Một góc yên bình của sông Sài Gòn - Ảnh: GIA TIẾN
Sông Sài Gòn là hình thái địa lý tự nhiên, là báu vật thiên nhiên mang nhiều tiềm năng về môi trường sinh thái, cảnh quan, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng khai thác như thế nào là tốt nhất cho đời sống trước mắt và lâu dài của con người ở từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể lại tùy thuộc vào khả năng quy hoạch hài hòa.
Con sông chảy qua nhiều vùng đất khác nhau và ở mỗi nơi lại có những trạng thái, vai trò và những giá trị khác nhau. Thượng nguồn thường có vẻ đẹp của những dòng thác hùng vĩ có thể khai thác du lịch sinh thái, thủy điện.
Giá trị kinh tế, môi trường của thượng nguồn là tải nguồn phù sa tạo ra hệ sinh thái đa dạng cho cả lưu vực cho đến hạ nguồn. Vùng trung lưu là nguồn nước cho đời sống con người và tưới tiêu cho nông nghiệp, với vẻ đẹp của dòng nước hiền hòa uốn lượn giữa những cách đồng lúa chín vàng và những vườn cây trái xanh tươi.
Khi sông chảy qua thành phố - như khúc sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM - nó là trục giao thông đường thủy rất lớn nối TP.HCM với miền Đông Nam Bộ và có cảng biển lớn nối với Đông Nam Á và thế giới.
Sông Sài Gòn là nguồn nước ngọt vô tận của TP.HCM, tạo ra hệ sinh thái xanh tươi, làm dịu đi một phần thời tiết nắng nóng và tình trạng khói bụi của đô thị công nghiệp đông dân. Không phải thành phố nào cũng có được dòng sông trong xanh uốn lượn chảy qua đô thị phồn hoa.
Vậy đề án đại lộ ven sông sẽ khai thác và bảo tồn vẻ đẹp cụ thể của dòng sông ấy như thế nào? Vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn trước hết là dòng nước trong xanh uốn mình giữa một rừng nhà cao thấp trắng xóa một màu gạch ngói, bêtông.
Vì vậy chống ô nhiễm nguồn nước, ngăn chặn và xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp của một siêu đô thị đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn với trình độ công nghệ cao.
Đồng thời phải có các biện pháp chống khai thác cát bừa bãi, chống sạt lở hai bờ để tránh biến dạng dòng chảy tự nhiên. Phải coi đó là những biện pháp hàng đầu và quan trọng nhất, không chỉ ở đoạn chảy qua TP.HCM mà là trên tất cả chiều dài của dòng sông.
Trong đề án của một tập đoàn đã đề cập đến việc khai thác quỹ đất hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn rộng 50m, ở đó sẽ có công viên, bến du thuyền, thể dục thể thao dưới nước, lối đi bộ, nhà hàng, nhà hát, triển lãm, nhà văn hóa...
Như vậy trước hết cần xác định chiều cao thích hợp của các kiến trúc để không ảnh hưởng tầm nhìn cảnh quan tự nhiên, đồng thời không quá dày đặc các công trình mà phải dành nhiều khoảng trống có tác dụng như những "cửa thông gió" cho thành phố.
Nói cách khác là nên khai thác hành lang này theo hướng biến nó thành "tuyến công viên" kéo dài ven sông, tận dụng tối đa không gian công cộng. Tránh việc các cơ sở kinh doanh chiếm dụng từng đoạn bờ sông.
Như vậy, người dân và du khách khắp nơi mới có thể được hưởng thụ cảnh quan thiên nhiên và không khí mát mẻ mà không phải đi xa mới được thấy cảnh quan sông nước, thuyền bè qua lại.
Vẻ đẹp của dòng sông đô thị bao gồm cả cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc ven bờ, hoạt động của con người trên sông và quan trọng hơn là người dân phải cảm thấy yêu mến, gắn bó với dòng sông.
Có hai loại thành phố trên sông. Một là thành phố một bên bờ sông - như Hà Nội có tên đó vì trước đây là thành phố nằm bên bờ tây (bên trong) sông Hồng. Nam Bộ có những thành phố như Mỹ Tho và Cần Thơ... cũng nằm một bên sông, còn bờ bên kia là vùng nông thôn. Hai là thành phố cả hai bên sông như Đà Nẵng, Huế, TP.HCM...
Ở mỗi nơi con người tạo dáng cho dòng sông theo kiểu khác nhau. Có những thành phố không còn bờ sông tự nhiên mà được kè đá kiên cố tất cả hai bên bờ từ hàng trăm năm cùng rất nhiều cây cầu nối hai bờ không chỉ là một phần của hệ thống giao thông thành phố mà còn được thiết kế và trang trí như những tác phẩm nghệ thuật, nâng cao giá trị thẩm mỹ đô thị.
TP.HCM là đô thị nằm ở cả hai bờ sông Sài Gòn, nên tầm nhìn về quy hoạch phải bao quát cả hai, vì vậy đề án về đại lộ ven sông mà còn nặng về bờ phía tây là chưa đủ.
Vì mục tiêu khai thác, bảo tồn vẻ đẹp của sông Sài Gòn không chỉ là cho người dân được hưởng thụ văn hóa vật chất mà còn là giá trị văn hóa tinh thần rất lớn.
Thế nên, việc khởi động lại dự án đại lộ ven sông Sài Gòn, mà trong đó mục tiêu bảo tồn vẻ đẹp con sông này theo đúng nghĩa và hợp lòng dân, có lẽ khó hơn việc thực hiện dự án.
Dòng sông không chỉ có vẻ đẹp của mặt nước mà quan trọng hơn là hai bên bờ - nơi tiếp giáp với những khu dân cư đông đúc, nhiều kiến trúc đa dạng.
Nếu để bờ sông tự nhiên mà không có quy hoạch sử dụng hợp lý thì sẽ không tránh khỏi sự hình thành những đoạn mọc đầy cỏ dại lẫn với lục bình cùng nhiều loại rác thải đô thị.
Vậy có lẽ nên khảo sát kỹ từng đoạn để xem chỗ nào có thể để bờ đất tự nhiên với những đám rừng xanh mát, đoạn nào cần xây bờ kè chống sạt lở và xây dựng những công trình ven sông.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận