11/01/2012 06:43 GMT+7

Singapore: tàu điện gặp sự cố, lãnh đạo từ chức

VIỆT PHƯƠNG (Theo Reuters, AFP, Straits Times)
VIỆT PHƯƠNG (Theo Reuters, AFP, Straits Times)

TT - Trước sự giận dữ của người dân đối với sự cố tàu điện hồi tháng trước, lãnh đạo Công ty Quản lý hệ thống tàu điện ngầm (SMRT) Singapore đã phải từ chức. Vụ việc cũng cho thấy những lỗ hổng trong khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp của Singapore.

Gf67uCYh.jpgPhóng to

Hành khách đông đúc tại một ga tàu điện ngầm ở Singapore - Ảnh: japantabibito.com

Bộ trưởng Giao thông Singapore Lui Tuck Yew ngày 9-1 đã thừa nhận sự cố tàu điện ngầm hồi tháng 12-2011 khiến hơn 200.000 hành khách bị mắc kẹt đã làm lộ rõ những thiếu sót nghiêm trọng về khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp của chính quyền.

Sự cố nghiêm trọng

Ở một đất nước mà người dân phụ thuộc nhiều vào hệ thống giao thông công cộng, nhất là tàu điện ngầm, sự cố tàu điện ngầm này được xem là rất nghiêm trọng. Trước cơn giận dữ của dư luận, giám đốc điều hành SMRT là bà Saw Phaik Hwa đã phải từ chức.

Sự cố xảy ra vào ngày 15-12 khi hàng trăm ngàn hành khách bị mắc kẹt dưới hệ thống tàu điện ngầm trong tình trạng không có điện và ngột ngạt trong toa. Các nhân chứng kể lại tàu chạy không được bình thường và rồi ngừng hẳn. Sau đó cả tàu bị mất điện và hệ thống điều hòa không hoạt động nữa. Khi hành khách nói chuyện với lái tàu qua hệ thống liên lạc trên toa, lái tàu không cho phép hành khách cạy cửa ra với lý do phải đảm bảo an toàn.

Giữa không gian tối tăm và ngột ngạt, hành khách bắt đầu hoảng loạn. Một hành khách đã dùng bình cứu hỏa trên tàu đập vỡ cửa kính để cứu người vợ đang bị bệnh và không thể thở được. Sau khi thoát ra, một số hành khách đã phải đi bộ trong đường hầm để đến ga gần nhất. Khu vực xảy ra sự cố đúng ngay trung tâm mua sắm nằm ở đường Orchard khiến giao thông trên đường cũng đình trệ nghiêm trọng.

Thay vì truy tố người đàn ông về tội đập cửa kính của SMRT, Bộ trưởng Lui lại cho rằng Singapore cần xem lại các quy định và khung hình phạt về việc làm gián đoạn giao thông. Mức phạt tối đa cho một lần làm gián đoạn giao thông là 1 triệu SGD (770.500 USD). Dù vậy, ông Lui cho biết hiện còn quá sớm để đưa ra quyết định có áp đặt mức chế tài này đối với SMRT hay không. Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết sẽ điều tra đầy đủ vụ việc này.

Ứng phó với tình huống khẩn cấp

Trong khi các chuyên gia cho rằng hệ thống tàu điện bị trục trặc không phải chuyện lớn vì các trường hợp tương tự xảy ra khắp thế giới thì các nghị sĩ lại bày tỏ quan ngại về tính hiệu quả của hệ thống cơ sở hạ tầng Singapore. Phe đối lập đặt ra câu hỏi liệu vụ trục trặc xảy ra vừa qua có phải là hậu quả của việc đầu tư không đầy đủ vào công tác bảo trì và nâng cấp của một công trình giao thông trọng yếu. Họ cũng đặt vấn đề có phải SMRT đã cố tình giảm thiểu chi phí để tăng tối đa lợi nhuận vì lợi ích của các cổ đông.

Nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng ứng phó của chính quyền trước tình trạng khẩn cấp. Một chuyên gia thuộc Đại học Quản trị Singapore nhận định: “Thử hình dung nếu sự gián đoạn tàu điện ngầm này do bị tấn công khủng bố. Khi đó sự hoảng loạn, lộn xộn và sợ hãi sẽ còn cao gấp bao nhiêu lần”.

VIỆT PHƯƠNG (Theo Reuters, AFP, Straits Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên