25/10/2016 18:37 GMT+7

Số người tị nạn bỏ mình trên Địa Trung Hải tăng cao kỷ lục

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 25-10 cảnh báo số lượng người tị nạn chết khi cố gắng vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu đang ở mức cao chưa từng thấy.

Vẫn còn nhiều người tị nạn ôm mộng châu Âu đang đánh cược mạng sống trên những con tàu cũ nát và chòng chành như thế này trên Địa Trung Hải - Ảnh: Reuters

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm nay, người phát ngôn UNHCR William Spindler cho biết tính từ đầu năm 2016 đến nay đã có 327.800 người tị nạn vượt Địa Trung Hải đến châu Âu. Con số này chỉ bằng khoảng một phần ba số lượng năm trước là 1.015.078 người, nhưng số người chết năm nay đang có xu hướng cao hơn năm trước.

Theo ông Spindler, tính đến thời điểm hiện tại UNHCR đã ghi nhận được 3.740 trường hợp người tị nạn thiệt mạng khi cố gắng vượt biển trên những con thuyền chòng chành. Trong khi đó, tổng số người chết trong năm 2015 chỉ ở mức 3.771. 

Vẫn còn hai tháng nữa mới kết thúc năm 2016, như vậy có lý do để lo ngại rằng số người chết sẽ còn tiếp tục tăng từ đây đến cuối năm.

Trên thực địa, tình hình đang có một số chuyển biến đáng lo ngại. Đơn cử như ngày 21-10, tuần duyên Ý đã cứu tổng cộng hơn 3.300 người tị nạn đang trôi dạt trên các tàu gỗ cũ kỹ hoặc bè cao su rải rác Địa Trung Hải. Nếu tính từ đầu năm đến nay, lực lượng này đã cứu khoảng 146.000 người và chắc chắn vượt con số 153.000 người tính trong cả năm 2015.

Cũng theo UNHCR, việc số người vượt biển ít hơn nhưng số người chết lại cao đã đẩy tỉ lệ thiệt mạng trong năm 2016 lên cao gấp 3 lần năm ngoái. 

Người phát ngôn UNHCR nhấn mạnh con số người chết trên Địa Trung Hải tăng cao một lần nữa nhắc nhở cộng đồng quốc tế cần phải hành động nhiều hơn. Trong đó, công tác tìm kiếm và cứu hộ người tị nạn trên Địa Trung Hải được xem là nỗ lực trực tiếp nhằm giảm số người thiệt mạng. 

Xa hơn nữa, các nước cần có chính sách và hệ thống hỗ trợ những người tị nạn, đồng thời chung tay giải quyết các bất ổn từ những nước Bắc Phi - nơi tập kết và xuất phát của nhiều người ôm mộng châu Âu.

Mặt trái của công tác cứu hộ

Câu hỏi luôn được đặt ra lâu nay là tại sao nhiều người tị nạn dù biết vượt biển là một lựa chọn nguy hiểm vẫn dấn thân và đánh cược mạng sống như vậy?

Câu trả lời một phần đến từ những xung đột vũ trang, bạo lực ở các quốc gia của nước này. Phần khác đến từ việc con đường trên bộ đã bị chặn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi một thỏa thuận giữa nước này và Liên minh châu Âu về người tị nạn.

Và một phần nhỏ còn lại nhưng đáng báo động nằm ở mặt trái của những hành động nhân đạo trên biển: người tị nạn ỷ vào lực lượng cứu hộ.

Nói với phóng viên của tạp chí Time, Mohammad - một người tị nạn trẻ tuổi đến từ Syria - khẳng định sẽ không liều lĩnh như vậy nếu hằng ngày không nghe, không đọc những tin tức liên quan tới việc có hàng trăm người vượt biển được cứu giúp và đưa đến châu Âu trên những con tàu an toàn, vững chãi.

"Chúng tôi biết đâu đó ngoài khơi kia sẽ có người cứu chúng tôi và tôi luôn tin mình sẽ gặp may mắn hơn những người khác khi sẽ được cứu vớt" - Mohammad nói.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như Mohammad. Ngoài kia, vẫn còn rất nhiều người tị nạn, những người đang trốn chạy chiến tranh đang tin vào lời đường mật của bọn buôn người về một giấc mơ châu Âu giàu có và ổn định.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên