12/04/2022 10:00 GMT+7

Sông Sài Gòn được chú trọng, TP.HCM sẽ trở thành đô thị sinh thái

TRỊNH KỲ AN
TRỊNH KỲ AN

TTO - Sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm đềm mà còn phù hợp với việc quy hoạch một số công viên lớn nhỏ, điểm vui chơi giải trí, dạo bộ có những lối đi dọc ngang, sân chơi cho trẻ em, không gian thư giãn cho người trưởng thành.

Sông Sài Gòn được chú trọng, TP.HCM sẽ trở thành đô thị sinh thái - Ảnh 1.

Sông Sài Gòn đoạn Cần Giờ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sông Sài Gòn không những được xem là đặc trưng văn hóa mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển không gian đô thị nói chung. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, các công trình dần dần che khuất các dòng sông, nhiều đoạn sông không còn đủ không gian để tiếp cận với mọi người. 

Nhiều mảnh đất dọc bờ sông bị chiếm dụng và xây dựng một cách tùy tiện, khiến cảnh quan sông nước bị hủy hoại. Đó cũng là lý do khiến cư dân thành phố mất cơ hội tiếp cận không gian trong lành, tươi đẹp, đồng thời làm trì trệ kế hoạch xây dựng TP.HCM thành đô thị sông nước, phát triển hài hòa với thiên nhiên trong tương lai.

Vào dịp cuối tuần, cá nhân tôi cùng bạn bè đã có dịp trải nghiệm hoạt động chèo sup, một loại ván lướt sóng có mái chèo, ngang qua khu vực biệt thự xinh đẹp Thảo Điền (thành phố Thủ Đức), khi ngắm nhìn khung cảnh hai bờ sông Sài Gòn. 

Dù nhiều năm sống ở Sài Gòn nhưng phải khẳng định rằng khúc sông này quá đẹp và bình yên. Khác biệt với vẻ ồn ào, nhộn nhịp thường thấy ở TP.HCM, sông Sài Gòn đầy ắp sự trong lành, gần gũi với thiên nhiên, khiến tâm trí tôi trở nên nhẹ nhàng, thư thái hơn. Hình ảnh ấy khiến tôi chợt nhớ đến hình ảnh ở hai bờ sông Hàn thuộc thủ đô Seoul (Hàn Quốc).

"Kỳ tích sông Hàn" trong ấn tượng của tôi là sự quy hoạch những công viên bên bờ sông, các con đường yên bình dành cho người đạp xe và đi bộ, cách xa đường giao thông, đủ để cách biệt với những âm thanh ồn ào từ các phương tiện giao thông và cuộc sống tất bật hằng ngày. 

Từ trải nghiệm ở nước bạn, cá nhân tôi cứ bần thần với suy nghĩ: liệu TP.HCM có làm được điều đó không? Và bao giờ thì chúng ta có "kỳ tích sông Sài Gòn"?

Sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm đềm mà còn có rất nhiều mảnh đất dọc sông phù hợp với việc quy hoạch một số công viên lớn nhỏ, điểm vui chơi giải trí, vườn dạo bộ có những lối đi dọc ngang, sân chơi cho trẻ em, không gian thư giãn cho người trưởng thành. 

Song song đó, để tạo thúc đẩy tiềm năng du lịch và kinh tế, chúng ta có thể bố trí xây dựng các khu vực tổ chức sự kiện thể thao, văn hóa, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực… trên sông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người cùng đến thư giãn, trò chuyện và tận hưởng không gian hai bên bờ sông.

Điểm nổi bật của sông Sài Gòn là mang đậm dấu ấn lịch sử với hàng loạt di tích, địa điểm văn hóa như chùa, nhà thờ, cảng Sài Gòn, bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng…

Chúng ta đã từng có kinh nghiệm thực tế trong việc tái hiện không gian văn hóa ở một thương cảng hàng đầu Đông Dương ở quận 8, vào những dịp Tết Nguyên đán tại chợ hoa Bến Bình Đông. 

Nếu biết cách tận dụng và khai thác, chúng ta hoàn toàn có thể tái hiện cảnh truyền thống "trên bến dưới thuyền" trên sông Sài Gòn, mang đậm chất văn hóa phương Nam. 

Sự chuyển tiếp từ cuộc sống đô thị với xe cộ hối hả sang hình thức du lịch và di chuyển trên dòng sông Sài Gòn không những giảm thiểu áp lực cuộc sống hối hả mà còn góp phần giúp cho đời sống tinh thần thêm thú vị, nhẹ nhàng hơn. 

Kết hợp với những tiềm năng khác, sông Sài Gòn sẽ trở thành nơi kết nối du lịch và văn hóa cho du khách khi tìm đến TP.HCM.

Bên cạnh đó, sự bình đẳng trong việc hưởng thụ không gian công cộng chung, đặc biệt là tận hưởng cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ sông Sài Gòn là điều cực kỳ cần thiết dành cho mọi người dân trong thành phố. 

Điều này xóa nhòa đi cảm giác phân biệt giàu nghèo, khi nhiều ý kiến cho rằng bờ sông Sài Gòn chỉ ưu tiên cho hàng loạt dự án bất động sản bao gồm biệt thự, căn hộ cao cấp, dù có công viên, cây xanh, cảnh quan ven sông nhưng chỉ dành cho cư dân sống trong khu vực đó.

Nếu tiếp tục cho xây nhà cao tầng dày đặc sẽ tạo nên những bức tường cản gió sông, giảm đối lưu không khí, gây tình trạng oi nồng, bức bối trong đô thị, đặc biệt là vào ngày nắng, gây ảnh hưởng đến nhiều người. 

Trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của người dân TP.HCM được lấy từ nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Do đó, việc hạn chế các khu dân cư và công trình sẽ góp phần làm trong lành hóa nguồn nước. Cũng bởi, việc tạo ra những khu dân cư hiện đại, hoành tráng nếu không biết thiết kế, sắp đặt đúng vị trí sẽ vô cùng tai hại. 

Người cư trú sẽ cảm thấy bất an khi đối mặt với vô số cản trở trong sinh hoạt hằng ngày khi giao thông đi lại khó khăn, xảy ra tình trạng ngập nước. 

Sông Sài Gòn đi qua nhiều quận huyện, đặc biệt len lỏi trong khu trung tâm càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát nước tự nhiên, hạn chế việc gây cản trở giao thông, góp thêm nhiều công trình công cộng, mang đến sự thư thái cho người dân.

Thiết nghĩ, sông Sài Gòn nếu được chú trọng đầu tư, sẽ giúp TP.HCM trở thành một đô thị sông nước sinh thái. 

Do đó, hướng phát triển, xây dựng các cảnh quan, không chỉ thiên về mỹ quan đơn thuần, mà còn phải quan tâm đến mảng xanh, cây cối tỏa bóng mát, góp phần cung cấp oxy và lọc khói bụi, là điều mỗi chúng ta nên quan tâm.

Sông Sài Gòn được chú trọng, TP.HCM sẽ trở thành đô thị sinh thái - Ảnh 2.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Nâng tầm sông nước từ những bước chạy Nâng tầm sông nước từ những bước chạy

TTO - "Cặp đôi hoàn hảo" - sông Sài Gòn và Đồng Nai cùng mạng lưới kênh rạch đan xen ở TP.HCM, sẽ trở thành điểm đến lý tưởng nếu biết kết hợp phát triển mô hình "4 trong 1".

TRỊNH KỲ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên