08/10/2021 09:56 GMT+7

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 6: Những tập tục ngược đời của dân sóng nước

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Cư dân đầm phá Tam Giang ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay vẫn còn giữ nhiều tập tục khá kỳ lạ, phần nhiều "phải làm ngược với dân trên bờ mới đúng"...

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 6: Những tập tục ngược đời của dân sóng nước - Ảnh 1.

Ngư dân Tam Giang khấn vái thủy thần trước khi cho ghe ra mặt nước - Ảnh: THÁI LỘC

Ở trên bờ ri đây nhưng tui là dân "nôốc" thứ thiệt. Có nhiều tập tục cũng ngược đời lắm, nhưng từ nhiều đời sống trên "nôốc" nên ăn sâu vô máu rồi, không như người trên "bợc" được".

Ông Phạm Văn Lợi


Thực, hư phong tục lạ lùng

"Hương trầm đốt lên, thân chủ rì rầm khấn. Đoạn anh ta thò tay vào thau nước, tài tình nhót lên một chú cá đang lượn lờ, ngậm ngang miệng, nhảy xuống sông bơi đứng. Cách thuyền một khoảng mươi sải, anh ta dừng lại, rút con cá từ miệng ra tung cầu vồng lên thuyền. Người vợ đã sẵn sàng, hai tay cầm chiếc vợt đưa ra đón con cá, thành thục và chuẩn xác như xiếc.

Trong giờ khắc đó, nếu chị ta hứng trật thì sự xui cả năm là phần chắc. Nhưng điều này gần như chẳng bao giờ xảy ra. Khi người vợ nghiêng vợt đổ con cá vào sạp thuyền, người chồng liền hụp đầu lặn xuống đáy đầm. Ở đó, anh ta lạy Hà bá hai lạy như người đang trên cạn vẫn lạy. Xong, bơi trở lại thuyền. Tất cả lễ vật đều trút xuống sông dâng Hà bá, trừ con cá ném từ dưới lên. Đó là con cá mà thần phá đã ban tặng cho thân chủ. Lễ tất". Nhà văn Hồng Nhu "kể" về lễ Thấm đầm của dân đầm phá Tam Giang như thế, trong truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về.

Kỳ lạ hơn là ông "kể" về lễ hợp cẩn của dân "rợ đầm" trong truyện Lễ hội ăn mày: "Một thau nước có hai con cá được bưng ra, một chai rượu đặt cạnh. Ông già bày bát hương đầu mũi thuyền, chọn hai cây hương to và một nạm hương nhỏ. Thắp hương khấn vái xong, ông già lại hô: Xuống đầm! Đôi trai gái đến nhót từ trong thau ra mỗi người một con cá ngậm ngang mồm, trút bỏ áo quần, trần truồng dắt tay nhau xuống nước. 

Hai con cá ấy là lễ vật dâng thần Đầm. Chúng sẽ chứng kiến cái giờ phút thiêng liêng hòa nhập làm một của đôi vợ chồng mới cưới ngay trong lòng nước... Cuộc giao phối xong, đôi trai gái mới được há miệng. Hai chú cá liền bơi đi. Thế là kết thúc buổi tân hôn"...

Được mệnh danh là "nhà văn đầm phá", Hồng Nhu viết rất nhiều điều đặc biệt và thú vị của ngư dân Tam Giang. Hồng Nhu người làng Mỹ Lợi, cạnh đầm phá, thủa thiếu thời gắn liền với người vùng sông nước, văn hóa dân đầm phá thấm vào ông nhuần nhuyễn như hơi thở. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho rằng: "Tất cả những gì tôi chứng kiến ở cư dân đầm phá không có cái gì kỳ lạ, kỳ quái. Rất có thể Hồng Nhu thông qua ký ức của thời trước, nhà văn đôi khi chọn những cái là lạ để viết"...

Đi thực địa nhiều cộng đồng dân đầm phá, tôi chú tâm hỏi nhiều về những phong tục kỳ lạ, độc đáo tương tự, nhưng không hiểu sao các cụ già cứ "nhớ nhớ quên quên", chủ yếu than thở tôm cá ngày nay quá "hèn" (mất mùa), không nhiều như trước đây". Nhiều người đến nay còn khá tự ti bởi nguồn gốc vạn đò của mình khiến tôi cứ phân vân: tập tục kỳ lạ, đặc trưng đầm phá đã phai nhạt hay sự lạ kỳ được nhân lên thông qua lăng kính của một nhà văn. Cũng may có khá nhiều tập tục dân dã của người vùng sông nước vẫn còn được gìn giữ.

Những chuyện dân dã ngược đời

Ông Phạm Văn Lợi là chủ nhân của homestay Gành Lăng ở thôn Hòa An, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, ngay sát mặt nước đầm phá. Giới thiệu với tôi về những điều "đặc biệt bậc nhất" của nơi mình sinh sống, ông nói cái tên Gành Lăng gắn liền với khu lăng của bà Dương Điệp, một bà phi của vua Thiệu Trị; lăng nằm ngay vị trí mõm núi từ xa trông như đầu dơi hướng về phía hoàng cung Huế. Rằng, đây là nơi có mõm đá núi vô cùng độc đáo nhô trên mặt phá, có phiến đá cổ phân định ranh giới ba vạn chài xưa, nằm cạnh thủy vực rất rộng lớn, tập trung "nhiều tôm cá nhứt hạng" của đầm phá đã được Nhà nước khoanh vùng làm khu bảo vệ thủy sản...

Chứng minh mình là dân "nôốc" (đò) thứ thiệt, ông Lợi kể câu chuyện thường "cãi" nhau với vợ. Hầu hết những vật dụng thường dùng, từ khay trà, ấm nước, nồi niêu cho đến quần áo, mũ nón... ông thường để túm tụm quanh chỗ nằm ngủ, cũng là chỗ thường ngồi, tiện tay là có thể với lấy để dùng. Trong khi người vợ thì đồ nào để chỗ ấy, ngăn nắp như thường thấy hầu hết mọi nhà. "Tui sống quen trên đò, hẹp có tí xíu, cái chi cũng để quanh, tiện với tay lấy, quen rồi. Còn vợ tui ngăn nắp theo kiểu trên "bợc" (bờ), rứa là cãi nhau" - ông cười. 

Ngay cả chuyện đun củi họ cũng làm trái nhau: chị vợ thì đun cái đầu to của khúc củi vô trước, trong khi anh chồng đun cái đầu nhọn, rồi chị vợ có ý kiến. "Rứa là tui nói "mạ mi đừng cãi chuyện nớ nữa, cuộc đời tui hắn ở "nôốc" quen rồi. Ở dưới "nôốc" rất khó làm cho củi khô nên bỏ đầu nhọn vô trước" - ông tiếp lời.

Hồi mới lấy vợ, ông Lợi lên bờ ở thôn Trung An, xã Lộc Trì ở rể ít hôm, ông chú bên vợ từng phản ứng dữ dội, nói ông hỗn láo giành chỗ cha vợ mà ngồi. Lần ấy trong bàn ăn, ông chọn ngồi phía bên trong và mời cha chú bên vợ ngồi phía ngoài nên mới bị phản ứng. Thì ra thói thường của dân phá gắn liền với thực tế con đò: mũi đò cố định cạnh cây sào cắm xuống phá, còn thân đò xuôi theo hướng gió. Khách khứa đều ghé từ mũi, chào người lớn trước nên người lớn mới thường ngồi phía bên ngoài gần mũi. Lại nữa, chuyện vệ sinh trên đò có mùi hôi nên người lớn thường ngồi đầu ngọn gió, khỏi bị ảnh hưởng...

Tổ tiên ông Lợi mấy đời trước từ Thanh Hóa vào lập vạn (xóm đò) Miêu Nha, phía xã Lộc Điền của huyện Phú Lộc. Ông nói người cố nội có tầm nhìn, sang Gành Lăng mở đất để chôn người chết, lấy nước ngọt và để dành con cháu có thể lên bờ sau này. Đến đời mình, ông đã định cư hẳn trên bờ cho dù cuộc sống vẫn phụ thuộc vào mặt nước, nuôi tôm cua và nghề lưới cá.

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 6: Những tập tục ngược đời của dân sóng nước - Ảnh 3.

Ngư dân ven phá tụ hội ở Cồn Tộc dự lễ hội Sóng nước Tam Giang năm 2015 - Ảnh: THÁI LỘC

Lươn reo, lệch hát, lạc cười...

Bà Nguyễn Thị Dưỡng ở thôn Trung Hưng, huyện Phú Vang, có 70 năm gắn liền với tôm cá và mặt nước đầm phá kể nhiều tập tục, điều kiêng cữ rất đỗi lạ lùng. Bà nói: "Đầu năm được trặc thì xui/Được cồi thì cá tôm đều cả năm - cá trặc, tức vược, gặp hắn đầu năm thì cả năm xui xẻo. Còn gặp cá cồi, loại cá đối lớn đầu vuông thì năm đó tôm cá bán không ngạ (kịp - PV)"...

Người đầm phá còn quan niệm: "Lươn reo, lệch hát, lạc cười/Chình sầu, lụy thảm, khóc người bơ vơ". Theo diễn giải của TS Trần Văn Tuấn, nguyên giảng viên khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế, dân phá cho rằng hễ gặp lươn, lệch và cá lạc là điềm tốt, trong khi gặp cá chình và cá lụy thì rủi ro, thậm chí rất xấu. 

Ông cho biết: "Cả năm loài cá này đều có thân hình tương tự như rắn, vì vậy đồ vàng mã của ngư dân dùng trong các lễ thức lúc nào cũng vẽ hình tượng bà Thủy cưỡi trên một con rắn hoặc bà Thủy cưỡi trên một con cá chép". 

TS Tuấn có gốc gác vạn đò, người làng Tăng Sà ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc nên hiểu biết, nghiên cứu và diễn giải kỹ lưỡng rất nhiều phong tục và tổ chức nghề nghiệp và các đặc trưng của ngư dân vùng đầm phá.

Không chỉ kiêng cữ khi đánh bắt, dân phá còn lựa chọn hoặc kiêng cữ các loài thủy sản mỗi khi làm một việc hệ trọng. Người dân đầm phá không gọi tên súc vật khi đánh bắt, đánh lạc hướng ngư trường (nhất là nghề bủa lưới), giấu sản lượng với người khác, rổ rá đánh bắt đều để ngửa, không được gọi giật lùi khi người nhà lên đường đánh bắt. Người ta cũng thường nói tiếng lóng: một gọi là rơm; mười - bó; trăm - lằm; nghìn - thiên...

***********

Các vạn trên phá ngoài con đò lênh đênh, "không có cục đất mà quăng con chó" nói chi đến đất đai chôn cất mồ mả, cho nên tâm thế thường trực mong ước lên bờ.

>> Kỳ tới: Người dưới đầm phá mà hồn trên bờ

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 5: Đầm phá linh thiêng cho chim quý bay về Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 5: Đầm phá linh thiêng cho chim quý bay về

TTO - Đầm phá Tam Giang là điểm dừng chân quan trọng và là nơi sinh sống của nhiều loài chim quý hiếm.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên