17/12/2021 07:57 GMT+7

Siêu bão Rai rất mạnh, hiếm gặp có thể ảnh hưởng nước ta ra sao?

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Mặc dù giảm cấp khi đi qua Philippines, nhưng khi vào Biển Đông, 'siêu bão' Rai vẫn là cơn bão rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây.

Siêu bão Rai rất mạnh, hiếm gặp có thể ảnh hưởng nước ta ra sao? - Ảnh 1.

Vị trí và hướng di chuyển bão Rai - Nguồn: TTDBKTTVQG

"Chiều 16-12, bão Rai tiếp tục mạnh thêm, chúng tôi xác định đây là cơn siêu bão" - ông Trần Quang Năng, trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nói.

Theo ông Năng, với sức gió mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, bán kính gió mạnh trên cấp 6 khoảng 300km, sau khi quét qua khu vực miền trung và nam Philippines, chiều tối nay bão đi vào Biển Đông với cường độ mạnh cấp 14. Tuổi Trẻ đã trao đổi thêm cùng ông Năng về "siêu bão" này.

* Ông có thể cho biết mức độ nguy hiểm đối với các tàu thuyền khi hoạt động trên biển?

- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định khoảng chiều đến tối nay (17-12) "siêu bão" Rai sẽ đi vào Biển Đông. Thời điểm này bão đã giảm xuống cấp 14, mặc dù bão giảm cấp khi đi qua Philippines, nhưng khi vào Biển Đông thì đây vẫn là cơn bão rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây.

Vùng ảnh hưởng trực tiếp là ở phía đông khu vực giữa Biển Đông và phía bắc quần đảo Trường Sa. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong khu vực này trong khoảng 24 giờ đến 48 giờ tới sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.

* Đã cuối năm lại xuất hiện "siêu bão", có bất thường?

- Trong khoảng 50 năm gần đây, chúng tôi thống kê có 8 "siêu bão" đạt cấp 16 trở lên xuất hiện trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương vào tháng 12. 

Gần nhất năm 2016 có "siêu bão" Nocten vào tháng 12, cường độ bão mạnh nhất cũng đạt cấp 16 ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương, còn khi vào Biển Đông bão Nocten mạnh cấp 10-11. Hiện nay, theo đánh giá, cường độ của "siêu bão" Rai là gần bằng với "siêu bão" Haiyan (cấp 17) tháng 11-2013.

Với "siêu bão" Rai, đây là trường hợp hiếm gặp trong nhiều năm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai dị thường, thiên tai lớn có thể xuất hiện tần suất ngày càng nhiều hơn và chúng ta phải tìm cách tập trung ứng phó.

* Khả năng bão Rai ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam, liệu bão có đổi hướng đi xuống phía nam không, thưa ông?

- Theo dự báo mới nhất và tính toán của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng như các dự báo trên thế giới đều đồng nhất bão sẽ di chuyển theo hướng tây - tây bắc. Chỉ khi vào đến khoảng kinh tuyến 110-111, bão có xu hướng dịch chuyển lên phía bắc, hướng vào quần đảo Hoàng Sa và hướng vào Trung Quốc.

Như vậy, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực vùng biển phía nam (từ Bình Thuận trở vào) là không cao. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh lại trong bối cảnh biến đổi khí hậu có rất nhiều kịch bản có khả năng xảy ra.

Kịch bản mới nhất bão đi lên phía bắc và chúng ta sẽ tập trung ứng phó với tình huống này. Nếu có diễn biến đặc biệt chúng tôi sẽ cập nhật ngay.

* Với mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4, cần cảnh báo gì?

- Khi đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, chúng tôi phải dựa vào quyết định về dự báo, cảnh báo thiên tai. Theo đó, với bão đạt từ cấp 14 trở lên hoạt động trên vùng Biển Đông, đặc biệt khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta có nhiều tàu cá hoạt động, theo quy định phải đưa ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. 

Như vậy, với quy mô và sức ảnh hưởng rất lớn khi bão vào Biển Đông ở cấp 14, đây là cơn bão rất mạnh, do đó phải đưa ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Đây là cơn bão rất mạnh và di chuyển nhanh, do đó toàn bộ hoạt động ở khu vực giữa và nam Biển Đông cần phải yêu cầu tàu thuyền vào tránh trú ngay. 

Ngoài ra, ở vùng biển phía bắc Biển Đông cũng cần lưu ý sóng to, gió lớn do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường.

Vùng nguy hiểm nằm ở trên biển

Chiều 16-12, phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết trưa 16-12, Ban chỉ đạo đã có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó "siêu bão" Rai.

"Sau khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4 trong chiều 16-12, Ban chỉ đạo đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về "siêu bão" Rai.

Với cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4, theo quy định Thủ tướng sẽ chỉ đạo, điều hành ứng phó. Chúng tôi cũng đề xuất với Thủ tướng, chiều nay (17-12) người đứng đầu Chính phủ sẽ chủ trì họp với các địa phương để ứng phó với bão Rai" - ông Hoài cho biết thêm.

Theo ông Hoài, với những nhận định mới nhất về bão Rai thì vùng nguy hiểm nhất tập trung ở trên biển, nơi có hàng chục nghìn tàu thuyền hoạt động.

"Chúng ta có nhiều bài học về thiệt hại do các cơn bão mạnh tương tự vào thời điểm này như bão Chanchu năm 2006 làm 268 ngư dân thiệt mạng trên biển, cơn bão Linda năm 1997 làm gần 3.000 người chết và mất tích, trên 3.000 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng.

Do đó, chúng ta không được phép chủ quan mặc dù tàu thuyền, phương tiện của chúng ta đã có những tiến bộ hơn, các chỉ đạo từ trung ương tới địa phương cũng quyết liệt hơn" - ông Hoài nói.

Ông Hoài cho biết tại cuộc họp trực tuyến các bộ, ngành và địa phương hôm 15-12, Ban chỉ đạo yêu cầu Tổng cục Thủy sản, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng và các địa phương phải thông tin tới từng gia đình có tàu thuyền đang hoạt động ở trên biển.

"Trên cơ sở đó để chúng ta có phương án, kế hoạch yêu cầu các tàu thuyền vào nơi neo đậu, cương quyết không để tàu thuyền vãng lai, kể cả tàu cá đánh bắt ven bờ ở lại trên biển" - ông Hoài nói.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận đến 14h ngày 16-12, các đơn vị đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 45.000 phương tiện/242.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong đó, có 428 tàu/2.400 người đang hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa, hiện đang di chuyển vòng tránh.

Tàu cá miền Trung bắt đầu vào bờ

16-12 da nang bat dau cam tau thuyen ra bien-11 1(read-only)

Tàu cá miền Trung vào cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) trú tránh bão - Ảnh: TR.TRUNG

Chiều 16-12, ông Hoàng Thanh Hòa - ủy viên thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng - cho biết đã có công điện gửi các lực lượng. Trong đó yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tiếp tục kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.

Theo ghi nhận, số lượng tàu thuyền vào cảng cá Thọ Quang trong ngày 16-12 bắt đầu tăng lên, trong đó có rất nhiều tàu cá ngoại tỉnh.

So với các đợt chống bão trước đây, hiện nay Đà Nẵng đã bớt đi phần nào nỗi lo khi vừa qua thành phố thực hiện hỗ trợ người dân nuôi lồng bè trên sông, vịnh lên bờ chuyển đổi ngành nghề.

TRƯỜNG TRUNG

Chiều mai siêu bão Rai gió giật cấp 17 vào Biển Đông, Thủ tướng yêu cầu ứng phó khẩn cấp Chiều mai siêu bão Rai gió giật cấp 17 vào Biển Đông, Thủ tướng yêu cầu ứng phó khẩn cấp

TTO - Dự báo chiều mai (17-12), siêu bão Rai sẽ vào Biển Đông. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với siêu bão hiếm gặp trong tháng 12.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên