06/08/2013 04:07 GMT+7

Sống cùng sự kiện

P.VŨ
P.VŨ

TT - Lần đầu tiên được đặt tay lên lớp vỏ composite sơn màu sắc và hoa văn đặc trưng quân đội của chiếc xuồng CQ, chị Nguyễn Thị Phương Nga không khỏi ngạc nhiên: “Ô, xuồng bé thế. Nó sẽ chạy từ đây ra Trường Sa được sao?”.

Khi được giải thích rằng chiếc xuồng chỉ rộng gần 2m, dài 6,5m này sẽ được chở ra Trường Sa bằng tàu lớn, và khi được thấy hình ảnh những chiếc xuồng CQ lượn vun vút trên thềm san hô của đảo trên video clip chiếu trên màn hình, chị Nga mới yên tâm.

Chọn đọc Tuổi Trẻ từ ngày còn đi học, đến nay đã là 20 năm, chị Nga cũng là một trong những người thường xuyên đóng góp cho các chương trình mà báo Tuổi Trẻ vận động, nhất là những chương trình đóng góp cho Trường Sa. Được báo Tuổi Trẻ mời đến dự lễ trao xuồng CQ tại Vùng 4 hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa) ngày 3-8, chị Nga bảo mình “nghe lâng lâng từ lúc được báo tin”, và lại xuýt xoa tiếc: “Biết đi với báo vui vẻ, thoải mái thế này, tôi đã dẫn theo con trai để cháu được biết thế nào là xuồng, thế nào là tàu, được nói chuyện với các chú hải quân Trường Sa là thần tượng của cháu”.

Nhưng dù có phải ở nhà thì con trai chị cũng đã được mẹ tường thuật đầy đủ, không chỉ diễn biến chuyến đi mà cả hứng khởi của lần đầu được “chạm” vào Trường Sa, qua những cuộc điện thoại mà hai mẹ con gọi cho nhau mỗi giờ. Đi cùng chị Nga, một lần nữa chúng tôi nhận ra rằng hàng trăm bài báo in ra trước mắt bạn đọc cũng không bằng một phút họ được sống cùng sự kiện, tiếp xúc với thực tế, với sự vật, con người. Ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG, cũng đã kể: trong lần được đến Trường Sa, ông thấy các chiến sĩ hải quân chỉ cho xem chiếc xuồng CQ đã xuống cấp do sóng gió khắc nghiệt. Khi không có xuồng thì các anh ấy phải lội ra tận mép xanh (ranh giới giữa nền san hô và lòng biển) để kéo xuồng công binh tiếp tế, chở khách, đôi giày bộ đội chẳng bảo vệ được gan bàn chân trước gai san hô. Và vì thế mà VNG đã chọn xuồng CQ để đóng góp.

Trong chuyến đi Trường Sa để bàn giao nhà trên đảo Đá Tây C vừa rồi (tháng 5-2013), đoàn chúng tôi cũng có một bạn đọc rất đặc biệt: cô Nguyễn Thị Na. Rất hồn nhiên với những cảm xúc của mình, chỉ mới đến ngày thứ hai Na đã bật khóc vì nhớ nhà, và rồi những ngày tiếp sau đó lại cứ khóc mãi vì thương các chiến sĩ hải quân đang phải cất kỹ nỗi nhớ nhà trong đáy balô, ngày đêm lênh đênh trên biển, lặng lẽ trên đảo. Na viết vào nhật ký: “Mình thật là mềm yếu quá, từ giờ phải mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn nữa mới làm được gì góp tay với các anh ấy”. Từ một cô gái nghèo chỉ hai bàn tay trắng từ Đắk Lắk xuống TP.HCM làm nghề bỏ mối cà phê, nay Na đã là giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Phát có những mối xuất khẩu cà phê ở nước ngoài. Cô hẳn nhiên là một cô gái mạnh mẽ, mọi người đều thấy thế và Na cũng tự tin như thế, chỉ đến khi lên tàu cô mới phát hiện mình yếu đuối đến mức... khóc nhè. Kết thúc hành trình, Na thì thầm: “Chuyến đi này đã thay đổi tôi rất nhiều. Nhất định tôi sẽ sống tốt hơn, mạnh mẽ hơn và đóng góp cho Trường Sa nhiều hơn nữa”.

Trước Na, đại diện cho bạn đọc Tuổi Trẻ ra khánh thành công trình nhà kiên cố trên đảo Đá Tây A là chị Nguyễn Thị Quí, người phụ nữ nhập cư ngày ngày rong ruổi với gánh ve chai trên các con đường ngoại thành. Sau chuyến đi ấy, rất nhiều lần chị lại đến đóng góp những khoản tiền nhỏ của mình, lần nào cũng là gửi đến Trường Sa, lần nào cũng kèm theo những giọt nước mắt: “Mình được bình yên sống trong này là nhờ có bao nhiêu người đang vất vả, hi sinh ở ngoài ấy”.

Và đó là lý do mà Tuổi Trẻ luôn cố gắng tổ chức để các bạn đọc của mình có thể cùng tham gia các sự kiện, dù cho chỉ có thể mời đại diện một vài người, dù cho hải trình đến Trường Sa còn nhiều khó khăn, cách trở. Mỗi chuyến đi, với bạn đọc, là những nhận thức được mở rộng, là những nhận biết mới về chính bản thân, những khát vọng mới và những hành động mới.

Và những bạn đọc của Tuổi Trẻ lại tiếp tục đồng hành cùng Tuổi Trẻ...

P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên