30/11/2018 06:27 GMT+7

Sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ giảm năm thứ hai liên tiếp

LÊ THANH HẢI (Theo BBC)
LÊ THANH HẢI (Theo BBC)

TTO - Số lượng sinh viên quốc tế mới đăng ký tại các trường đại học và cao đẳng Mỹ đã giảm gần 7% trong năm ngoái.

Sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ giảm năm thứ hai liên tiếp - Ảnh 1.

Đây là năm thứ hai liên tiếp số lượng tuyển sinh quốc tế mới tại Mỹ bị giảm, khiến nền kinh tế này bị thiệt hại đến 42 tỉ USD.

Giáo sư Simon Marginson của Đại học Oxford, một chuyên gia về xu hướng sinh viên quốc tế, cho biết có "một chút nghi ngờ" rằng sự suy thoái này là có liên quan đến chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Ông cho rằng đó là sự kết hợp của các thông điệp chống nhập cư và việc siết chặt hệ thống visa sinh viên.

'Môi trường chính trị'

Viện Giáo dục quốc tế, nơi tập hợp dữ liệu hàng năm, đã phỏng vấn những sinh viên tiềm năng về lý do vì sao họ không học tập tại Mỹ, và thấy câu trả lời là "một sự kết hợp giữa chính trị, thực tiễn và chi phí".

Cụ thể, họ cho rằng quá trình xin cấp visa là điều gây nản lòng lớn nhất, kế đó là "môi trường xã hội và chính trị ở Mỹ".

Ngoài ra, họ còn nhắc đến những lý do khác như "học phí cao", "cảm thấy không được chào đón" và "những lo ngại về sự an toàn cho bản thân" khi ở Mỹ.

Mức giảm lớn nhất đến từ những quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico và Saudi Arabia. Tuy nhiên, cũng có sự sụt giảm số lượng từ Anh, Đức và Pháp.

Quyền lực mềm

Mỹ đã thành công đáng kể trong việc thu hút thị phần sinh viên quốc tế lớn nhất thế giới.

Vào đầu những năm 1960, có khoảng 50.000 sinh viên quốc tế ở Mỹ. Và con số này tăng lên qua từng năm, giúp quốc gia này đón nhận hơn 500.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2000.

Trong năm 2015, có hơn một triệu sinh viên nước ngoài theo học ở Mỹ.

Dĩ nhiên, điều mà Mỹ có được ngay lập tức là những lợi ích tài chính nhưng đây cũng được xem là một phần quan trọng trong "quyền lực mềm" của Mỹ, giúp thúc đẩy sự ảnh hưởng toàn cầu của đất nước này.

Phụ thuộc vào Trung Quốc?

Mặc dù tổng số sinh viên quốc tế trong hệ thống giáo dục của Mỹ tiếp tục tăng lên (nhờ sự phát triển của một chương trình cho phép sinh viên ở lại Mỹ trong ba năm để phát triển kỹ năng làm việc sau khi tốt nghiệp), sự sụt giảm đáng kể lượng sinh viên mới đăng ký (giảm 10% trong hai năm qua) cho thấy nhiều thập niên tăng "nóng" của Mỹ bị chững lại.

Dự báo sẽ có một sự sụt giảm lớn hơn, trừ lượng sinh viên đến từ Trung Quốc. Từ năm 2000 đến năm 2018, số lượng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ đã tăng từ 60.000 lên hơn 360.000, chủ yếu tập trung vào các môn như khoa học, công nghệ, toán học và kinh doanh. Họ mang hàng tỉ USD đến cho giáo dục đại học của Mỹ.

Tuy vậy, Giáo sư Marginson, giám đốc Trung tâm giáo dục đại học toàn cầu, cho rằng sẽ có "những tác động thảm khốc tiềm tàng" đối với thu nhập của các trường đại học Mỹ nếu có bất kỳ xung đột ngoại giao hoặc tranh chấp thương mại nào làm ngưng "dòng chảy" sinh viên Trung Quốc vào Mỹ.

Những con số mới nhất cho thấy nền giáo dục đại học Mỹ đang hướng đến châu Á để kiếm lượng sinh viên quốc tế cho mình nhiều hơn là hướng sang các nước phương Tây.

Lượng sinh viên từ châu Âu giảm

Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm phân nửa lượng sinh viên nước ngoài ở Mỹ, trong khi số sinh viên châu Âu khá khiêm tốn. 

Trong các quốc gia châu Âu, Anh là nơi có nhiều sinh viên sang Mỹ học nhất, nhưng vẫn chỉ chiếm 1% lượng sinh viên quốc tế ở đây.

Mặc dù số sinh viên của Anh sang Mỹ đã tăng khi học phí ở Anh trở nên đắt đỏ hơn, nhưng những dự báo về một sự tăng đột biến số lượng sinh viên Anh theo học các trường đại học Mỹ chưa bao giờ trở thành hiện thực.

Một thách thức khác đối với Mỹ là sự phổ biến ngày càng tăng của các hệ thống đại học khác - đặc biệt là Úc và Canada.

Nghiên cứu được giáo sư Marginson công bố hồi đầu năm nay cho thấy Úc đang vượt Anh để trở thành điểm đến lớn thứ hai của sinh viên nước ngoài.

Canada cũng ngày càng thu hút sinh viên nước ngoài và đang cho thấy họ là một sự thay thế thân thiện cho vị trí của Mỹ ở khu vực Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ cho biết họ vẫn cam kết thu hút sinh viên quốc tế.

Marie Royce, trợ lý Ngoại trưởng về giáo dục và văn hóa, cho biết "sinh viên quốc tế là một tài sản to lớn đối với Mỹ".

"Chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp rằng giáo dục quốc tế làm cho đất nước chúng tôi mạnh mẽ hơn", bà nói.

LÊ THANH HẢI (Theo BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên