Kỳ 1: Phép lạ Bahia Kỳ 2: Mặc cảm sống sót
Phóng to |
Juliane Koepcke ngồi giữa những mảnh vỡ của máy bay trong lần trở lại Pucallpa để quay bộ phim dựa trên câu chuyện của cô vào năm 2000 - Ảnh: indiatvnews.com |
Hai dặm thần kỳ
Mùa Giáng sinh năm 1971, cô bé Juliane Koepcke cùng mẹ đi trên chiếc Lockheed Electra của Hãng hàng không LANSA tới Pucallpa, khu rừng mưa ở Peru, nơi mà bố mẹ cô, đều là những nhà sinh vật học nổi tiếng, điều hành một trạm nghiên cứu về động vật hoang dã.
Hãng hàng không LANSA từng có hai chiếc máy bay gặp nạn trước đó. “Mẹ và tôi đều biết hãng hàng không này có nhiều tiếng xấu nhưng chúng tôi muốn được đoàn tụ với bố trong dịp Giáng sinh nên không do dự nhiều”. Chuyến bay của hai mẹ con Juliane dự kiến kéo dài gần một giờ. Sau 25 phút chiếc máy bay vẫn yên ổn, Juliane nhớ lại.
“Sau đó chúng tôi bay vào một cơn mưa rất lớn, máy bay bắt đầu rung lắc. Gương mặt mẹ rất căng thẳng. Bất ngờ, từ bên phải máy bay chúng tôi nhìn thấy một luồng chớp và máy bay đâm bổ xuống với những tiếng động rất lớn”. Cô nghe mẹ nói lớn: “Chính là nó”.
Một cuộc điều tra sau tai nạn đã phát hiện một trong những khoang nhiên liệu của Lockheed Electra đã bị một luồng sét đánh trúng làm gãy cánh phải máy bay.
“Chúng tôi bị lộn đầu xuống. Những món quà giáng sinh văng tứ tung xung quanh buồng lái và tôi nghe những tiếng kêu thét”. Khi chiếc máy bay vỡ thành nhiều mảnh giữa không trung, Juliane bị văng ra khoảng không. “Xung quanh tôi đột nhiên im lặng. Chiếc máy bay vẫn đang rơi, tôi cảm giác mình đang ở giữa khoảng không. Tôi đang bay, lộn vòng trong không khí và trông thấy khu rừng cũng đang quay mòng mòng phía dưới”.
Trong tình trạng không còn ý thức, Juliane đã rơi hơn 3km xuống một vòm rừng. Nhưng điều kỳ diệu là cô bé vẫn sống chỉ với một vài vết thương nhỏ. Những hành khách xấu số khác trên chuyến bay mang số hiệu 508 đều tử nạn.
Juliane không phải là người theo chủ nghĩa tâm linh. Cô đã cố gắng tìm lời giải thích lôgic cho sự sống sót của mình: “Có lẽ do tôi vẫn còn dính chặt vào hàng ghế ngồi khi rơi xuống. Nó xoay tròn giống như một chiếc trực thăng nên đã rơi chậm lại. Nơi tôi rơi xuống có một tán lá khá dày giúp giảm chấn động rất nhiều”. Nhưng việc Juliane sống sót sau cú rơi hơn 3km với chỉ một vài chấn thương nhẹ vẫn như một phép lạ. Xương đòn bị gãy và một bên mắt cô sưng húp, cánh tay và chân bị chấn động và chịu nhiều vết cắt rộng.
Sinh tồn giữa rừng già
Juliane bất tỉnh tới tận 9g sáng hôm sau. “Đồng hồ của tôi vẫn chạy và tôi biết mình đã bất tỉnh cả buổi chiều và đêm qua. Lúc đó tôi chỉ có một mình cùng với hàng ghế ngồi của tôi”. Máy bay cứu hộ và cả các đội tìm kiếm không thể xác định được vị trí máy bay rơi và Juliane bị mắc kẹt trong rừng chỉ có một mình. May mắn cho cô bé vì trước đó cô từng có vài năm ở trạm nghiên cứu cùng với bố mẹ. Cha cô đã dạy cho cô cách tồn tại trong những khu rừng mưa.
“Cha dạy tôi nếu con tìm được một cái lạch hãy đi theo nó. Nó sẽ dẫn tới một con suối và con suối có thể sẽ dẫn ta tới một con sông lớn hơn. Ở đó con có thể tìm được người giúp đỡ”.
Ngày hôm sau Juliane tìm được một con lạch nhỏ và bắt đầu lội xuống. Nước chảy rất xiết. Thức ăn của cô chỉ là vài viên kẹo mà cô tìm thấy ở chỗ tai nạn xảy ra. Những vết thương bị nhiễm trùng nhanh chóng. “Sau vài ngày tôi cảm thấy có cái gì đó ở chỗ vết thương. Một con ruồi đang đẻ trứng vào một cái lỗ. Trong đó đầy những con giòi”.
Lúc đó Juliane lo sợ mình sẽ mất cánh tay. Khi được cứu thoát người ta đã điều trị vết thương cho cô và phát hiện hơn 50 con giòi bên trong. “Cho đến giờ tôi vẫn tự hỏi làm thế nào mà nhiều giòi như thế có thể trú vừa một cái lỗ nhỏ. Nó không lớn hơn đồng 1 euro”.
Khi đi dọc con suối, Juliane nhìn thấy những cảnh tượng kinh hoàng mà cô không thể nào quên được, nhiều mảnh vỡ khác từ máy bay và cả xác nạn nhân. “Tôi tìm thấy một hàng ghế với ba thi thể phụ nữ. Họ rớt xuống trong tư thế lộn đầu và va chạm mạnh đến nỗi họ chôn sâu xuống đất”. Juliane vô cùng khiếp sợ trước cảnh tượng hãi hùng ấy và không muốn chạm vào họ nhưng cô muốn chắc chắn rằng không có mẹ trong đó.
“Tôi lấy một cái que và lật giày của một người ra. Móng chân người đó có sơn và tôi biết đó không phải mẹ vì mẹ không bao giờ sơn móng”. Juliane tiếp tục lang thang trong khu rừng, lội qua những con suối có cá sấu, cá hổ và cả cá đuối quỷ. “Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy một con cá sấu trên bờ. Nó bò xuống nước và bơi về phía tôi nhưng tôi không thấy sợ. Tôi biết cá sấu không có ý định tấn công con người”.
Sau mười ngày lang thang, khi đã quá đói và kiệt sức, Juliane tìm được một cái thuyền nhỏ và một cái lều gỗ trên sông. Cô ở yên đó với hi vọng sẽ được cứu thoát. Ngày hôm sau một nhóm thợ gỗ tìm thấy cô và đưa cô về thị trấn cạnh đó.
Trở về từ hành trình sống sót phi thường ấy, người ta gọi Juliane là cô gái kỳ diệu. Báo chí săn đón cô và hàng trăm lá thư của những người cô chưa từng gặp gửi đến. “Thật kỳ lạ. Một số lá thư chỉ đề địa chỉ là Juliane - Peru nhưng bằng cách nào đó chúng vẫn được chuyển đến cho tôi”.
Gần 20 năm trôi qua, Juliane giờ là thủ thư của Trung tâm Động vật học tại Munich, Đức. Người phụ nữ này vẫn không ngừng bị ám ảnh bởi những ký ức hãi hùng của vụ tai nạn và cảm thấy có lỗi. “Tại sao lại là tôi? Tôi cứ tự dằn vặt và bỗng cảm thấy mình có lỗi dù biết không phải lỗi của mình”. Juliane không bao giờ dám đi máy bay nữa. Ký ức năm xưa càng trở nên rõ ràng hơn mỗi khi có những vụ tai nạn máy bay xảy ra. “Chúng làm tôi khiếp sợ. Tôi chỉ hi vọng mọi thứ sẽ trôi qua thật nhanh với mọi người trên những chuyến bay xấu số đó”.
__________
Cô nữ sinh 18 tuổi và bạn thân may mắn thoát chết sau một tai nạn xe hơi và được trực thăng chở đi cấp cứu. Nhưng chiếc trực thăng cũng gặp nạn, tất cả mọi người đều chết, chỉ mình cô sống sót...
Kỳ tới: Hai lần sống sót
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận