Nhiều sinh viên tìm việc làm bán thời gian nhưng được đưa vào nơi phải đóng tiền học hoặc mua sản phẩm trước khi được là “nhà phân phối” chính thức - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Người hướng dẫn còn xúi sinh viên bỏ học, lừa cha mẹ, bạn bè lấy tiền khởi nghiệp...
"Hiện các trường đều có trung tâm hỗ trợ sinh viên, các ngày hội việc làm cũng được trường tổ chức thường xuyên. Đây là những nơi sinh viên có thể tìm việc. Nếu các thông báo tuyển dụng mà địa chỉ không rõ ràng, yêu cầu đóng tiền trước, mua sản phẩm của công ty để được làm việc thì cần phải hết sức cân nhắc.
Bà HOÀNG THỊ THOA
Từ đóng tiền học, mua sản phẩm
Qua Facebook, tôi được giới thiệu một công việc bán hàng online có lương cao, thu nhập ổn định. 10 giờ trưa một ngày cuối tháng 9, tôi được hẹn đến địa chỉ 2... đường Cách Mạng Tháng 8 (TP.HCM) để phỏng vấn.
Đây là một cơ sở nha khoa. Ngồi đợi 15 phút, một người tự xưng là nhân viên của công ty dắt chúng tôi vào tòa nhà khác cách địa điểm hẹn khoảng 300m.
Đến nơi, tôi choáng ngợp với cảnh hàng trăm người trong độ tuổi sinh viên đang ở trong một sảnh phòng rất rộng. Tại đây có khoảng 50 chiếc bàn, mỗi bàn khoảng 6-8 người ngồi bên laptop say sưa trao đổi với nhau.
Trên tường là hình ảnh các loại thực phẩm chức năng, hình những người bán hàng xuất sắc với dòng chữ: "The business stories never end" (Câu chuyện kinh doanh không bao giờ kết thúc).
Đi dọc lối hành lang, nhân viên đeo biển tên V. theo sát và căn dặn: "Ở đây không được dùng điện thoại, phải tập trung trả lời phỏng vấn để được việc, có việc có tiền thì phải đi liền kỷ cương" - nhân viên này căn dặn.
Trước khi phỏng vấn, chúng tôi được yêu cầu điền thông tin cá nhân vào tờ giấy có ghi dòng chữ "chi nhánh Công ty TNHH truyền thông đa phương tiện S.". Điền xong tôi được hướng dẫn qua gặp người hỗ trợ hội viên mới tên M. để trả lời những câu hỏi liên quan kinh nghiệm bán hàng trực tuyến và nghe giới thiệu về công việc bán hàng.
Sau đó, một quản lý cấp cao tên T. xuất hiện, giới thiệu mình đã có 3 năm kinh nghiệm. "Ở xã hội này có hai dạng người: làm chủ và làm công. Nếu muốn làm chủ thì không làm công. Bán hàng hiệu quả và chuyên nghiệp chỉ có nơi đây thôi, tức là bạn đã làm chủ rồi đấy" - T. nói.
T. mở một trang web lên rồi phân tích: "Như bạn là sinh viên lớn tuổi đi học muộn, muốn làm thêm kiếm tiền nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Đến với khóa học như được cầm tay chỉ việc, bạn sẽ được ba kỹ năng: lấy được số điện thoại trực tiếp từ Facebook, cái này độc quyền của công ty, bình thường không làm được; chốt đơn hàng, tung hàng ra phát bán được ngay; bán hàng không mất một xu tiền quảng cáo".
T. nói bạn học khóa này bảy ngày với các đội ngũ giảng viên của ban đào tạo học viện S. Media, học phí là 4 triệu đồng. Tôi tỏ vẻ lo lắng vì mức học phí cao thì T. tỏ vẻ ngạc nhiên: "Một câu hỏi tôi không biết trả lời sao". Nhưng chưa kịp để tôi... thất vọng, T. đã trấn an: "Nhưng là quản lý, tôi được một suất nội bộ giá ưu đãi là 800.000 đồng/khóa học. Tôi sẽ dành cho bạn".
Tôi thắc mắc vì sao mình được ưu ái như vậy thì T. cho biết do từ sáng đến giờ không có người đăng ký. Nhưng khi tôi hỏi khóa học có thành công không thì T. lớn tiếng nói: "Đông nghịt người như thế này, bạn nghĩ có thành công không, không thành công sao họ tới đăng ký nhiều vậy? Bạn nhìn phải biết phân biệt chứ".
T. còn chỉ ra rằng đã có kinh nghiệm bán online tốt, tôi có thể kết hợp nơi đây bán các sản phẩm chức năng như hình ảnh sản phẩm được trưng trên tường. Và sau cùng tôi phải chốt có đăng ký học không, nếu có đóng luôn 800.000 đồng, không thì thứ bảy, 9 giờ sáng mỗi tuần đến nộp tiền và học luôn.
Tiếp xúc với nhiều sinh viên, tôi được biết họ cũng đăng ký làm các công việc bán thời gian như phục vụ quán cà phê, trà sữa, lễ tân... nhưng lại được hẹn phỏng vấn tương tự như tôi. Thực tế chẳng có công việc nào làm ngay mà sẽ được tư vấn, hướng dẫn và yêu cầu đóng tiền mua tài liệu, sách, đồng phục hoặc tham gia khóa học... làm giàu.
Đến xúi bỏ học, lừa cha mẹ
H. - sinh viên một trường ĐH - cho biết đăng ký làm lễ tân thời vụ, một buổi 300.000 đồng. Đến nơi thì địa điểm không phải khách sạn, họ dẫn đi gặp nhiều người làm quen và cho biết đây là ngày cuối cùng để đóng 13 triệu đồng đầu tư trở thành nhà phân phối chính thức của công ty.
"Mình không chịu thì được đưa đến gặp sếp cao hơn để giải quyết. Ai ngờ ông sếp này xúi mình bán xe, bán điện thoại, lừa tiền cha mẹ để đóng, chưa đủ thì cầm sổ đỏ. May mà mình không làm theo" - H. cho biết.
"Việc nhẹ lương cao" đã khiến rất nhiều sinh viên sập bẫy. Đại diện nhiều trường ĐH cho biết đã có không ít sinh viên phản ảnh về tình trạng này với trường hoặc trên các diễn đàn. Nhiều sinh viên xin làm thêm bán thời gian nhưng lại bị dụ bỏ học, cầm xe, lừa bạn bè, cha mẹ, cầm sổ đỏ lấy tiền... khởi nghiệp.
Ông Trần Thanh Sơn - trưởng phòng công tác chính trị Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết trường đã nhận được nhiều thông tin từ việc này và ngay từ buổi sinh hoạt đầu khóa trường đã có lưu ý với toàn bộ sinh viên, nhất là sinh viên khóa mới. "Tuy nhiên vẫn có nhiều bạn sinh viên mắc bẫy. Không có việc nhẹ lương cao như các quảng cáo đó đâu" - ông Sơn nói.
Bà Hoàng Thị Thoa - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ đào tạo và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết hiện nay sinh viên dính vào các bẫy việc nhẹ lương cao này rất nhiều. Có lần họ còn vào trong trường để phát tờ rơi. Nhiều sinh viên đã bị lừa mất phí đặt cọc, đồng phục, mua tài liệu. Thậm chí có em nói dối gia đình xin tiền học tiếng Anh để mua hàng của các công ty này. Gia đình gọi lên trường hỏi thì mọi việc mới vỡ lở.
Xin bán trà sữa được đào tạo thương vụ... bạc tỉ
N. cho biết mình xin việc tư vấn, bán trà sữa và được hẹn đến phỏng vấn ở một quán cà phê tại quận Tân Phú. Sau khi hỏi thông tin cá nhân, người tuyển dụng yêu cầu đóng 500.000 đồng tiền làm hồ sơ, mua tài liệu học tập.
"Tuy nhiên, trong mấy ngày đến tham gia đào tạo, tôi chỉ được nghe về những thương vụ bạc tỉ, những gương thành công từ kinh doanh bán hàng chứ không có thông tin gì về cách phục vụ hay pha chế trà sữa. Tôi về tra lại trên mạng thấy nhiều người cũng gặp tình trạng như vậy. Tôi đến đòi lại tiền nhưng họ không trả. Những quảng cáo tuyển dụng này thường không có địa chỉ công ty rõ ràng. Họ hẹn một nơi nhưng sau đó lại yêu cầu qua tòa nhà khác. Lương của họ đưa ra thường cao hơn mặt bằng chung, khung giờ làm rất đa dạng để các bạn sinh viên lựa chọn" - N. kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận