24/09/2018 11:06 GMT+7

Sôi động ứng dụng gọi xe công nghệ

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ ra đời sau khi Grab thâu tóm Uber. Nhưng sau thời gian ngắn, một số ứng dụng Việt đã tỏ ra “đuối”, sân chơi vẫn chủ yếu của ứng dụng ngoại.

Sôi động ứng dụng gọi xe công nghệ - Ảnh 1.

Tài xế “xe ôm công nghệ” Go-Viet tại TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Không chỉ mảng vận tải hành khách, hàng triệu USD đã được rót vào đầu tư các ứng dụng vận tải hàng hóa, tạo cuộc chơi giành thị phần sôi động.

Đua nhau nhảy vào thị trường

Kể từ tháng 3-2018, Grab tuyên bố thâu tóm Uber tại thị trường Đông Nam Á, nhiều ứng dụng gọi xe đã nhanh chóng triển khai rầm rộ tại VN như Vato, Mai Linh Bike, Aber, Fast-Go...

Tháng 5-2018, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang tuyên bố rót 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỉ đồng) vào ứng dụng VATO với tham vọng chiếm khoảng trống do Uber để lại.

Cùng với đó, hàng loạt ứng dụng gọi xe Mai Linh Bike, T.Net, 123Xe, Xelo... cũng được công bố đầu tư lớn.

Fast-Go, một trong các thương hiệu thuộc NextTech Group of Technopreneurs, cũng nỗ lực để chứng tỏ doanh nghiệp công nghệ Việt có thể tham gia thị trường xe công nghệ.

Tuy nhiên, sau gần 3 tháng chính thức hoạt động, ngoài việc ra công bố khoản đầu tư của VinaCapital và con số gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia, hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại Hà Nội và TP.HCM thì hoạt động ngoài thực địa của hãng này vẫn chưa thực sự nổi bật.

Doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó

Rầm rộ ra mắt, nhưng tại sao sau thời gian ngắn hoạt động một số ứng dụng gọi xe của doanh nghiệp nội vẫn "phập phù" so với các ứng dụng từ nước ngoài?

Ông Trần Thanh Nam - giám đốc điều hành VATO - thừa nhận sau khi ra mắt ứng dụng gọi xe hồi tháng 5-2018 với tính năng khác biệt cho phép khách hàng mặc cả với tài xế gây chú ý, ứng dụng này đang ở giai đoạn chững lại.

Theo ông Nam, một trong những nguyên nhân khiến ứng dụng gọi xe VATO chưa có chỗ đứng trên thị trường do thủ tục cấp phép cho đơn vị này vẫn chưa rõ ràng. 

Cơ quan thuế còn lúng túng xác định loại hình hoạt động của VATO nên việc thuế thu như thế nào vẫn chưa rõ. Do đó hãng này phải tạm ngừng tăng tốc, chờ xử lý xong về mặt pháp lý mới bung sức.

Dù mới ra mắt nhưng ứng dụng gọi xe Aber tạm dừng hoạt động từ ngày 10-8, lãnh đạo của đơn vị này cho biết dừng để chuẩn bị nguồn lực phát triển mạnh hơn.

Khẳng định với Tuổi Trẻ, lãnh đạo của Aber tự tin không ngại cạnh tranh với Grab, Go-Viet vì thị trường vẫn còn nhiều. Lý do, theo vị này, có ứng dụng ngoại mới vào thì họ mới chỉ phát triển xe máy, còn xe 4 bánh, xe tải, xe khách vẫn chưa triển khai...

Sôi động ứng dụng gọi xe công nghệ - Ảnh 2.

Xe Go-Viet xuất hiện bên cạnh xe Grab trên đường phố TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Khối ngoại vẫn lấn lướt

Giữa lúc các ứng dụng gọi xe trong nước chưa phải là đối thủ nặng ký của Grab, ứng dụng gọi xe từ Indonesia (Go-Jek) với công ty con là Go-Viet đã khuấy động thị trường với các chương trình khuyến mãi sốc: 5.000 đồng cho mỗi chuyến "xe ôm" dưới 8km tại 12 quận huyện ở TP.HCM.

Tuy nhiên, việc khuyến mãi này chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị này đột ngột nâng giá lên 9.000 đồng thay vì 5.000 đồng như tuyên bố ban đầu.

Theo nhiều khách hàng, so sánh giá với các ứng dụng gọi xe khác ở thời điểm hiện tại, đây là mức giá được đánh giá rẻ nhất từ trước đến nay.

Dù chưa có đơn vị đánh giá độc lập nào xác nhận nhưng ông Nadiem Makarim, giám đốc điều hành Go-Jek, cho biết trong buổi ra mắt tại Hà Nội mới đây, Go-Viet đã đạt 35% thị phần trong dịch vụ gọi xe hai bánh tại TP.HCM và 1,5 triệu lượt tải ứng dụng sau 6 tuần ra mắt.

Cuộc chiến cạnh tranh ứng dụng gọi xe đang hứa hẹn thêm "nóng" khi Now - đơn vị cung cấp các dịch vụ giao hàng của Foody - vừa có động thái nhảy vào lĩnh vực xe ôm công nghệ.

Theo đó, dự kiến sẽ tham gia mảng ngách thị trường như giao hoa, giao thực phẩm sạch, đi chợ hộ với đội ngũ shipper đang có khoảng 5.000 - 7.000 người.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đầu tư vào ứng dụng gọi xe rất tiềm năng, nhưng thực tế không phải là miếng bánh "ngon ăn". Quan trọng nhất là cần có lực lượng tài xế đông đảo đủ để phục vụ người dùng ngay khi họ cần.

Chỉ cần 2-3 lần gọi xe không được, khách hàng sẽ nản và rất khó để họ quay lại sử dụng. Trong khi các doanh nghiệp trong nước không phải dễ có ngay đội ngũ lái xe đông đảo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN - cho rằng các ứng dụng gọi xe trong nước đang phát triển kiểu mạnh ai nấy làm nên chưa thể cạnh tranh với các ông lớn như Grab hay Go-Viet.

Theo ông Hùng, có thể tính đến một số doanh nghiệp hợp sức lại tạo thành cộng đồng chung về công nghệ, nguồn vốn mới có hi vọng cạnh tranh. Song, ông Hùng nhấn mạnh đừng nên lo ngại doanh nghiệp nước ngoài vào "chiếm sân".

Quan trọng là Nhà nước tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, từ đó đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng dịch vụ tốt.

* Ông BÙI DANH LIÊN (nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội):

Có lợi cho người tiêu dùng

Việc nhiều ứng dụng nhảy vào cạnh tranh để vận chuyển hành khách là tốt bởi đối tượng có lợi sẽ là người tiêu dùng. Với những ứng dụng gọi xe công nghệ mới vào VN, chúng ta hãy từ từ quan sát, để xem họ sẽ làm những gì tiếp.

Sự cạnh tranh sẽ khiến các hãng chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng từ chính sách đến giá cả. Khách hàng sẽ có sự lựa chọn phong phú, tránh sự độc chiếm thị trường...

Lan sang vận tải hàng hóa

Không chỉ nở rộ ứng dụng về vận chuyển hành khách, đang có các thương vụ đầu tư triệu USD vào các ứng dụng vận tải hàng hóa.

Bà Phạm Thị Khánh Linh - người sáng lập Logivan - cho biết vừa gọi thành công 1,75 triệu USD (khoảng 40 tỉ đồng) do một quỹ đầu tư rót vốn để biến ứng dụng này thành "Uber vận tải".

Logivan phát triển giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tìm kiếm và quản lý xe tải online, kết nối mạng lưới hàng nghìn xe tải với giá cạnh tranh.

Với số vốn được cấp mới, Logivan cho biết sẽ dùng để xóa sạch xe rỗng chiều về của vận tải đường bộ VN.

Theo bà Linh, Logivan tập trung vào phân khúc first & middle mile delivery, các bước trên của chuỗi cung ứng, khi mà hàng hóa được luân chuyển giữa các nhà sản xuất, phân phối tới nhà bán lẻ. Vì vậy, khách hàng của Logivan là các công ty.

Theo bà Linh, việc phát triển công nghệ cho lĩnh vực kho vận có thể giảm chi phí logistics đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp Việt.

Không khoa trương, ồn ào như Grab hay Go-Viet, các ứng dụng giao hàng cũng âm thầm đẩy mạnh giành thị phần tại thị trường VN như Lalammove, AhaMove, Supership, giaohangnhanh...

Hiệp hội taxi vẫn muốn quy xe Grab là loại hình taxi Hiệp hội taxi vẫn muốn quy xe Grab là loại hình taxi

TTO - Dù dự thảo nghị định Bộ Giao thông vận tải đưa ra xem hoạt động của xe sử dụng phần mềm như Uber, Grab là xe hợp đồng điện tử, nhưng lãnh đạo các hiệp hội taxi đều đề nghị phải coi loại hình này là taxi và chịu quản lý như taxi.

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên