08/07/2013 06:09 GMT+7

Sống cùng những "mảng san hô"

CÔNG HOÀNG
CÔNG HOÀNG

TT - Ông Nguyễn Chút (58 tuổi) ngụ tại khu phố 5, P.Phủ Hà, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) phải mang những nốt sần sùi mọc dày trên mình trông như những khối san hô di động suốt 40 năm qua.

d05cPdyq.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Chút đang dùng kéo cắt bỏ bớt những miếng “san hô” trên tay mình - Ảnh: Công Hoàng

Đau đớn, khó chịu dai dẳng khi ông Chút bị những “khối san hô” mọc phủ kín cả hai tay, hai chân.

Từ cái mụn cóc...

Tại giường bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn, ông Chút nhớ lại: “Năm 18 tuổi, thấy trên bàn tay, bàn chân mọc mấy cái mụn cóc, tui bèn lấy thuốc lá để đốt rồi dùng dao lam cắt bỏ. Dè đâu càng phá bỏ chừng nào mụn lại mọc dày lên chừng đó. Mọc khắp cả người. Ban đâu chỉ là những nốt mụn, rồi ngày càng mọc dày và phủ hết bàn tay, bàn chân trông như những khối san hô vậy”.

“Hồi đó đi bệnh viện khám, người ta có cho thuốc uống rồi thôi. Khó chịu lắm chứ nhưng nhà nghèo tiền đâu mà đi chữa hả chú? Cứ thấy nó mọc dày thì tui lấy kéo tui cắt bớt, nhưng càng cắt lại càng mọc dày thêm - ông Chút kể - Sợ nhất là bị thấm nước. Nước thấm vào mấy cái mảng này nở ra nhức vô cùng. Nhưng không có nước thì nó rất cứng, rất khó dùng kéo để cắt. Thỉnh thoảng tui cũng ráng chịu đau xuống biển tắm cho nó mềm ra dễ cắt hơn. Còn chuyện đi lại, sinh hoạt cá nhân tui tự lo được, dù vất vả”.

Hàng xóm ông Chút, anh Nguyễn Thanh Long, cám cảnh: “Mấy chục năm nay, tất cả việc trong gia đình ông Chút đều do

một tay vợ ông, bà Nguyễn Thị Thu Vân, 51 tuổi, cáng đáng. Mấy năm trước, nghe người ta nói ngoài Cam Ranh có ông thầy thuốc nam phá mấy cái mụn cóc rất hay, tui chở ổng đi mà đâu có chữa được. Nhà ông Chút nghèo quá mà, không vào các bệnh viện lớn ở Sài Gòn được. Ngay cái nhà đang ở cũng nhờ người ta giúp để xây, chứ hồi trước ở trong cái chòi lợp bằng lá buông thôi”.

Còn bà Vân kể: “Hồi mới cưới, tui thấy tay chân ảnh cũng có vài mụn cóc, nhưng không để ý vì ảnh cũng lao động bình thường, chạy xe ba gác kiếm tiền lo cho gia đình. Đến khi sinh đứa con gái đầu thì mấy cái mụn cóc đó mới bắt đầu nổi dày lên, cũng có người chỉ đi Sài Gòn chữa chạy nhưng nhà nghèo quá nên cứ để liều, ai dè ngày càng mọc nhiều hơn. Tui bán cháo lòng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, tiền đâu mà đưa ảnh đi chữa”.

Bệnh khó chữa

Bác sĩ Ngô Thị Hà, khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, cho biết ông Nguyễn Chút nhập viện ngày 1-7 vì bệnh phổi tắc nghẽn. “Điều làm tôi quan tâm nhiều hơn là những mảng sần sùi trên người ông ấy. Không phải bác sĩ chuyên khoa về lĩnh vực này nên tôi cũng không biết đó là bệnh gì, lên mạng tìm kiếm mới biết căn bệnh này được gọi là loạn sản - bác sĩ Hà kể - Theo những tài liệu có được, đây có thể là rối loạn di truyền rất hiếm gặp, trong đó các mụn cóc hình thành trên da. Không có cách điều trị hiệu quả cho căn bệnh này dù phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ các mụn cóc. Nhưng sau khi phẫu thuật, các mụn cóc vẫn có thể mọc trở lại” - bác sĩ Hà thông tin.

Bác sĩ Nguyễn Thế Vinh, trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, nói ông Chút cần gặp bác sĩ chuyên khoa may ra mới có thể điều trị được.

Thế nhưng, gia đình không có điều kiện đưa ông đi chữa trị. Và như thế, có lẽ những “mảng san hô” kỳ dị này sẽ theo ông Nguyễn Chút suốt quãng đời còn lại.

Loạn sản thượng bì dạng mụn cóc

Qua xem hình ảnh và đọc những lời khai bệnh sử ban đầu của bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM - nghĩ nhiều đến khả năng bệnh nhân mắc bệnh loạn sản thượng bì dạng mụn cóc (epidermodysplasia verruciformis). Đây là bệnh rất hiếm gặp.

Loạn sản thượng bì dạng mụn cóc là một rối loạn di truyền lặn qua nhiễm sắc thể thường. Bệnh do cơ thể người bệnh nhạy cảm với virút HPV (human papillomavirus) thường gây mụn cóc nên virút phát triển không kiểm soát trên da, hình thành các thương tổn dạng mụn cóc khắp người và thường tập trung nhiều ở bàn tay, bàn chân. Ngoài những thương tổn giống mụn cóc, nếu bệnh nhân còn có thương tổn đặc trưng màu hồng nâu, giống lang ben thì có nhiều cơ sở để khẳng định bệnh nhân mắc bệnh loạn sản thượng bì dạng mụn cóc. Tuy nhiên, với những triệu chứng của bệnh nhân kể trên, bác sĩ có thể nghĩ đến một số bệnh khác như rối loạn chuyển hóa hoặc nhiễm độc... Để được chẩn đoán chính xác bệnh, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và làm một số xét nghiệm đặc hiệu.

Trường hợp bệnh nhân bị bệnh loạn sản thượng bì dạng mụn cóc thì đến nay vẫn chưa có phương pháp nào điều trị hiệu quả hoàn toàn căn bệnh này. Hiện có hai phương pháp điều trị thường được sử dụng là phẫu thuật cắt bỏ những mụn cóc trên da và một số trường hợp có đáp ứng điều trị với loại thuốc dẫn xuất vitamin A dạng uống. Những người mắc bệnh này cần được khám định kỳ và tránh ánh nắng. Căn bệnh hiếm gặp này thường khởi phát từ 1-20 tuổi nhưng cũng có thể gặp ở tuổi trung niên.

CÔNG HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên