09/04/2022 08:53 GMT+7

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Mô hình kênh - hồ - quảng trường

KTS TRƯƠNG NAM THUẬN
KTS TRƯƠNG NAM THUẬN

TTO - Sông Sài Gòn là một nguồn lực phát triển cho cả đô thị và vùng nông thôn mới của TP.HCM.

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Mô hình kênh - hồ - quảng trường - Ảnh 1.

Sông Sài Gòn chảy qua quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với góc nhìn như vậy, sông Sài Gòn không chỉ nên được bàn luận riêng về tiêu chí phát triển đô thị ven sông như thế nào mà còn phải bao gồm phát triển nông nghiệp - du lịch - môi trường ở vùng nông thôn mới ra sao.

Bài toán đặc trưng khác biệt

Theo góc nhìn cá nhân của tôi, việc phát triển các đô thị ven sông không lạ. Đã có rất nhiều bài học thành công về đô thị ven sông trên thế giới. 

Dòng sông đóng vai trò như một chất xúc tác của môi trường để hỗ trợ cho bất kỳ sự phát triển nào. Và sự phát triển thường đem lại dấu hiệu dễ nhận biết, nhất là các thành phố đông đúc, những khối nhà cao tầng xa hoa, những công viên bờ sông rộng mở và những khung cảnh lung linh về đêm của bóng dáng đô thị. 

Riêng bối cảnh của TP.HCM trong một kịch bản mở rộng đô thị ra các khu vực vùng ven thì lại là một bài toán đặc trưng khác biệt.

Mô hình kênh - hồ - quảng trường là một mô hình phát triển chung cho các khu vực gần và dọc sông Sài Gòn. Mô hình này không khai thác quá mức khu vực ven sông mà tạo ra các kênh đào dẫn nước vào các khu vực hồ trung tâm để tạo thành một mạng lưới các cấu trúc kênh - hồ nối liền nhau giữa các khu vực chức năng xung quanh.

Cấu trúc đó cho phép dành nguồn lực khai thác hiệu quả hơn các không gian ven sông, đồng thời vẫn tạo ra giá trị gia tăng cho các mô hình tổ chức không gian đô thị hay nông thôn mới từ các khu ở cho đến văn phòng làm việc, trường học, bệnh viện, vui chơi giải trí và thậm chí là nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái nhà vườn và du lịch tâm linh.

Quảng trường là một không gian công cộng có quy mô phù hợp với khu vực, dùng cho các hoạt động cộng đồng và sinh hoạt vui chơi ngoài trời. Do tận dụng được cảnh quan mặt nước, gió cùng sự cải tạo môi trường khí hậu từ mặt nước và cây xanh nên quảng trường là một trong những thành phần quan trọng của không gian công cộng trong mô hình kênh - hồ - quảng trường.

Mô hình phát triển hài hòa

Kênh - hồ - quảng trường là một cấu trúc có thể thích ứng đa dạng với các loại đồ án quy hoạch phát triển vùng ven, đồng thời có thể mở rộng mô hình này ra các tỉnh lân cận có sự kết nối với sông Sài Gòn. 

Con kênh đào với các thảm thực vật đa dạng và dòng nước hiền hòa không xa lạ với cảm nhận của phần đông mọi người. Tôi tin rằng đó là hình ảnh có thể xây dựng lên các bản sắc riêng của đô thị, nông thôn của vùng TP.HCM hiện nay.

Tiếp theo đó các hồ nước điều tiết dùng làm cảnh quan, tưới tiêu, cân bằng môi trường vi khí hậu của từng khu vực là một mô hình có sự gắn kết chặt chẽ với hình ảnh truyền thống của các xóm làng Việt Nam. 

Yếu tố còn lại, những quảng trường, là không gian cộng đồng cần thiết cho dù ở nơi đâu và bất cứ quy mô nào. Ba yếu tố này góp phần tạo nên những nét cơ bản của một mô hình phát triển hài hòa ven sông Sài Gòn.

Chủ trương của mô hình này không khuyến khích phát triển mật độ cao ven sông mà tạo ra sự phát triển cân bằng giữa không gian ven sông và không gian bên trong. 

Ý tưởng cho việc này xuất phát từ việc phát triển dòng sông Sài Gòn theo hướng xanh hóa, tạo ra các giải pháp kỹ thuật xử lý môi trường cho từng khu vực phù hợp, đảm bảo không thải ra sông các chất thải ô nhiễm. 

Mô hình kênh - hồ - quảng trường dành không gian ven sông cho công viên cây xanh, các thảm thực vật tự nhiên và cho các khu vực nghỉ dưỡng sinh thái gắn liền với mật độ thấp, không gây tổn hại đến hệ sinh thái ven sông.

Với quan điểm quy hoạch ven sông Sài Gòn, đây sẽ là một đại dự án xanh hóa thiên về nghỉ dưỡng để phát huy tốt nhất đặc trưng của dòng sông trong việc giải quyết các hệ quả của quá trình đô thị hóa tương lai gây ra.

Chính vùng nông thôn mới là một trong những cơ hội để TP.HCM phát triển các mô hình "kênh - hồ - quảng trường" - một mô hình tổ chức không gian sống và môi trường đem lại nhiều giá trị thiết thực hơn cho ngoại vi thành phố.

Biểu tượng và khẩu hiệu cho sông Sài Gòn

Có thể nói TP.HCM rất may mắn vì có cho mình một con sông gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội theo chiều dài lịch sử. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy thế mạnh của sông Sài Gòn là mong mỏi rất lớn của người dân. Tôi rất hy vọng thành phố mình có biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) cho riêng sông Sài Gòn. 

Lịch sử hơn 300 năm của thành phố cũng chính là quãng thời gian mà sông Sài Gòn ghi đậm dấu ấn thăng trầm. Chúng ta có thể nhớ tới các logo của thành phố, kiến trúc, lịch sử và văn hóa như những đặc trưng không thể tách rời. Nhưng chúng ta đã bao giờ giới thiệu về con sông Sài Gòn gói gọn bằng logo hay slogan chưa? Tôi thật sự không tìm được.

TP.HCM hiện nay đang thay đổi rất nhanh, đô thị hóa với tốc độ phi mã, nhất là các khu vực ngoại thành. Vì vậy có thể sẽ phá vỡ vẻ đẹp trong quy hoạch ngay cả những vành đai đô thị. Sông Sài Gòn cũng không phải ngoại lệ khi quá trình đô thị hóa khiến cho việc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng trái phép, các khu nhà ổ chuột nhếch nhác… vẫn đang tồn tại. 

Để không phải hối tiếc vì chậm chạp nâng tầm con sông thiêng liêng này thì rất cần một biểu tượng, một câu khẩu hiệu thể hiện được bản sắc và bộ mặt của sông Sài Gòn trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

Và đây là những gợi ý để đi tìm biểu tượng - khẩu hiệu cho sông Sài Gòn:

1 Cách nhanh nhất và có sức thu hút là tổ chức những cuộc thi sáng tác biểu tượng và khẩu hiệu sông Sài Gòn với giải thưởng hấp dẫn, xứng tầm, thu hút được rộng rãi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia một cách hào hứng. Từ những cuộc thi này sẽ lựa chọn một biểu tượng và khẩu hiệu tiêu biểu, đặc sắc, mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… của thành phố, đồng thời thể hiện nét riêng của sông Sài Gòn.

2 Biểu tượng sông Sài Gòn cần có tính khái quát, phản ánh những nội dung điển hình tiêu biểu riêng có về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất và con người Sài Gòn gắn bó với con sông trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

3 Câu khẩu hiệu sông Sài Gòn thể hiện bằng cả ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ quốc tế là tiếng Anh nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của con sông, khơi dậy lòng tự hào, nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, phục vụ các hoạt động thông tin tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng phát triển của sông Sài Gòn liên quan mật thiết đến các sự kiện văn hóa - xã hội của thành phố.

4 Biểu tượng và khẩu hiệu về sông Sài Gòn sẽ được sử dụng một cách rộng rãi, thống nhất và được đăng ký bản quyền thương hiệu, bao gồm cả các nền tảng số hóa để sử dụng trên phạm vi quốc tế. Đây sẽ là tài sản chung của thành phố và mọi người dân, mọi khách du lịch được tiếp cận một cách hợp pháp, bảo đảm quy chuẩn.

Tôi may mắn khi được đi qua một số quốc gia, đi qua nhiều thành phố có nền kinh tế - văn hóa rất phát triển để trải nghiệm và có cái nhìn đa chiều. Nhiều thành phố ở châu Âu và châu Mỹ có đời sống kinh tế rất tốt, nhưng họ không có sông kiểu như sông Sài Gòn mà TP.HCM đang có. Tôi cảm nhận được cái khao khát của người dân bản địa ở những thành phố không có mạch sông hồ, kênh rạch lớn như thế nào. 

Chính vì vậy, sông Sài Gòn chính là "chìa khóa vàng" để chúng ta tự hào, phát triển nâng tầm thành phố lên tầm cao mới. Tôi hy vọng thành phố sẽ tìm được câu khẩu hiệu và biểu trưng xứng tầm cho riêng sông Sài Gòn trong thời gian tới.

HẢI ĐĂNG

Cảm ơn bạn đọc đã gửi bài dự thi

Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn" nhằm tìm các ý tưởng và giải pháp để góp phần phát triển sông Sài Gòn. Các bạn có thể gửi ý kiến, bài viết, công trình nghiên cứu, đồ án, kế hoạch, ý tưởng… góp phần vào mô hình phát triển mới, hình dung về các đô thị bên sông của dòng sông trù phú này.

Các bài viết, đồ án sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ. Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên các ấn phẩm Tuổi Trẻ và đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4.

Box trang 8 ngay 9-4 - mau 2(Read-Only)

Bài dự thi gửi về email: songsaigon@tuoitre.com.vn hoặc gửi về báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn". Thời gian nhận bài dự thi: hết ngày 20-4-2022. Giải thưởng: Giải tập thể: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng. Giải cá nhân: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 10 triệu đồng; 1 giải ba: 5 triệu đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải 3 triệu đồng.

Ban tổ chức

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Cần lắm một con đường ven sông Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Cần lắm một con đường ven sông

TTO - Nếu chỉ tính gọn trong phạm vi thành phố thì sông Sài Gòn từ đoạn quận 1 đến Củ Chi vẫn còn rất nhiều tiềm năng nhưng thiếu hẳn một lối đi thuận lợi để phát triển.

KTS TRƯƠNG NAM THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên