Cánh đồng rau xanh tốt nhờ vào phù sa sông Hồng (ảnh chụp ven sông Hồng, dọc quốc lộ 32, đoạn Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) - Ảnh: T.T.D. |
* Ông Nguyễn Cảnh Dinh (nguyên bộ trưởng Bộ Thủy lợi):
Tác động rất lớn đến môi trường, đời sống
Trong quy hoạch thủy lợi ban đầu đã xác định sông Đà cho điện, sông Lô chủ yếu phòng lũ - giữ nước cho hạ du. Với sông Hồng, từ đoạn Việt Trì (Phú Thọ) xuống hạ du gọi là sông Hồng, còn từ Việt Trì trở lên có ba sông lớn, một bên là sông Đà, chính giữa là sông Thao, bên kia là sông Lô.
Quy hoạch tính toán thủy lợi năm 1965 với sông Thao đã xác định không thuận lợi làm các công trình có quy mô lợi dụng tổng hợp như thủy điện, giữ nước.
Còn về dự án giao thông thủy và thủy điện trên sông Hồng, tôi nghĩ có thể cho chủ trương để nghiên cứu. Tuy nhiên, việc nghiên cứu phải rất thận trọng.
Trong nghiên cứu, có một vấn đề tôi cho rằng cần phải làm rất kỹ, rất khoa học: đó là vấn đề môi trường sinh thái, vấn đề biến đổi môi trường, vấn đề thay đổi dòng chảy, vấn đề tác động tới đời sống, sinh kế của người dân.
Ông Nguyễn Cảnh Dinh khuyến cáo: Đáng lưu ý là đập dâng cuối, thủy điện cuối chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, đặc biệt là dòng chảy ở hạ du. Việc làm thay đổi dòng chảy ở hạ du sẽ làm thay đổi đê điều, bãi sông, các vùng dân cư ven sông, đây là vấn đề lớn. Vì vậy, ông cho rằng sẽ có nhiều vấn đề ảnh hưởng như làm thay đổi dòng chảy, làm thay đổi chế độ cung cấp nước, làm thay đổi sản xuất của nền nông nghiệp ven sông, đó là những vấn đề phải trả lời bằng nghiên cứu khoa học, đánh giá khoa học, chứ không phải cứ có chủ trương sau nghiên cứu là được làm. |
Hiện nay, tôi không biết lợi ích của dự án này đến đâu, nhưng vấn đề tác động tới tự nhiên, tới sinh thái của sông Hồng là chắc chắn xảy ra. Có thể về mục tiêu giao thông thủy thì ổn, nhưng nếu chỉ có mục tiêu về phát điện thì không đáng kể, không đáng để ủng hộ.
Đáng lưu ý, việc dâng nước lên cần phải đánh giá cho kỹ, có luận chứng khoa học. Bản thân việc dâng nước lên luôn có hai mặt, trong đó đáng nói nhất là việc làm thay đổi môi trường.
Trong việc làm đập dâng, cái tôi thấy day dứt nhất là việc ngập lụt. Lâu nay, với các hồ chứa, kể cả hồ chứa thủy lợi, làm đập dâng là làm ngập những mảnh đất tốt nhất, ngập những chỗ người dân sống lâu đời nhất.
Trong khi những cánh đồng tốt nhất, bằng phẳng nhất ở ven sông lại là tập trung người đông nhất. Chưa nói đến tác động tới nền văn hóa lâu đời, tập quán lâu đời của người dân tại những vùng bị đánh ngập mất.
Vì vậy, với 6 đập dâng dự kiến làm, số lượng người dân có đất bị tác động, sinh kế người dân bị tác động từ việc làm đập dâng phải đánh giá cho hết.
Sông Hồng là nguồn nuôi dưỡng của cả khu vực đồng bằng sông Hồng, đây là nguồn phù sa rất lớn, trước kia chiếm tới 40% lượng phù sa. Sau khi làm 6 đập dâng, lượng phù sa bị giữ lại bao nhiêu, vấn đề tác động tới hạ du phải trả lời cho được.
Rồi vấn đề thủy sản biến đổi, mất luồng cá, lượng cá, mất nơi sinh sản của các loài cá, đó là những vấn đề rất đáng lo.
* Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an):
Không yên tâm
Chỉ mới nghe qua việc kết nối thủy lộ với Trung Quốc, tôi thấy đây là dự án nhạy cảm về mặt an ninh. Làm đập dâng nâng mực nước, tạo một thủy lộ vận tải được tàu trọng tải lớn kết nối thẳng từ Trung Quốc xuống các tỉnh thành phía Bắc, tôi thấy không yên tâm. Do vậy phải thẩm định thật chắc chắn.
Theo tôi, cần có một hội đồng khoa học độc lập, quy tụ những chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết để đánh giá, phân tích, chứ không thể để mỗi cơ quan công quyền thẩm định, quyết định.
Lịch sử đã chỉ ra không ít dự án cơ quan công quyền khi quyết một sách lược nào đó không tham khảo ý kiến chuyên gia, cộng đồng đã để lại hậu quả đáng tiếc.
Với những lý do trên, theo tôi, Chính phủ nên cân nhắc và trước khi quyết định cho tiến hành dự án, cần công khai mọi vấn đề liên quan đến dự án, không chỉ về vốn đầu tư, mà cả các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng lưu lượng nước... để toàn dân góp ý theo đúng tinh thần điều 69 của Hiến pháp về quyền được biết của dân.
Cái này tuyệt đối không được để cơ quan nào bưng bít. Vì đó là dự án dân sinh, liên quan đến người dân, không có gì là bí mật quốc gia cả. Nhiều dự án như đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho thấy các vấn đề chỉ cơ quan nhà nước quyết định có thể có rủi ro lớn.
Dù dự án này do ai đề xuất, trước hết theo tôi phải đảm bảo yếu tố tiên quyết là công khai minh bạch.
Chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường Chiều 5-5, tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016, Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: các chuyên gia cảnh báo dự án thủy lộ và thủy điện trên sông Hồng của Công ty Xuân Thiện có thể gây vấn đề lớn về môi trường, xin Chính phủ cho biết ý kiến? Ông Nguyễn Xuân Tự, vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch - đầu tư, trả lời: “Đây là dự án mới ở bước sơ khai, ý tưởng đề xuất ban đầu. Bộ Kế hoạch - đầu tư đã gửi xin ý kiến của các bộ ngành và địa phương liên quan và chúng tôi đã nhận được ý kiến đồng thuận khá cao. Nhưng đây cũng mới ở bước báo cáo Thủ tướng cho chủ đầu tư nghiên cứu tiếp dự án, nếu muốn đầu tư được thì các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án, sau khi phê duyệt đề xuất dự án thì sẽ tổ chức nghiên cứu khả thi, rồi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đó. Lúc bấy giờ nhà đầu tư mới được tiếp tục đầu tư. Dự án này chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào khi nạo vét lòng sông, xây các đập thủy điện, nạo vét âu tàu... thì phải có đánh giá tác động môi trường, tức là các bước sau. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng là dự án này kéo dài từ Lào Cai xuống, ảnh hưởng khá nhiều đến châu thổ sông Hồng, đặc biệt là về thủy văn, thủy lợi, xói lở hai bờ sông, xây dựng đập dâng nước ở vị trí nào, giá mua bán điện. Các vấn đề đó đang bỏ ngỏ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận