30/04/2018 15:30 GMT+7

Siêu dự án tàu sân bay bằng băng của Anh đã chết yểu như thế nào?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Siêu tàu sân bay bằng băng nặng 2 triệu tấn, dài hơn 600m được tin là có thể sống sót và không bao giờ chìm trước các đòn tấn công ngư lôi của tàu ngầm phát xít Đức giờ đã nằm dưới đáy hồ Patricia, Canada.

Siêu dự án tàu sân bay bằng băng của Anh đã chết yểu như thế nào? - Ảnh 1.

Đồ họa tàu sân bay bằng băng của CNN - Ảnh: CNN

Đối mặt với chiến lược phong tỏa đường biển bằng tàu ngầm của phát xít Đức trong Thế chiến thứ II, đảo quốc Anh đã đi tới một ý tưởng lạ lùng: chế tạo một tàu sân bay từ băng, thứ vật liệu có thể dễ tái tạo và không bao giờ chìm.

Nghe có vẻ nực cười nhưng dự án này đã nhận được sự ủng hộ và phê chuẩn tiến hành của Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill. Tháng 1-1943, một nguyên mẫu thí nghiệm đã được bí mật chế tạo và thử nghiệm tại hồ Patricia (Canada) trong 4 tháng.

Một phần của nguyên mẫu siêu tàu sân bay đã chìm xuống đáy và vẫn còn ở đó. Băng hòa vào nước nhưng ít nhất Habbakuk, tên của dự án, vẫn còn sống trên mặt giấy tờ.

Vật liệu chiến lược

Trong một phòng làm việc của Bộ Chiến tranh Anh năm 1942, Geoffrey Pyke, một nhà khoa học bị nhận xét là lập dị, đang ngồi vò đầu bứt tai suy nghĩ làm thế nào để lực lượng Đồng Minh, bao gồm các tàu chiến và tàu hàng của Anh an toàn ở "thung lũng U-boat". Đó là một khu vực của Đại Tây Dương, nơi các máy bay của quân Đồng Minh không thể bay tới nhưng là thiên đường ngày đêm của tàu ngầm U-boat của phát xít Đức.

Siêu dự án tàu sân bay bằng băng của Anh đã chết yểu như thế nào? - Ảnh 2.

Tàu ngầm Đồng Minh truy đuổi tàu ngầm của phát xít Đức (trái) trên Đại Tây Dương - Ảnh: AFP

Đặt trong bối cảnh nguồn cung sắt thép cho chế tạo tàu chiến ngày càng thu hẹp, Pyke đi tới một suy nghĩ điên rồ: Tại sao không xẻ những khối băng khổng lồ ở Bắc cực, đưa nó xuôi về nam và biến nó thành tàu sân bay?

"Pyke là một trong những nhà khoa học Anh còn sót lại từ thời Nữ hoàng Victoria, một người mà ngày nay chúng ta sẽ nhìn bằng nửa con mắt vì ông ta không có nhiều bằng cấp. Thực tế, độ uy tín của ông ấy rất cao vào thời điểm đó", Tiến sĩ Susan Langley, người nghiên cứu dự án Habbakuk, nói với đài CNN qua điện thoại.

Báo cáo của Hiệp hội phá băng quốc tế, được thành lập sau thảm họa Titanic năm 1912, vào những năm đầu 1940 kết luận rất khó để phá vỡ các khối băng bằng ngư lôi hay bom cháy. Điều đó càng cổ vũ thêm ý tưởng kỳ lạ của ông Pyke, giúp nó chiếm được niềm tin của Thủ tướng Anh Churchill.

Ngày 4-12-1942, Thủ tướng Churchill đặt bút ký vào sấp tài liệu đóng dấu "Tuyệt mật", yêu cầu chế tạo nguyên mẫu. Dự án được đặt cho cái tên Habbakuk, thực tế là một cách đọc trại đi từ tên của nhà tiên tri Habakkuk trong kinh Cựu ước.

Siêu dự án tàu sân bay bằng băng của Anh đã chết yểu như thế nào? - Ảnh 3.

Bản vẽ mô phỏng các khoang bên trong tàu sân bay bằng băng - Ảnh: AFP

Bột gỗ + nước biển = tàu sân bay không thể chìm

Các con số trên giấy tờ cho thấy HMS Habbakuk sẽ là tàu chiến lớn nhất từng được chế tạo trong lịch sử loài người nếu thành công. Dài 600m, rộng 60m và nặng hơn 2 triệu tấn, với toàn thân làm bằng băng đủ sức chứa hơn 300 máy bay chiến đấu.

Vấn đề lớn nhất khi đó là lấy đâu ra một khối lượng băng khổng lồ để chế tạo nguyên mẫu HMS Habbakuk. Người Anh quyết định nhờ tới Canada, nơi gần Bắc cực hơn Anh. Hồ Patricia của Canada được chọn làm nơi thử nghiệm vì có sẵn các lực lượng du kích chống phát xít gần đó.

"Họ không bao giờ được cho biết họ đang làm cái gì. Họ gọi đó là Thuyền của Noah, biết đó là một thứ vũ khí nhưng chính xác là cái gì thì bó tay", TS Langley cho biết.

Đầu năm 1943, nguyên mẫu thử nghiệm dài 20m được chế tạo từ băng có sẵn trong hồ Patricia, bột gỗ, nhựa đường và hệ thống làm lạnh công suất 1 HP. Một mái che lớn được dựng lên, phủ khắp bề mặt khiến nó trông giống như một nhà thuyền.

Loại vật liệu mới được nhà khoa học Pyke nghĩ ra được đặt theo tên của chính ông: pykrete. Bằng cách sử dụng bột gỗ trộn vào băng, Pyke và các cộng sự khám phá ra rằng điều này sẽ giúp hợp chất băng mới tan chảy lâu hơn so với loại băng tinh khiết bình thường.

Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi cần một khối lượng thép không nhỏ để gia cố con tàu và đảm bảo bề mặt boong tàu không hư hại khi máy bay đáp xuống.

Siêu dự án tàu sân bay bằng băng của Anh đã chết yểu như thế nào? - Ảnh 4.

Tranh vẽ tàu sân bay bằng băng Habbakuk trên một tạp chí năm 1946 - Ảnh: AFP

Lỗi thời

Nhà khoa học Pyke bị chính quyền Anh sa thải để đảm bảo sự tham gia của người Mỹ trong năm 1943. Có 3 phương án được đưa ra sau đó, bao gồm siêu tàu sân bay dài 1.200m và rộng 180m.

Tất cả đều bị loại trừ, dự án Habbakuk bị đình chỉ vào tháng 12-1943. Theo TS Langley, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới cái chết yểu của siêu dự án này.

Thứ nhất, Iceland đã trở thành tiền đồn của phe Đồng Minh, nơi có thể xây dựng các căn cứ không quân kiên cố làm bàn đạp tấn công tàu ngầm phát xít Đức trên Đại Tây Dương.

Thứ hai, các máy bay chiến đấu thế hệ mới, với tầm hoạt động xa hơn, có thể vươn tới "Thung lũng U-boat" đã được trình làng.

Và cuối cùng, việc phát triển một loại radar mới đã giúp việc theo dõi tàu ngầm U-boat của Đức trở nên chính xác hơn.

Lợi thế cuộc chiến đã bắt đầu nghiêng về phe Đồng Minh. Năm 1945 cuộc chiến chống phát xít kết thúc tại châu Âu mà không có sự góp mặt của bất kỳ tàu sân bay bằng băng nào.

39 năm sau đó những mảnh vỡ của nguyên mẫu thí nghiệm năm xưa được tìm thấy ở hồ Patricia, cách mặt nước gần 20m.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên