29/07/2018 11:14 GMT+7

Siêu thị sẽ thay dần chợ?

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - TP.HCM đang hướng tới sẽ chuyển dịch thói quen mua sắm của người dân ở chợ truyền thống dần sang kênh phân phối hiện đại, đồng thời, sẽ không xây mới chợ ở khu vực nội thành, nếu chợ nào không hiệu quả sẽ tính toán để chuyển công năng.

Siêu thị sẽ thay dần chợ? - Ảnh 1.

Một cửa hàng tiện lợi ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Sẽ rà soát các chợ hoạt động không hiệu quả, có diện tích xây dựng từ 800 - 1.000m2 trở lên để nâng cấp, chuyển đổi công năng thành các loại hình phân phối hiện đại phù hợp dựa trên nguồn vốn xã hội hóa

Bà NgUyễn Huỳnh Trang (phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM)

TP.HCM đang hướng tới sẽ chuyển dịch thói quen mua sắm của người dân ở chợ truyền thống dần sang kênh phân phối hiện đại, tăng tỉ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối qua siêu thị, trung tâm thương mại... đạt tối thiểu 40% trong 3 năm tới so với 21% hiện nay, và tăng lên 60% đến năm 2030.

Cùng với đó sẽ không xây mới chợ ở khu vực nội thành, nếu chợ nào không hiệu quả sẽ tính toán để chuyển công năng. Đặc biệt, đến giai đoạn 2025 - 2030, sẽ hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, theo quy hoạch phát triển ngành thương mại TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được công bố.

Mua hàng ở chợ giảm dần

Nhà chị Hòa nằm trong con hẻm hai xuyệc ở gần chợ Gò Vấp. Một tuần trước, một siêu thị mini Vinmart+ đã có mặt ngay đầu hẻm, cách nhà chị chưa đầy 50m. Cách siêu thị mini một căn nhà là cửa hàng tiện lợi B’smart mở cửa 24/24 giờ đã hiện diện hơn 1 năm.

Có diện tích nhỏ hơn siêu thị nhưng lớn hơn một tiệm tạp hóa thông thường, cửa hàng tiện lợi đang dần xuất hiện với tần suất dày đặc tại các khu dân cư, chung cư, các con phố lớn nhỏ, đáp ứng sự tiện lợi, bước ra nhà là có sẵn hàng hóa, thực phẩm...

Theo kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao 2018, xu hướng chuyển dịch của người tiêu dùng mua hàng chủ yếu từ kênh bán lẻ truyền thống là chợ hoặc tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại ngày càng rõ nét. Nếu như kết quả khảo sát năm 2016, tỉ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ là 31% thì năm 2017 giảm còn 11% và đến nay giảm chỉ còn 10%.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết trong quy hoạch phát triển ngành thương mại TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sẽ không phát triển thêm, xây mới đối với chợ bán lẻ khu vực nội thành thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú; các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân. 

Bên cạnh đó, sẽ rà soát các chợ hoạt động không hiệu quả, có diện tích xây dựng từ 800 - 1.000m2 trở lên để nâng cấp, chuyển đổi công năng thành các loại hình phân phối hiện đại phù hợp dựa trên nguồn vốn xã hội hóa. 

Trước đây TP có quan điểm khống chế đối với chợ, nhưng sau này xác định lại dựa trên nhu cầu dân sinh, nếu cần thiết vẫn phải thiết lập chợ.

"Tuy nhiên, trừ các quận huyện ngoại thành, chủ trương của quy hoạch là sẽ không phát triển thêm chợ ở khu vực nội thành như quận 1, 3, Phú Nhuận... mà chỉ nâng cấp, sửa chữa, duy tu để cải thiện hoạt động các chợ. Thay vào đó, sẽ tập trung phát triển cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại nhiều hơn" - bà Trang nói.

Siêu thị sẽ thay dần chợ? - Ảnh 3.

Một góc chợ trên đường Võ Duy Ninh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Làm sao để có 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu?

Đối với kênh phân phối hiện đại, TP.HCM đưa ra mục tiêu thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh, để đến giai đoạn 2025 - 2030 hình thành tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Một chuyên gia bán lẻ nhận định mục tiêu hình thành tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam cần phải đi kèm với những phân tích định tính và định lượng sâu hơn, phân vai hiệu quả, xác định quy mô thị trường chứ không thể chung chung.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam. Khi vào đây, với nền tảng bán lẻ chuyên nghiệp, họ cũng xác định thương hiệu mình phải dẫn đầu. Do đó, trong tốp 5 doanh nghiệp hàng đầu, thế nào cũng phải có sự xen lẫn giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, các nhà bán lẻ là đối tượng hưởng lợi từ quy hoạch này. Những nội dung định hướng đề ra về một ngành tương đối khó quản lý như bán lẻ sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề hỗ trợ xây dựng những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực.

"Ở các nước, trong tầm nhìn chiến lược của nhà làm chính sách, bao giờ cũng có quy hoạch những doanh nghiệp hàng đầu và tập trung hỗ trợ họ trong từng lĩnh vực. Nhưng để căn cứ đề ra số doanh nghiệp cụ thể cũng như chính sách hỗ trợ cần thiết thì phải tính toán rất khoa học, cụ thể và lâu dài" - ông Đức nói.

Ngoài ra, để xác định Việt Nam cần 5 hay 7 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu, cần phải hiểu quy mô của thị trường. Với quy mô tổng mức bán lẻ, dịch vụ khoảng 130 tỉ USD năm 2017 của Việt Nam thì khoảng 4 nhà bán lẻ tốp 20 thế giới có mặt cùng tham gia là hợp lý. "Đó cũng là lý do vì sao nhiều nhà bán lẻ hàng đầu như Walmart, Costco... vẫn chưa vào Việt Nam" - chuyên gia trên nhận định.

Không những vậy, một nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam thì không thể mạnh ở mỗi TP.HCM mà còn phải mạnh trên cả nước và vươn ra khu vực. Chính sách hỗ trợ của một địa phương chắc chắn sẽ chưa đủ mà cần phải được hỗ trợ tối thiểu từ một ngành, ít nhất là cấp bộ. "Ngành công thương liệu có được phân quyền để đủ mạnh tự quyết trong một vài trường hợp lớn có thể ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp ở TP.HCM" - đại diện một nhà bán lẻ trong nước băn khoăn.

Siêu thị sẽ thay dần chợ? - Ảnh 4.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi chiếm 21%

Hiện TP.HCM có 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại và 1.100 cửa hàng tiện lợi, chiếm tỉ trọng 21% ngành bán lẻ. TP.HCM khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp, cửa hàng tiện lợi hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu... Đồng thời, khuyến khích các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Chợ quê giữa lòng Sài Gòn Chợ quê giữa lòng Sài Gòn

TTO - Tổ chức vào mỗi buổi sáng chủ nhật, "Chợ quê giữa phố" là điểm đến của các bà mẹ và các em nhỏ, với những món ăn quê, mà còn được tự tay làm sản phẩm thủ công.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên