
Bến đò Cồn Khương đang bỏ hoang, trở thành bãi đậu xe khách của nhà xe Phú Lộc - Ảnh: CHÍ HẠNH
Chờ ý kiến "công văn hay quyết định"
Ngày 8-4, Sở Tài chính TP Cần Thơ và Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều đã có thông tin liên quan đến bài viết "Nghịch lý đò phà Cần Thơ - Vĩnh Long: Bến không phép thì hoạt động, bến quy hoạch lại bỏ hoang". Về bến đò này, theo tài liệu cung cấp từ Sở Tài chính TP Cần Thơ, tháng 9-2023 ông Nguyễn Ngọc Hè - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký văn bản thống nhất tờ trình đề án khai thác bến đò Cồn Khương và giao chủ tịch UBND quận Ninh Kiều thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, UBND quận Ninh Kiều có phối hợp cùng Sở Tài chính để phê duyệt giá khởi điểm đấu giá bến đò Cồn Khương. Nhưng qua rà soát văn bản do phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè ký không rõ là "công văn" hay "quyết định" phê duyệt đề án nên Sở Tài chính phải nhờ Sở Tư pháp thẩm tra.
Cũng theo Sở Tài chính Cần Thơ, đề án khai thác bến đò Cồn Khương trước đây áp dụng nghị định 48/2018 ngày 13-3-2018, nhưng nay đã được thay thế bởi nghị định 12/2025 ngày 20-1-2025. Để có cơ sở báo cáo UBND TP, Sở Tài chính đã đề nghị Sở Tư pháp có ý kiến văn bản của ông Hè ký là "công văn hay quyết định" phê duyệt đề án.
Bến đò không phép được hoạt động hết tháng 6?
Cũng liên quan đến bài viết, Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều cho biết đầu năm 2025 UBND quận đã có văn bản phúc đáp yêu cầu cấp phép mới cho bến đò từ bến phà cũ Cần Thơ (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) sang phường Thành Phước (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).

Khách đi đò từ thị xã Bình Minh qua phường Cái Khế, quận Ninh Kiều trên chiếc đò hết hạn giấy phép - Ảnh: CHÍ HẠNH
Theo đó, UBND quận Ninh Kiều vẫn chưa đồng ý cấp phép lại bến đò này. Tuy nhiên do nhu cầu đi lại của người dân nên quận đã chấp thuận gia hạn hoạt động đến hết tháng 6-2025.
Hết thời gian này chủ bến phải lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép hoạt động bến mới. Nếu chủ bến không cung cấp đầy đủ hồ sơ sau khi hết thời hạn thì thông báo ngưng hoạt động.
Bến đò tại bến phà cũ Cần Thơ (phía bờ TP Cần Thơ) do tư nhân vận hành, nhưng được xây dựng trên phần đất của Công ty cổ phần cầu Cần Thơ, đây cũng là nơi làm việc của chồng chủ bến đò.
Công ty này trước đây thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Sau này công ty được chuyển giao về Tổng công ty Quản lý đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, do bến nằm trên đất của nhà nước quản lý, cũng không nằm trong quy hoạch bến thủy nội địa nên sẽ không được cấp phép hoạt động.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online nhận được thư phản ánh của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về việc bến đò Cồn Khương nối quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ và xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long qua con sông Hậu, được đầu tư bằng ngân sách nhà nước nhưng không được đấu thầu khai thác.
Thay vào đó, bến bị bỏ hoang nhiều năm nay, gây lãng phí tài sản công. Gây lãng phí nguồn lực xã hội khi hợp tác xã buộc phải bỏ hoang phế tài sản, không khai thác mang lại lợi nhuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận