20/06/2023 10:01 GMT+7

Sôi động chương trình 9+

Thay vì thi vào lớp 10 công lập, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã chọn học chương trình 9+ tại các trường trung cấp, cao đẳng.

Học sinh THCS đến trải nghiệm nghề tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, một trong những hoạt động hướng nghiệp cho hệ 9+ tại trường - Ảnh: T.THẢO

Học sinh THCS đến trải nghiệm nghề tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, một trong những hoạt động hướng nghiệp cho hệ 9+ tại trường - Ảnh: T.THẢO

Đáng lưu ý là ngày càng nhiều học sinh có học lực khá, giỏi ở lớp 9 chọn học chương trình này.

Tìm hướng đi riêng

Sáng 19-6, Nguyễn Thị Thùy Dung - cựu học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.12, TP.HCM) - là một trong 328 học sinh nhập học đợt 1 chương trình hệ 9+ tại Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM).

Dung chính thức bước vào hai tuần định hướng của trường trước khi chương trình học chính khóa bắt đầu vào giữa tháng 7.

Trong hai tuần này, Dung được học thử các ngành nghề trước khi quyết định sẽ theo nghề nào bên cạnh chương trình phổ thông dành cho học sinh rẽ hướng học trung cấp, cao đẳng.

"Ban đầu mình thích nghề thiết kế đồ họa. Dù đã tìm hiểu trước nhưng mình sẽ tận dụng hai tuần tới để thực sự xem sẽ học gì và có hợp không", Dung nói.

Có học lực giỏi năm lớp 9, sau khi thi lớp 10 Dung chuyển hướng tìm hiểu về học nghề. Sau khi tìm hiểu kỹ, Dung "chốt" và không lăn tăn đến điểm thi vào lớp 10.

Việc của em là thuyết phục cha mẹ cho học nghề. "Gia đình mình lại rất ủng hộ. Mình mong muốn học sớm để sớm có nghề vững vàng và ổn định cuộc sống", Dung nói.

Cũng nhập học đợt 1 tại Trường CĐ Viễn Đông là bạn Trần Thanh Tú - cựu học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.12, TP.HCM). Khác với Thùy Dung, Thanh Tú không thi tuyển vào lớp 10 dù học lực khá. Ý định này đã được Tú suy nghĩ từ giữa năm lớp 9 và được bàn bạc kỹ lưỡng với cha mẹ.

Tú tâm sự không chịu được áp lực của kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Nhất là vào giai đoạn nước rút, Tú thấy các bạn phải "chạy show" học thêm đến rất nhiều nơi ôn tập.

"Có nhiều người khuyên mình hay cứ thi thử nhưng mình không dao động. Mình thấy bản thân là người thích làm việc, thích thực hành nhiều hơn học lý thuyết. Tại trường, mình sẽ theo học nghề công nghệ thông tin" - Thanh Tú nói.

ThS Phan Thị Lệ Thu - phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông - cho biết đến thời điểm này trường đã tuyển được hơn 300 học sinh 9+, tương đương khoảng 50% chỉ tiêu của hệ này trong năm nay.

Trong đó phần lớn các em đều quyết định từ ban đầu sẽ không thi tuyển sinh lớp 10 mà đi hướng học nghề. Với 50% chỉ tiêu còn lại trường sẽ tiếp tục tuyển sau khi TP có kết quả thi, xét tuyển lớp 10.

Ngày càng thu hút

Theo cô Lệ Thu, chọn rẽ hướng học nghề ở tuổi 15 học sinh thường chưa hình dung được về nghề nghiệp.

Chẳng hạn khi nói đến công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô tô, chăm sóc sắc đẹp, các em thường khó hình dung hết nghề này sẽ học gì, sẽ làm gì và liệu có thích hợp với mình hay không?

"Vì vậy, trường cho các em học hai tuần định hướng. Các em sẽ lần lượt được thực hành các nghề để cảm nhận xem mình có hợp hay không. Việc lựa chọn này cũng sẽ định hình các môn mà các em sẽ theo học văn hóa theo tinh thần của chương trình giáo dục 2018" - cô Thu nói.

ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM - nhận định chương trình học hệ 9+ ngày càng được phụ huynh lựa chọn, dần gỡ bỏ "nhãn" chỉ dành cho các học sinh trượt lớp 10 công lập.

Ông Lý phân tích chương trình này được phụ huynh xem là một "lối rẽ" tiết kiệm chi phí, thời gian mà vẫn bảo đảm bằng cấp. Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh vừa học chương trình giáo dục thường xuyên, vừa học nghề.

Sau 3,5 năm, các bạn sẽ có bằng tốt nghiệp THPT nếu vượt qua kỳ thi và có thêm bằng cao đẳng chính quy. Bên cạnh đó, theo nghị định 81/NĐCP, các em được miễn học phí học nghề.

Ông Nguyễn Đăng Lý cho biết với nhiều lợi thế trên, những năm gần đây học sinh đăng ký học hệ này có xu hướng tăng. Hằng năm, trường đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đến năm học 2023-2024, trường tuyển sinh 300 chỉ tiêu lớp 10, hệ 9+.

Trong đó, 150 chỉ tiêu ở chương trình đại trà, 100 chỉ tiêu ở chương trình chất lượng cao liên kết với Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

ThS Trần Công Nam, phó hiệu trưởng điều hành Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, cho biết trong năm đầu tiên trường sẽ tạo điều kiện cho các bạn đi đến các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực ngành nghề để xác định xem nghề nào là yêu thích.

Điều này giúp các bạn vừa học vừa được định hướng, và quyết định nghề nghiệp cuối cùng sẽ đến từ sở thích, sở trường của các bạn chứ không phải ý muốn của cha mẹ.

Chương trình 9+ là gì?

9+ là tên thường gọi của mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa. Theo thông tư 15/2022/TT-BGDĐT, chương trình văn hóa ở đây là khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm ba môn bắt buộc toán, ngữ văn, lịch sử.

Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề đào tạo phải học thêm ít nhất một môn lựa chọn trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý.

Sau ba năm học, học sinh có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT như các học sinh ở các trường phổ thông công lập. Bên cạnh đó, thí sinh sẽ được học nghề miễn học phí, theo quy định của Chính phủ.

Học sinh sẽ được xét tốt nghiệp THPT (nếu đủ điểm tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT) và có bằng tốt nghiệp trung cấp. Học tiếp 1-1,5 năm, tùy từng trường, học sinh sẽ được liên thông và có bằng tốt nghiệp CĐ.

Học sinh lớp 9 là nguồn tuyển chính

Theo ThS Phạm Quang Trang Thủy - hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), các học sinh tốt nghiệp lớp 9 hiện là nguồn tuyển chính của trường, chiếm tỉ trọng lớn hơn so với số học sinh hoàn thành lớp 12 nhập học.

Để tuyển sinh được học sinh tốt nghiệp THCS, trường phải chủ động thực hiện các kế hoạch tư vấn tuyển sinh ngay từ đầu năm học. Trường sẽ kết hợp với các trường THCS trên địa bàn Q.5 và các quận huyện lân cận để đến hướng nghiệp cho các em.

"Ngoài ra, trường cũng đi đến các trường ở Long An để tiếp cận thêm với các học sinh ở khu vực này", bà Thủy nói.

Sắp điều chỉnh chương trình lớp 5, lớp 9Sắp điều chỉnh chương trình lớp 5, lớp 9

TTO - Ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết trong tháng 11-2020, Bộ sẽ lắng nghe góp ý để hoàn thiện tài liệu hướng dẫn điều chỉnh chương trình lớp 5, lớp 9 phù hợp yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình 2018).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên