10/04/2005 09:02 GMT+7

Sóc Trăng: Một xã nợ 25 tỉ đồng vì tôm chết

HỒ VĂN - MINH LUẬN
HỒ VĂN - MINH LUẬN

TTCN - 15 vụ tôm chết liên tục khiến ông Lê Minh Hồng ở huyện Mỹ Xuyên nợ ngân hàng gần 200 triệu đồng. Hàng ngàn hộ khác ở Sóc Trăng cũng đang nợ ngập đầu vì tôm …

WoVdMeEa.jpgPhóng to
Anh Lê Văn Hột bên ao tôm phơi nắng vì không còn tiền mua giống

Gặp ông định hỏi mấy câu nhưng ông lớn tiếng: “Tôm chết có gì mà viết chứ, mấy ông đi chỗ khác cho tôi nhờ…”. Chúng tôi và anh cán bộ xã đành vọt lẹ, nhưng không ai giận ông cả vì như ông phó chủ tịch nói: “Ổng mất mùa quá nhiều nên nổi nóng, bình thường ổng đâu có vậy!”. Nhưng đâu chỉ có ông Hồng mà hàng ngàn hộ khác ở Sóc Trăng cũng đang nợ ngập đầu vì tôm, rơi vào bế tắc…

Chúng tôi men theo con đường trải nhựa gồ ghề đi vào xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên. Hai bên đường ao tôm, vuông tôm nằm san sát. Không như mọi khi, dù đã vào mùa vụ nhưng cánh đồng tôm bây giờ vắng tanh bóng người, nhiều hệ thống chạy oxy cho tôm nằm trơ không hoạt động. Anh Huỳnh Văn Hiệp, bí thư xã Hòa Tú 2, lý giải: “Vì năm nay ngân hàng không cho người nuôi tôm tiếp tục vay nên hàng trăm hộ không có tiền mua tôm giống thả. Chỉ có chừng vài chục hộ trúng mùa, huề vốn là tiếp tục được đầu tư vay thêm để nuôi”.

Nợ chồng nợ

Khởi đầu cách đây 10 năm từ chủ trương chuyển đổi từ cây trồng, vật nuôi, cả xã Hòa Tú 2 có khoảng 2.000 hộ đầu tư nuôi tôm với trung bình mỗi hộ gần 1ha mặt nước. Bước khởi đầu ấy suôn sẻ khi cả xã trúng mùa mấy năm liền, nhà lá đổi màu ngói đỏ tươi, trẻ con không còn nhếch nhác như thời còn chật vật với hai mùa lúa mỗi năm. Nhưng rồi liên tiếp bốn năm trở lại đây, cả xã trĩu nặng “nỗi buồn tôm chết”, hàng trăm hộ mất mùa liên tiếp, có hộ tới 15 vụ không biết đến ngày thu hoạch, hộ trúng mùa thì đếm trên đầu ngón tay.

“Cứ xuống giống khoảng hai tháng là tôm bắt đầu bệnh và chết. Tìm đủ mọi cách rồi vẫn không khắc phục được” - anh Nguyễn Thành Trung, phó chủ tịch xã, nói rồi dẫn chúng tôi ra vuông tôm của cha con ông Lê Trung Buôl ở ấp Dương Kiện, một trong những hộ… đứng đầu danh sách nợ ngân hàng vì thất mùa liên miên.

Theo ông Buôl, gia đình ông nuôi tôm đã chín năm nay nhưng “thất mùa nhiều hơn được mùa”. Tiền nợ ngân hàng mùa trước chồng mùa sau đã gần 200 triệu đồng. Cũng vì số nợ lớn và quá hạn nhiều năm không trả, nên mùa này hai cha con ông Buôl không còn được vay tiền ngân hàng nữa. Bây giờ cả nhà ông Buôl chỉ còn chiếc xe bán nước mía là “cứu cánh” cho cả gia đình. Sát với vuông tôm của ông Buôl là vuông tôm của ông Nguyễn Chi Thơm đang nằm trơ đáy. Năm năm rồi chưa một lần trúng mùa, gia tài ông Thơm khánh kiệt dần theo con tôm, nợ ngân hàng lút đầu chẳng biết khi nào trả được.

Rời xã Hòa Tú 2, chúng tôi qua xã Ngọc Tố cách đó hơn 10 km đường chim bay. Gặp lúc UBND xã đang họp cùng với các trưởng ấp để thông báo việc ngân hàng cắt đầu tư, không cho các hộ nuôi tôm vay tiếp vì nợ quá hạn đã quá cao. “Xã có chín ấp với 1.886 hộ thì tất cả đầu tư vào con tôm, trong đó năm ấp thất mùa liên tiếp. Các ấp còn lại thì huề vốn, chỉ có khoảng chục hộ là trúng mùa. Nợ tồn đọng của cả xã đã gần 25 tỉ đồng, khả năng trả nợ là không thể vì năm nay hầu như không có tiền để đầu tư tiếp”- anh Võ Hồng Quân, chủ tịch xã, nói với chúng tôi trong giờ giải lao.

Riêng Lê Văn Hột, trưởng ban dân vận ấp Hòa Muông, có lẽ là người lo lắng nhất. Ba mùa tôm liên tục đều thất bại, nợ ngân hàng đã lên tròn con số 300 triệu đồng. Ông khánh kiệt đến mức đứa con trai đầu đi nghĩa vụ quân sự, anh phải tạm ứng trước tháng lương cán bộ còm cõi của mình cho con dằn túi. Còn ông Trần Văn Hanh với diện tích nuôi tôm khoảng 7 ha thì cũng chừng ấy năm mất mùa. Ông Hanh nói: “Tính ra tiền của tôi “chết ” theo con tôm cỡ hơn 500 triệu đồng”.

Hậu quả “làm theo phong trào”?

kwGoLWiF.jpgPhóng to
Con kênh thoát nước qua sáu xã huyện Mỹ Xuyên đang được thi công dở dang
Ông Nguyễn Tấn Bửu, giám đốc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ riêng con tôm đã có tổng dư nợ 438 tỉ đồng. Trong đó cao nhất là huyện Mỹ Xuyên với hơn 200 tỉ đồng. Năm nay chỉ những hộ khách hàng loại 1 ( những hộ trả nợ đúng hạn) được vay tiếp, còn những hộ chưa trả nợ thì chúng tôi không thể cho vay thêm. Dù biết vậy là khó cho người nuôi tôm nhưng nếu đầu tư thêm nợ sẽ chồng nợ”.

Theo ông Nguyễn Tự Lực, phó chủ tịch huyện Mỹ Xuyên, không chỉ hai xã Hòa Tú 2 và Ngọc Tố mà hết sáu xã trong huyện và một phần xã Tham Đô đều nặng nợ con tôm. Con số 200 tỉ đồng, gấp ba lần kinh phí xoay vòng của huyện hằng năm, là số nợ có lẽ nằm ngoài khả năng thanh toán của người nuôi tôm. Ít nhất là cho đến khi hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản hoàn thiện, mà điều này có lẽ còn xa.

Không cho vay tiếp đồng nghĩa với việc người nuôi tôm bỏ không cánh đồng tôm của mình. Và như vậy tiền nợ vẫn cứ mãi treo trên đầu họ, tiền lãi vẫn ngày một cao thêm. Phó chủ tịch xã Hòa Tú và chủ tịch xã Ngọc Tố đều chung tâm sự. “Lâm vào tình cảnh nợ nần hiện nay cũng chính do người nuôi tôm”. Những năm đầu thấy vài hộ nuôi tôm trúng lớn, hàng ngàn hộ cứ ào ào nuôi theo. Họ cứ mua tôm giống thả xuống ao, cho ăn rồi... chờ thu hoạch. Mấy vụ đầu thì trúng thật vì lúc ấy môi trường nước còn trong sạch. Càng về sau càng ô nhiễm nặng. Nước thải ra cứ chảy lòng vòng, không biết thoát đi đâu. Hộ xả nước, hộ bơm vào, kể như là mang theo mầm bệnh vào ao tôm. “Nói thiệt với mấy anh, hàng ngàn hộ nuôi tôm là theo phong trào chứ chẳng biết gì về kỹ thuật hết. Nuôi như vậy không chết mới lạ” – ông Lực bức xúc nói.

Còn ông Ngô Minh Làng, một hộ nuôi tôm sáu năm liền trúng mùa ở ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 cho biết kinh nghiệm: “Tôi thường chọn mua giống những nơi nổi tiếng về nuôi tôm như Nha Trang, Kiên Giang. Sau đó thuê kỹ sư xét nghiệm chất lượng giống, nhờ họ tư vấn thêm về khâu kỹ thuật. Huyện nên thành lập các hợp tác xã nuôi tôm”.

Ông Lực cũng nhìn nhận “phần trách nhiệm lớn thuộc về chính quyền địa phương”. Theo ông, đúng ra phải hạn chế diện tích nuôi tôm của huyện khi mà hệ thống dẫn và thoát nước chưa thi công xong. Huyện cũng chưa thành lập được trung tâm giống và xét nghiệm giống để phục vụ bà con nuôi tôm.

Rời khỏi những cánh đồng tôm, chúng tôi chạnh lòng vì tâm sự của những người nuôi tôm: “Nếu ngân hàng ngưng cho vay, chúng tôi biết lấy tiền đâu nuôi tôm tiếp. Có lẽ nợ ngân hàng sẽ khó trả được, bỏ con tôm cũng chẳng biết nuôi hay trồng cây gì, con gì. Vì bây giờ đất đai nhiễm mặn, chỉ con tôm là sống được!”.

HỒ VĂN - MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên