sắp sẵn một bữa tiệc. Chúng ngồi trước cửa hò hét ầm ĩ với băngrôn và quay cả phim để chào đón Jordan”.

Lần đầu tiên trở về nhà, Jordan cần phải được chăm sóc cả ngày. Người thăm hỏi và bạn bè luôn quây quần bên cô, đưa tay ra đỡ cô và lúc nào họ cũng nở nụ cười. Nhưng Jordan hầu như hồi phục rất chậm và cô rất đau đớn. Cô gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ trong mọi sinh hoạt.

“Tôi đã thấy thật sự khó khăn vì mẹ luôn phải ở bên tôi mọi lúc mọi nơi” - Jordan nói. Cô như bị giam cầm trong chiếc xe lăn, nhưng với một nỗ lực đáng kinh ngạc không ai tin rằng cô lại có thể tham gia những cuộc thi bơi và tiếp tục niềm đam mê cưỡi ngựa của mình.

Nhờ bạn bè, người thân, Jordan không còn nghĩ nhiều về tai nạn nữa. “Vẫn có nhiều lúc tôi nghĩ tới nó. Tôi sẽ không bao giờ quên vụ tai nạn khủng khiếp đó, nhưng điều quan trọng là tôi đã học được cách chấp nhận việc mất đi một bên chân và chấp nhận cả sự thật rằng Ashley đã ra đi để cố gắng tiến về phía trước”.

Suốt một năm sau tai nạn Jordan đã trải qua 24 ca phẫu thuật để chữa trị xương gò má, mũi, hốc mắt, xương bả vai bị gãy và năm đĩa đệm xương sống bị lệch. Các bác sĩ đã lắp cho Jordan một cái chân giả có thể điều chỉnh thích hợp với địa hình và độ cao, sử dụng một hệ thống điều khiển bằng máy tính. Jordan bảo cái chân mới rất thoải mái và cô cảm thấy “nó ngày càng nhẹ hơn, giống như là một bộ phận trên cơ thể mình”.

Jordan biết dù thế nào đi nữa cô vẫn là người vô cùng may mắn. “Tôi đã luôn ước rằng mình có chân và đó quả thật là một đấu tranh khó khăn với chính bản thân. Tôi đã rất tuyệt vọng, nhưng điều an ủi lớn là tôi vẫn có thể đi được trên chính đôi chân của mình”. Jordan đã bị gãy cổ và lưng sau tai nạn nên việc cô có thể đi lại được thật sự là một phép mầu.

Lần đầu tiên bước ra khỏi chiếc xe lăn và đứng thẳng lên là khoảnh khắc tuyệt diệu nhất với Jordan. “Tôi đã quên rằng mình từng là một cô gái cao ráo” - cô nói.

___________________

Nửa tháng sau thảm họa động đất ở Haiti, một cô gái trẻ đã sống sót kỳ diệu nhờ một phòng tắm dưới đống đổ nát.

Kỳ tới: 15 ngày trong lòng địa chấn

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Phép lạ Bahia Kỳ 2: Mặc cảm sống sót Kỳ 3: 1 và 91

VŨ THỦY tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên