Phóng to |
Biểu tượng của ứng dụng chia sẻ hình ảnh, video trên thiết bị di động Snapchat - Ảnh: Mashable |
Chàng sinh viên bỏ học giữa chừng, khởi nghiệp với công ty ứng dụng di động và sản phẩm Snapchat sau hai năm đã nhận được lời dạm hỏi trị giá 3 tỷ USD từ một trong những công ty công nghệ hàng đầu hiện nay. Evan Spiegel đã từ chối vì cho rằng "công ty mình có giá trị hơn thế". Nhiều ý kiến cho rằng Snapchat "mất trí", một số khác nhận định công ty khởi nghiệp (startup) này đã "mở được lối đi riêng".
Vậy Snapchat là gì, và làm thế nào có thể quay đi trước 3 tỷ USD quá hấp dẫn của "đại gia" Facebook?
Snapchat: chia sẻ an toàn trong khoảnh khắc
Snapchat được sáng lập cách đây 2 năm bởi hai sinh viên bỏ học giữa chừng của ĐH Stanford, cung cấp dịch vụ chia sẻ ảnh và video trên thiết bị di động iOS lẫn Android. Khác biệt của Snapchat so với các đối thủ như Instagram là khả năng tự hủy bất kỳ nội dung gì vừa được chia sẻ.
Phóng to |
Hai nhà sáng lập Snapchat Evan Spiegel (trái) và Bobby Murphy tiếp tục thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp của giới trẻ trong lĩnh vực công nghệ - Ảnh: DailyMail |
Cụ thể, hình ảnh hay video chia sẻ sẽ biến mất sau khi người nhận xem nó trong khoảng thời gian tối đa 10 giây, hoặc được lưu trữ trong 24 giờ nếu dùng tính năng mới Snapchat Stories. Người dùng có thể hiệu chỉnh một số hiệu ứng cho ảnh hay video trước khi gửi (chia sẻ) đến người nhận.
Đến tháng 6, Snapchat đã có hơn 100 triệu người sử dụng, chia sẻ hơn 110 triệu ảnh. Tháng 10, Snapchat có lượng chia sẻ lên đến 350 triệu nội dung mỗi ngày (so với Instagram là 55 triệu ảnh/ngày). Giá trị ước tính của công ty vào khoảng 800 triệu USD (theo CNN). |
Giới hạn thời gian xem và tự hủy lại là hai yếu tố tạo nên sức hút của Snapchat đối với giới trẻ, thay vì sử dụng Instagram lưu giữ ảnh hay video clip ngắn mãi đến khi nào người dùng tự xóa. Snapchat được giới trẻ dùng để tạo ra nhiều trò đùa, chọc phá nhau trong clip ngắn, và không muốn người nhận lưu lại, hoặc xem lại sau khi xem một lần duy nhất.
Trong giai đoạn đầu ra mắt trên iPhone (nền tảng iOS), Snapchat trở thành ứng dụng "khoe thân" hoặc "tự sướng" (selfies) của giới trẻ, thậm chí cộng đồng công nghệ còn gọi Snapchat là "ứng dụng khiêu dâm". Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển gần đây, giới trẻ chuyển sang chia sẻ các đoạn clip hài hước, các hành động kỳ quặc, ảnh vui, thậm chí là ảnh "mặt mộc" mới ngủ dậy của mình gửi cho nhau mà không lo ngại bị phát tán nội dung đó, khiến Snapchat càng trở nên phổ biến hơn.
Phóng to |
Giao diện và cách sử dụng đơn giản, nhưng yếu tố "bí mật" và hủy nhanh nội dung vừa chia sẻ đã giúp Snapchat lấy lòng giới trẻ nhanh chóng - Ảnh: Internet |
Tuy sở hữu hơn 100 triệu người dùng nhưng hiện Snapchat chưa tạo ra nguồn doanh thu như mong đợi. Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Snapchat Evan Spiegel chia sẻ trong cuộc phỏng vấn do CNN thực hiện, có thể tạo ra doanh thu thông qua chức năng "in-app purchases" (người dùng có thể mua các nội dung ngay trong ứng dụng). Đối thủ Instagram vừa bắt đầu triển khai chiến lược "chèn quảng cáo vào trong luồng tin" trong tháng 10.
Facebook thèm muốn, Snapchat khước từ
Tuy đang sở hữu hơn 1 tỷ người dùng nhưng những số liệu gần đây cho thấy, mạng xã hội Facebook không còn là sân chơi ưa thích nhất của giới trẻ (teen), thay vào đó là Twitter hay Snapchat.
Giới phân tích đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của Snapchat, so với các công ty khởi nghiệp như Instagram và YouTube trước khi Facebook và Google thâu tóm, cho rằng Snapchat là một xu hướng truyền thông xã hội hoàn toàn mới đang dần phổ biến, người dùng chỉ muốn đảm bảo những nội dung của mình được chia sẻ giữa họ và bạn bè, hoặc chỉ trong thời gian ngắn.
Trước đó vào tháng 12 năm ngoái, Facebook đã cố gắng tạo ra một dịch vụ tương tự với ứng dụng di động Facebook Poke, nhưng nó đã trôi dần vào quên lãng trong khi Snapchat phát triển vùn vụt. (Xem so sánh giữa Facebook Poke và Snapchat). Điều này dẫn đến các cuộc thương thảo của Facebook về việc mua lại Snapchat vào đầu tháng 11, nhưng đến ngày 14-11, theo nguồn tin từ Reuters, Snapchat đã chính thức khước từ lời đề nghị trị giá 3 tỷ USD từ Facebook.
Quay lưng với đề nghị hấp dẫn trên, Snapchat bắt đầu hướng đầu tư phát triển. Hiện đứng sau Snapchat là năm nhóm nhà đầu tư, vừa bơm thêm nguồn tiền 60 triệu USD trong mùa hè qua. Trong khi đó, Wall Street Journal đăng tải thông tin cho biết "người khổng lồ Internet" Trung Quốc Tencent đánh giá Snapchat có giá trị lên đến 4 tỷ USD, và bày tỏ ý định đầu tư 200 triệu USD vào Snapchat, mong muốn giữ vị trí nhà đầu tư hàng đầu.
Đây không phải là lần "khước từ tỷ đô" đầu tiên trong thị trường công nghệ. Tháng 12-2010, Bộ ba giám đốc điều hành khi đó của Groupon đã từ chối lời đề nghị trị giá lên đến 6 tỷ USD của Google. Tuy nhiên, thị trường "Daily deal" đã chóng tàn khiến Groupon đang phải chật vật xoay sở, nhà sáng lập kiêm CEO Groupon Andrew Mason phải rời ghế vào tháng 3 năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận