Phóng to |
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến giúp các bạn trẻ tìm hiểu truyền thống qua các bản nhạc đỏ... - Ảnh: K.Anh |
Chương trình “Điểm hẹn số 4 Duy Tân” kỳ 2 với chủ đề Nam bộ kháng chiến vừa diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua.
Bạn Lâm Văn Diệp, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, tình cờ đến với chương trình do được người bạn giới thiệu. Trưởng thành trong những ngày đất nước không còn tiếng súng, ban đầu Diệp rất ngại ngần vì không biết mình có thể đồng cảm với những ca khúc đã ra đời cách đây hàng mấy chục năm. Nhưng rồi Diệp đã bộc bạch: “Cảm nhận ban đầu của tôi đã không đúng. Tôi đã có những giây phút thật khó quên, như được nhắc rằng mình đang mang sức trẻ, mình phải sống sao cho trọn vẹn với cuộc đời mình, với đất nước mình...”.
Cũng giống như Diệp, nhiều bạn trẻ khác không dễ dàng hiểu được “thuốc súng kém” hay “nóp” trong ca khúc Nam bộ kháng chiến (nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn) là thế nào. Được nhạc sĩ Trần Xuân Tiến giải thích, bạn trẻ càng hiểu được chiến thắng của một dân tộc “chân đi không” trước kẻ thù với vũ khí hiện đại có ý nghĩa như thế nào. Nói về hình ảnh “Ta đem thân ta liều cho nước”, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến giải thích: “Hồi đó lạ lùng lắm. Vì Tổ quốc độc lập tự do, những thanh niên yêu nước không sợ chết. Họ sẵn sàng chết vì Tổ quốc để cho người khác sống. Nhờ những con người như vậy mà đất nước chúng ta mới được trọn vẹn từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau”.
Trong tiếng nhạc kiêu hùng, khí thiêng của Tổ quốc như hội tụ về đây. Chương trình kết thúc mà những giai điệu hào hùng của ca khúc Nam bộ kháng chiến vẫn còn vang vọng mãi trong lòng những người trẻ tham dự: Ta đem thân ta liều cho nước/ Ta đem thân ta đền ơn trước/ Xây giang sơn hạnh phúc muôn đời/ Nền độc lập khắp nước Nam...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận