Đây là một hoạt động trong chương trình tọa đàm “Đen hay trắng - bạn chọn gì?” diễn ra tối 4-11 tại ĐH Hoa Sen (Q.3, TP.HCM).
Phóng to |
Bạn chọn trắng hay đen?
Mở đầu chương trình các bạn trẻ được xem clip về một cậu bé được nhờ đi mua đi giùm một món đồ, chủ quán sơ ý thối dư 100.000 đồng. Khi về nhà phát hiện ra, cậu bé mang số tiền thừa đi trả lại.
Tọa đàm “Đen hay trắng - bạn chọn gì?” là chương trình đầu tiên trong chuỗi sự kiện “Giới trẻ, minh bạch và tham nhũng”. Chương trình được tổ chức bởi các thành viên khóa học Be Change Agents (Những tác nhân thay đổi, do Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng điều phối) và CLB Face (thuộc ĐH Hoa Sen TP.HCM) diễn ra ở cả ba miền, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12-2011, nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế phòng chống tham nhũng 9-12. |
Nhà báo Võ Quốc Khánh (báo Sài Gòn Tiếp Thị) - một trong những diễn giả của chương trình - chia sẻ: “Mỗi cá nhân không thể thay đổi được ngay thực trạng đó. Nhưng bạn hãy nghĩ rằng mình là hạt giống gieo mầm cho tương lai và hãy giúp mọi người trong gia đình bạn hiểu về tác động của tham nhũng, cùng hành động để chống lại thì tôi tin chúng ta có thể thực hiện được".
Bạn Trần Thanh Nam - SV ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - đưa ra giải pháp hạn chế tham nhũng, đút lót: “Hãy tuân thủ luật giao thông đường bộ, giúp trật tự giao thông ổn định, hạn chế tình trạng tham nhũng, nếu có gặp phải thì chịu thiệt một chút, mỗi người góp một phần nhỏ sẽ bài trừ được nạn tham nhũng”.
Các giải pháp khác nhận được sự đồng thuận của bạn trẻ như: không dùng tiền để thay đổi kết quả học tập, không chạy chọt để có được việc làm...
Đẩy lùi tham nhũng bằng những hành động cụ thể
Tại buổi tọa đàm, các bạn trẻ đã nói lên những suy nghĩ của mình về vấn đề tham nhũng, hiểu thế nào là tham nhũng, thiếu minh bạch, hậu quả của tham nhũng đối với nền kinh tế...
“Qua tọa đàm, mình thấy tham nhũng không phải là chuyện xa xôi của những ông to bà lớn mà rất thực tế và tồn tại quanh ta. Chúng ta hoàn toàn có thể chống lại vấn đề tham nhũng” - Hồng Ngọc - SV ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - chia sẻ.
Nguyễn Thị Nam Phương - SV năm 4 ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - cho biết: “Mình quyết tâm chọn cách sống “trắng”, cụ thể sẽ đi tìm việc bằng chính năng lực và khả năng của bản thân, chứ không nhờ vào đút lót, chạy chọt. Mình hi vọng ngày càng có thêm nhiều chương trình như thế này để giới trẻ có thêm thông tin, cùng chung tay chống tham nhũng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận