"Số đuôi MobiFone tứ quý của tôi dùng từ thời sinh viên. Ngày đó tôi đi bán sim nên tha hồ lấy số đẹp không ngờ đến nay có thể vay được hơn 20 triệu" - anh L.T.B., nhân viên một công ty ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nói.
Giá cầm vô chừng, lãi suất tính chắc
Để đóng tiền viện phí cho con, vừa qua anh B. đã cầm sim có bốn số đuôi 2222 với giá 23 triệu đồng. Ban đầu anh định mang giấy tờ tùy thân đi cầm cố nhưng được ít tiền, một người trước cổng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng giới thiệu dịch vụ cầm sim.
Khi liên lạc qua điện thoại, anh B. được người cho vay tìm đến để xác minh chính chủ và thông tin liên quan với nhà mạng. Sau khi làm hợp đồng, anh B. được nhận tiền vay và vẫn giữ sim dùng như bình thường.
"So với cầm xe máy thì chỉ phát sinh thêm 200.000 đồng tiền lãi một tháng nhưng mình không phải để xe, để giấy tờ tùy thân lại", anh B. nói.
Theo anh B., trong thỏa thuận nếu quá hạn mà chưa trả nợ thì anh B. phải cùng đi với công ty cầm đồ làm hợp đồng cắt liên lạc của sim và chuyển cho chủ mới là công ty cho vay.
Tương tự, anh N.T.T.T. (quận Cẩm Lệ) quyết định cầm sim có bốn số đuôi 6868 với giá 12 triệu đồng để có tiền tiêu xài. Anh T. cho biết đây là số đẹp đã theo anh hơn 18 năm qua, từ ngày còn dùng điện thoại "cục gạch".
"Dịch vụ cầm đồ cho thỏa thuận trường hợp nếu không trả được nợ thì họ có thể thu mua luôn SIM của mình. Chẳng mất gì, nếu không trả được thì mình đổi sang dùng số khác ít đẹp hơn", anh T. giải thích.
Theo ghi nhận của phóng viên, dịch vụ cầm sim số đẹp nở rộ trong thời gian qua. Các chủ cho vay không chỉ quảng bá trên mạng xã hội mà còn quảng bá, dán quảng cáo trên các xe du lịch, dịch vụ công nghệ.
Hiện nay giá cầm cố sim không cố định mà phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên lãi suất thường cố định từ 1.000 - 2.000 đồng/ngày đối với sim có giá cầm dưới 10 triệu đồng và 2.000 - 4.000 đồng/ngày với sim có giá trị cầm cố cao hơn.
Chưa biết ai nắm đằng chuôi, ai đằng lưỡi
Anh Nguyễn Hòa Bình, nhân viên một công ty tin học đường Hàm Nghi (quận Hải Châu, Đà Nẵng) có làm dịch vụ này, cho biết ngoài các số dễ nhớ, dễ thuộc thì có giá nhất là các số đáp ứng các tiêu chí đẹp, độc.
Như các số tứ quý (tức bốn số liên tiếp trùng nhau), ngũ quý, thậm chí lục quý (năm và sáu số liên tiếp trùng nhau). Ngoài ra còn có các số phù hợp với ngày tháng, năm sinh của khách hàng. Đối với nhóm này thì anh thường nhận đặt hàng của khách trước khi tìm mua.
Theo anh Bình, với số người dùng điện thoại như hiện nay thì quỹ số sim đẹp còn lại rất ít. Các số đẹp đều có chủ sở hữu nên người làm dịch vụ phải đi "săn". Tuy nhiên, theo anh Bình, làm nghề này chưa biết ai nắm đằng chuôi, ai đằng lưỡi.
Hồi mới vào nghề, anh Bình "sập hầm" khi cầm số đẹp với giá cao mà không kiểm tra lại thông tin chính chủ.
"Mình cứ nghĩ số đẹp đương nhiên là đã chính chủ, có người sở hữu. Đến khi họ không trả nợ, mình kiểm tra mới hay số này do một người khác đứng tên từ rất lâu. Khi cắt số, nhà mạng chỉ cho người cũ đứng tên làm lại sim, còn mình không đòi được", anh Bình kể.
Bà Phan Thị Lệ Thủy, trưởng phòng chăm sóc khách hàng Công ty dịch vụ MobiFone khu vực 3, cho rằng việc quan niệm sim số đẹp là tùy thuộc mỗi người, nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên hiện có không ít sim được nhiều người coi là tài sản vì được sự thừa nhận của cộng đồng chơi số đẹp.
Bà Thủy cho biết hiện nay việc cầm cố sim là thỏa thuận riêng của hai bên với nhau, nhà mạng không thể can thiệp. Với nhà mạng, khi khách hàng không có nhu cầu sử dụng số thuê bao thì số đó được thu hồi về ngân hàng số để cấp cho khách hàng khác.
"Về nguyên tắc, khi khách hàng có nhu cầu thì hai bên vẫn có thể dắt nhau ra cửa hàng để chuyển đổi quyền đứng tên số sim. Đây là nghiệp vụ bình thường hằng ngày. Tùy vào nguồn gốc thuê bao, người đứng tên mà ra thời gian giải quyết. Ví dụ đối với thuê bao trả trước thì sẽ mất thời gian lâu hơn chút vì xác minh chính chủ", bà Thủy nói.
Bà Thủy cho biết hiện vẫn có trường hợp thông tin thuê bao và người dùng không khớp khi người đứng tên sim cho phép người khác sử dụng số của mình hoặc mất sim nhưng không thông báo với nhà mạng.
Bà Thủy cảnh báo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ cầm sim số đẹp vì nhiều nguy cơ rủi ro cho cả hai phía. Về phía người cho vay thì giá trị số sim không xác định rõ ràng được mà do thị trường quyết định. Còn về phía người cầm sim, trong trường hợp giao sim cho người khác thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về pháp lý.
Coi chừng rủi ro pháp lý
Luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, cho biết quy định tại điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản mà chủ sở hữu có quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình.
Việc sử dụng sim được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ với nhà mạng. Căn cứ theo quy định hiện hành, khi hợp đồng này chấm dứt thì chủ thuê bao không còn quyền sở hữu và sử dụng đối với thẻ sim và số điện thoại này. Đồng thời, chủ thuê bao cũng không có quyền tặng, cho hay để thừa kế.
Như vậy, xét về mặt bản chất của hoạt động cầm cố thì khi thực hiện cầm cố, bên cho vay nhận tài sản cầm cố là sim số đẹp từ khách hàng.
Nhưng bên cho vay (bên nhận cầm số) sim không được thực hiện các quyền được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bởi việc sử dụng sim gắn liền với chủ thuê bao, nếu sử dụng SIM không chính chủ là hành vi vi phạm pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận