Kỳ 1: Lộ trình ngàn tỉ
Phóng to |
Trong vòng bảy năm tới, cả nước sẽ phải tiêu thụ ít nhất 12 triệu đầu thu các loại. Trong ảnh: khách chọn các sản phẩm đầu thu truyền hình kỹ thuật số của các hãng tại một cửa hàng ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Chưa kể, mỗi nhà có thể có hơn một tivi, với truyền hình cáp analog một sợi cáp có thể dùng chung nhiều tivi nhưng với truyền hình kỹ thuật số, mỗi tivi phải dùng một đầu thu. Như vậy, đến năm 2020 cả nước bắt buộc phải tiêu thụ ít nhất 12 triệu đầu thu các loại, đủ cho một dây chuyền sản xuất nội địa khởi động và phát triển.
Gần 100% đầu thu tại VN là hàng nhập khẩu
Hiện nay chỉ có VTV, VTC và AVG được phát sóng toàn quốc, còn các đài địa phương chỉ phát sóng cục bộ, do đó người xem truyền hình có rất ít lựa chọn và hầu như phải lệ thuộc vào nhà đài. Với truyền hình analog, nếu dùng ăngten giàn hoặc đầu thu thế hệ cũ DVB-T, người dân chỉ được xem 3-30 kênh truyền hình, nhưng chuyển qua kỹ thuật số với công nghệ DVB-T2, số lượng kênh sẽ nhiều gấp hai lần DVB-T với chất lượng cao. Đây là cơ hội để nhà đài cung cấp nhiều nội dung hơn và người dân sẽ được lựa chọn nhiều chương trình để xem hơn.
Từ năm 2000, khi VTC bắt đầu phát sóng thử nghiệm truyền hình số mặt đất đến nay, có gần 2 triệu đầu thu truyền hình số mặt đất đã được đưa vào sử dụng, nếu tính cả các loại đầu thu số khác như cáp số, vệ tinh số, IPTV... tổng số đầu thu số đã được cung cấp ra thị trường đến nay khoảng 4 triệu chiếc.
Ông Lê Văn Khương - chuyên gia đầu ngành lĩnh vực truyền hình - cho biết gần như 100% đầu thu đang có tại VN đều là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Các đầu thu này xuất phát từ hai nguồn: một là các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nhập về để cung cấp cho khách hàng của họ, loại này có đặc điểm có thể giải mã được các chương trình đã mã hóa của nhà đài, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ, chế độ bảo hành bảo dưỡng được bảo đảm. Hai là đầu thu bán ở thị trường tự do, loại này chủ yếu là thu các chương trình miễn phí không khóa mã từ vệ tinh hoặc số mặt đất, thông thường các đầu thu này không được giám định chất lượng cũng như không được bảo hành, bảo trì đúng.
Theo ông Khương, trước đây đã có một vài đơn vị nghiên cứu sản xuất đầu thu truyền hình kỹ thuật số như Công ty điện tử Hanel, Tổng công ty VTC, tuy nhiên do thị trường rất manh mún và không đồng bộ nên rất khó đưa vào sản xuất với số lượng lớn, các dự án trên không được triển khai tiếp. Hiện nay đã có vài doanh nghiệp lớn bắt đầu nghiên cứu sản xuất các chủng loại đầu thu truyền hình số để cung cấp cho thị trường trong thời gian sắp tới.
Cánh cửa cho sản xuất nội địa?
Với việc nhập khẩu khoảng 4 triệu đầu thu truyền hình số trong những năm qua, tính trung bình 50 USD một đầu thu, nước ta đã tốn khoảng 200 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này. Thị trường còn lại tính đến thời điểm này là rất lớn nên việc sản xuất đầu thu trong nước sẽ giải quyết được bài toán “chảy máu” ngoại tệ, theo nhận định của các chuyên gia về truyền hình.
Chúng ta đủ khả năng sản xuất được đầu thu - ông Nguyễn Thái Hà, tổng giám đốc công ty Vsystem, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất đầu thu truyền hình, khẳng định - Tuy nhiên chi phí đầu tư sẽ rất lớn để có thể ra được một sản phẩm có chất lượng tốt, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Trong khi đó thị trường VN lại nhỏ, dẫn đến khả năng thu hồi vốn, tích lũy kinh nghiệm sẽ chậm. Thêm vào đó, khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp trong nước là hiện tại việc sản xuất trong nước phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện từ 3-5%, trong khi nhập khẩu đầu thu nguyên chiếc lại được miễn thuế.
Chính phủ nên nhìn nhận việc sản xuất đầu thu trong nước là một cơ hội cho lực lượng ngành điện tử VN phát huy năng lực nội sinh, ông Ngô Đức Hoàng - tổng thư ký Hiệp hội Vi mạch bán dẫn TP.HCM - đề nghị. Nếu giải quyết được bài toán chi phí đầu tư sản xuất và bảo đảm đầu ra sản phẩm thì đây sẽ là cơ hội phát triển ngành vi mạch VN. Theo ông Hoàng, trước mắt có thể thiết kế bo mạch sản phẩm trên nền tảng bộ vi xử lý sẵn có của nước ngoài, việc thiết kế này chỉ mất 4-5 tháng.
Cần chính sách mạnh
Ông Lê Mạnh Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM, trưởng ban chỉ đạo chương trình phát triển vi mạch TP.HCM - cho rằng để tồn tại được, sản phẩm đầu thu sản xuất trong nước phải cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên cạnh tranh sòng phẳng sẽ rất khó nên Nhà nước nên có chính sách mạnh như bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ sản xuất.
Truyền hình số mặt đất là chương trình của Chính phủ, do đó Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước như trợ giá cho đầu thu sản xuất trong nước, thống nhất tiêu chuẩn đối với các đơn vị phát sóng truyền hình số mặt đất, giám sát quản lý chặt chẽ chất lượng đầu thu bán ra thị trường để tránh việc nhập khẩu các sản phẩm kém chất lượng làm thiệt hại cho dân, ngăn chặn các hình thức nhập lậu mặt hàng này là đề xuất của nhiều chuyên gia.
Sản xuất đầu thu trong nước đem đến những thuận lợi và ý nghĩa nhất định về kinh tế. Tự sản xuất được một sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như đầu thu kỹ thuật số sẽ là cú hích cho nhiều sản phẩm công nghệ khác trong tương lai gần có chỗ đứng trên thị trường VN. Bên cạnh đó, truyền hình là một lĩnh vực nhạy cảm, có yếu tố an ninh quốc gia nên việc chủ động cung cấp cho thị trường trong nước sẽ loại bỏ được nhiều rủi ro. Hơn nữa, việc chủ động này sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người dùng vì các doanh nghiệp trong nước có lợi thế hiểu người dùng và sẽ phục vụ thị trường chu đáo hơn các doanh nghiệp nước ngoài - ông Nguyễn Thái Hà chia sẻ.
Phóng to |
Ông Lê Văn Tuấn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ông Lê Văn Tuấn (phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin - truyền thông):
Khi số hóa truyền hình mặt đất, công đoạn truyền dẫn, phát sóng sẽ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm nhận. Đây là mô hình rất mới đối với nước ta, mô hình này có nhiều ưu điểm về sử dụng chung, có hiệu quả hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh - truyền hình. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất, phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và các đài phát thanh - truyền hình. Trong quá trình này, các đài phát thanh - truyền hình phải sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng để tập trung vào khâu sản xuất nội dung chương trình.
Nhà nước sẽ sử dụng quỹ dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các máy phát số tại vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Ngoài ra, còn sử dụng một phần kinh phí từ đấu giá tần số để thực hiện kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất. Nhà nước sẽ huy động nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, vốn doanh nghiệp, vốn ODA và tạo cơ chế đặc biệt nhằm huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất.
Chuyển đổi sang số và ngừng phát sóng truyền hình analog, người xem truyền hình phải có thêm đầu thu truyền hình số mặt đất. Đây được xem là khó khăn lớn nhất của quá trình số hóa. Tuy nhiên, đối với các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu thu truyền hình số để có thể xem miễn phí các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Quy chuẩn thiết bị thu hình số hiện đã được Bộ Thông tin - truyền thông ban hành, đảm bảo việc các đầu thu - của bất kỳ hãng nào sản xuất - nếu đạt chuẩn sẽ thu được các kênh chương trình không khóa mã. Bộ cũng đã có quy định cụ thể danh mục những kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu sẽ được phát sóng không khóa mã (72 kênh). Các kênh chương trình trả tiền (PayTV) được doanh nghiệp khóa mã để quản lý thuê bao. Việc sử dụng công nghệ khóa mã nào do doanh nghiệp quyết định theo thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận