18/04/2019 15:17 GMT+7

Sở hữu trí tuệ dẫn đầu nhóm nghĩa vụ tạm hoãn trong hiệp định CPTPP

Trấn Kiên
Trấn Kiên

TTO - Theo ThS kinh tế Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP nhưng cho phép các nước tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ, dẫn đầu là nhóm sở hữu trí tuệ.

Sở hữu trí tuệ dẫn đầu nhóm nghĩa vụ tạm hoãn trong hiệp định CPTPP - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội thảo về xuất nhập khẩu trong bối cảnh CPTPP do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và ITPC tổ chức sáng ngày 18-4 - ẢNH : TRẤN KIÊN

Tại buổi hội thảo "Xuất nhập khẩu trong bối cảnh CPTPP và những lưu ý cho doanh nghiệp về hợp đồng kinh doanh quốc tế" sáng ngày 18-4 ở TPHCM, ThS kinh tế Phạm Thiết Hòa - Giám đốc ITPC cho biết trong 20 nhóm nghĩa vụ được tạm hoãn trong CPTPP thì có đến 11 nhóm nghĩa vụ liên quan tới sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, có hai nhóm nghĩa vụ tạm hoãn liên quan đến mua sắm của Chính phủ và bảy nhóm liên quan đến nhiều lĩnh vực như đầu tư, tài chính, môi trường, chống tham nhũng, thương mại...

Hiệp định CPTPP thiếu sự hiện diện của Mỹ sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-01-2019 và Việt Nam cam kết xóa 66% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Singapore là thành viên của CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện hiệp định.

Ông Phạm Thiết Hòa lưu ý các doanh nghiệp rằng CPTPP có một số điểm mới về sở hữu trí tuệ như hợp đồng li-xăng (chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp) không bắt buộc phải đăng ký, các đối tượng áp dụng không bắt buộc phải "nhìn thấy được" như âm thanh, mùi vị...

Ông Hòa còn cho biết các hoạt động mua sắm của chính phủ không được phép chia nhỏ các gói thầu nhằm lẩn tránh "ngưỡng giá trị", phải tuân thủ theo CPTPP. 

Nói về vấn đề hợp đồng kinh doanh quốc tế, Luật sư Lê Nết - thành viên công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, thừa nhận nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đọc kỹ hợp đồng và chủ quan khi giao kết, điển hình như hợp đồng mua bán và sở hữu trí tuệ.

"Nguyên nhân tranh chấp chủ yếu là do chủ quan, không nhận thức rõ về hàng hóa, nhãn hiệu, nhượng quyền...Doanh nghiệp chỉ thuê luật sư khi có tranh chấp chứ không thuê luật sư từ quá trình đám phán ký kết hợp đồng", ông Lê Nết nói.

Luật sư Lê Nết cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên lưu tâm đến hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới. 

Các quốc gia như Anh, Mỹ theo hệ thống thông luật (common law) thường giải thích pháp lý căn cứ vào câu chữ. Còn những nước theo hệ thống dân luật (civil law) thì giải thích dựa trên ý chí chung.


Trấn Kiên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên