22/08/2021 07:04 GMT+7

Siêu thị chờ phối hợp giao hàng

NGUYỄN TRÍ - NHƯ BÌNH
NGUYỄN TRÍ - NHƯ BÌNH

TTO - Hầu hết nhà phân phối đều cho biết đã chủ động tăng thêm lượng hàng nhập vào, đồng thời khẳng định hàng hóa đầy đủ phục vụ người dân. Việc thiếu hàng cục bộ ở một số thời điểm là do quá nhiều người mua gom để trữ với số lượng lớn.

Siêu thị chờ phối hợp giao hàng - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng mua thuốc trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình (TP.HCM) vào sáng 21-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo các siêu thị, sức mua sẽ sớm hạ nhiệt trong những ngày tới khi TP áp dụng các biện pháp siết chặt hơn để phòng chống dịch. Lượng hàng khô như bún, gạo, mì... được dự trữ với số lượng lớn cho hơn một tháng. Riêng với hàng tươi sống, nhà cung cấp vẫn đảm bảo giao hằng ngày và nguồn cung từ trang trại báo lên vẫn hết sức ổn định. 

Các đơn vị bán lẻ cũng đang khẩn trương phối hợp với Sở Công thương TP.HCM và chính quyền địa phương để chuẩn bị các giải pháp cung ứng hàng hóa cho người dân trong hai tuần tới.

Chỉ lo chuyện giao hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện AEON Việt Nam cho biết hai siêu thị trong hệ thống đã có sẵn phương án hoạt động theo điều kiện địa bàn. Trong đó, siêu thị AEON Bình Tân sẽ nằm trong vùng shipper không được hoạt động theo hướng dẫn mới của TP, do đó trong ngày 21-8 siêu thị đã bắt đầu lấy danh sách nhân viên thực hiện làm việc "3 tại chỗ" từ ngày 23-8.

Việc bán hàng của siêu thị này cũng sẽ thông qua các đầu mối của tổ, phường… Các đơn hàng được gom và đưa về siêu thị xử lý. Riêng siêu thị AEON Tân Phú, theo hướng dẫn của quận, siêu thị đang lên danh sách 200 mặt hàng thiết yếu, có nguồn hàng ổn định, giá tốt để phối hợp cùng quận lên kế hoạch, hình thức mua sắm phù hợp cho người dân trong hai tuần tới.

Theo kế hoạch này, dựa trên đơn hàng, nhân viên của siêu thị sẽ chuẩn bị hàng hóa và hàng được giao đến tay người dân. "Đến nay các bước này vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, nhà bán lẻ vẫn chờ hướng dẫn rõ hơn như số đơn hàng cần xử lý trong ngày, việc giao nhận và thanh toán", vị này cho biết.

Dù cho biết nguồn hàng đã chuẩn bị từ trước, nhưng theo đại diện Lottemart Việt Nam, với sức mua tăng đột biến của khách hàng, nhân viên siêu thị vẫn bị quá tải, nhiều thời điểm không đưa hàng lên kịp. Trong khi đó, một số siêu thị bày tỏ băn khoăn về cách tổ chức bán hàng sau ngày 23-8, đặc biệt là ở những điểm bán mà shipper không còn hoạt động.

Đại diện một siêu thị ở Gò Vấp, địa bàn sẽ phải tạm ngưng shipper công nghệ, cho biết trong cơ cấu bán hàng của siêu thị, mảng online đang chiếm tỉ lệ khá cao bởi siêu thị khuyến khích người tiêu dùng mua hàng online để hạn chế lây lan dịch bệnh thay vì đến mua trực tiếp tại siêu thị. Do đó, ngoài bộ phận giao hàng riêng thì siêu thị cũng kết hợp với các đối tác công nghệ.

"Chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn liệu shipper cơ hữu của siêu thị có được giao hàng? Hoặc nếu nằm trong vùng đỏ, chúng tôi phối hợp với các tổ chức đưa hàng đến tay người dân như thế nào?", vị này đặt vấn đề. Ngoài ra, các siêu thị cũng đang rối với việc chỉ cho 10% nhân viên siêu thị ra đường trong khung giờ hạn chế.

Siêu thị chờ phối hợp giao hàng - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng mua thực phẩm tại điểm bán lương thực bình ổn lưu động ở quận 4 (TP.HCM) vào sáng 21-8 - Ảnh: T.T.D.

Dồn sức cho một kênh bán hàng

Trong ngày 21-8, các siêu thị đều khẳng định đã có kế hoạch tăng thêm 4 - 5 lần mặt hàng thịt tươi các loại và tăng 10 lần các mặt hàng rau củ quả Đà Lạt từ ngày 22-8. 

Ông Trương Chí Thiện - giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) - cho biết bằng cách tăng lượng thu mua, dồn trứng về một kênh phân phối, đơn vị có thể điều chỉnh từ 700.000 trứng bán ra một ngày hiện nay lên mức 1 triệu trứng nếu nhu cầu thị trường TP.HCM tăng. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch cụ thể, việc cung ứng này chỉ kéo dài trong 1 - 2 tuần vì trứng không thể dự trữ lâu và cũng cần kế hoạch để chăn nuôi.

"Chúng tôi muốn được thông tin cụ thể các quy định giao nhận, mua bán thế nào, siêu thị nào được hoạt động thì mới dám lên kế hoạch chi tiết, dự trù cho nguồn cung phù hợp. Trường hợp hạn chế nhân viên giao hàng cũng tính phương án thay thế", ông Thiện nói. Tương tự, đại diện Công ty Ba Huân (TP.HCM) cho biết có thể cắt nguồn cung trứng gia cầm ở các nơi, trứng dùng cho chế biến để dồn sức phục vụ riêng TP.HCM.

Tuy nhiên, theo vị này, đơn vị cần các siêu thị, đối tác hỗ trợ khâu vận chuyển, giao nhận vì không đủ nhân lực. Các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm tươi sống đều có kịch bản cung cấp hàng hóa ra thị trường dựa trên quy định chống dịch. Sự linh hoạt này nhằm đảm bảo cho hàng hóa được đưa ra thị trường một cách thông suốt, tránh đứt gãy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Lê Xuân Huy - phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP - cho biết mỗi ngày đơn vị xuất bán khoảng 13.000 - 14.000 con heo cho thị trường cả nước, nhưng nếu cần, có thể tăng ngay lên mức 20.000 - 23.000 con/ngày. Lượng gà bán ra cũng có thể tăng lên ở mức 70.000 con/ngày. Trong trường hợp thị trường TP.HCM có nhu cầu nhiều hơn, ông Huy khẳng định đơn vị này sẵn sàng điều chỉnh tăng lượng xuất chuồng, giết mổ để cung cấp.

"Nguồn cung heo, gà hiện không thiếu, thậm chí còn dư thừa với giá bán khá thấp. Cái cần là phải có sự kết nối sớm, cần hỗ trợ từ đối tác để có phương án giết mổ, giao nhận từ nhà cung cấp đến đơn vị bán lẻ, và từ đơn vị bán lẻ đến tay người tiêu dùng hợp lý", ông Huy nói. Nhiều nhà cũng cấp cũng cho rằng để đảm bảo nguồn cung thực phẩm xuyên suốt cần tính toán tổ chức, liên kết khâu sản xuất, cung cấp, giao nhận, bán lẻ một cách hợp lý trong điều kiện TP siết đi lại hơn để chống dịch.

Tăng công suất hoạt động

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM) - cho biết dù mới hoạt động lại nhưng đơn vị đã tăng lượng giết mổ để cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 con heo cho ngày 21-8 và duy trì mức này trong vài ngày tiếp theo. Nếu cần, đơn vị sẽ đưa ra khoảng 10 tấn thịt đông lạnh/ngày để cung cấp cho thị trường TP.HCM trong khoảng hơn 1 tuần.

Tuy vậy, nhu cầu chỉ tăng cao trong vài ngày đầu, sau đó giảm lại và thậm chí xuống mức thấp vì nhiều người dân đã mua thực phẩm dự trữ trước đó. "Nếu khâu giết mổ và cung ứng tốt, nguồn cung thịt tươi sống không thiếu hụt. Cái cần là doanh nghiệp bán lẻ phải tổ chức thu mua và bán ra, giao hàng thế nào, phải có thêm lực lượng không chuyên hỗ trợ khâu này vì một mình siêu thị không thể đáp ứng đủ nếu TP tăng áp dụng giao hàng tận tay người dân", ông An nhấn mạnh.

Tương tự, đại diện Công ty San Hà (TP.HCM) cho biết đã có kế hoạch dự trữ bằng cách tăng nguồn cung gà lông và công suất giết mổ. Trong trường hợp cần phải tổ chức các giải pháp giao nhận phù hợp, mở rộng quy mô điểm bán sẽ dễ dàng tăng lượng thịt bán ra bởi nguồn cung gia cầm không thiếu, đơn vị có thể dự trữ nhiều khi cần.

Tăng cường xe lưu động bán hàng cho người đi chợ hộ trong ‘vùng đỏ’, ‘vùng cam’ ở TP.HCM Tăng cường xe lưu động bán hàng cho người đi chợ hộ trong ‘vùng đỏ’, ‘vùng cam’ ở TP.HCM

TTO - Chiều 21-8, ông Lê Huỳnh Minh Tú - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - tiếp tục giải đáp các thắc mắc của báo chí liên quan đến cách thức cung ứng hàng hóa cho người dân sau ngày 23-8, nhất là ở “vùng đỏ”, “vùng cam”.

NGUYỄN TRÍ - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên