Tận dụng phế phẩm bỏ đi để chế tạo màng bọc
Ấp ủ và chế tạo trong hai năm, nhóm năm sinh viên ngành công nghệ thực phẩm và kỹ thuật hóa học (Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho ra đời màng bọc thực phẩm có thể ăn được.
Nguyên liệu chính của màng bọc là vỏ tôm, vỏ cua được thu gom ở các công ty sản xuất hải sản đông lạnh, lá ổi từ các vườn cây.
Bạn Lê Ý Nhi (sinh viên năm ba ngành công nghệ thực phẩm) chia sẻ: "Trong vỏ tôm có chitin sau khi được xử lý sẽ chuyển sang chitosan. Đây là loại vật liệu có khả năng ức chế nhiều chủng vi sinh vật. Dịch chiết có trong lá ổi cũng mang tính kháng khuẩn.
Ưu điểm của màng bọc có tính kháng khuẩn, kháng oxy hóa và nguyên liệu hoàn toàn từ những phụ phẩm an toàn cho con người. Tuy nhiên sản phẩm cần cải thiện thêm về độ bền kéo".
Ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tế
Bạn Đinh Thiết Anh (sinh viên năm 3 ngành kỹ thuật hóa học) bộc bạch: "Từ cuối năm nhất, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch khảo sát các nguồn nguyên liệu, phương pháp và trang thiết bị để triển khai đề tài.
Đây là bước đệm để nhóm tự tin tham gia các cuộc thi về học thuật và khởi nghiệp, phát triển ý tưởng để đưa sản phẩm vào thực tế".
PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ - khoa kỹ thuật hóa học, Trường đại học Bách khoa - đánh giá "ăn được" và "tính kháng khuẩn cao" là hai đặc điểm nổi bật của màng bọc.
"Các màng bọc thông thường tác dụng chủ yếu là ngăn cản tiếp xúc với không khí bên ngoài để tránh oxy hóa. Màng bọc của nhóm có khả năng kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.
Kết quả nghiên cứu của nhóm có thể được mở rộng theo các hướng nghiên cứu khác nhau. Cụ thể như kết hợp với các loại tinh bột biến tính để tạo độ dẻo, độ giãn cho màng bọc hoặc điều chỉnh các hàm lượng thành phần phù hợp với yêu cầu của từng loại thực phẩm cần được bảo quản" - TS Hạ cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận