21/08/2018 10:29 GMT+7

Siết tín dụng, lãi suất có tăng?

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước ban hành chỉ thị 04, trong đó khẳng định sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu (room) tăng trưởng tín dụng trừ trường hợp đặc biệt, nhiều NH thương mại đứng ngồi không yên do đã gần cạn room tín dụng.

Siết tín dụng, lãi suất có tăng? - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng nhỏ cho biết do đã tăng tín dụng gần hết hạn mức cho phép nên có khả năng sẽ phải giảm lãi suất huy động - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc siết tín dụng, đặc biệt là đối với hoạt động cho vay ở những lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tại thời điểm này là cần thiết để chủ động kiểm soát lạm phát, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ đang leo thang. Hơn nữa, những năm qua NH Nhà nước đã bơm một lượng lớn tiền đồng để mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối, nên không thể nới lỏng thêm cung tiền.

Không nới room tín dụng không có nghĩa là thắt chặt mà là tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý sao cho không để lãi suất tăng trở lại, gây khó cho sản xuất kinh doanh.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Có thiếu vốn cho doanh nghiệp?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc SCB, cho biết NH này được NH Nhà nước cho phép tăng tín dụng là 13%, nhưng 6 tháng đầu năm đã tăng đến 12%, chỉ còn 1% nữa là đụng trần. "Nhu cầu vay thường tăng cao những tháng cuối năm, nhưng với tình hình hiện nay, chúng tôi chỉ có thể cho vay cầm chừng trên cơ sở thu nợ cũ. Đến hết quý 3, NH dự kiến sẽ tiếp tục xin tăng hạn mức lên bằng một số NH khác là 15%" - ông Văn cho biết.

Trong khi đó, LienVietPostBank vừa công bố giảm 33% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 từ 1.800 tỉ xuống còn 1.200 tỉ đồng và mức cổ tức tối thiểu từ 12% xuống 10%. Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho biết khi xây dựng kế hoạch lợi nhuận đầu năm, NH tính toán trên cơ sở chỉ tiêu tăng tín dụng 20%, dù chỉ tiêu được NH Nhà nước phê duyệt là 14%.

Sau khi sử dụng hết room 14%, NH này đã xin nới room nhưng với chỉ thị 04 của NH Nhà nước, NH này buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu tương xứng. "Chúng tôi mong muốn tăng trưởng tín dụng 21 - 22% nhưng không được chấp thuận nên sẽ làm theo chỉ tiêu được phê duyệt" - ông Thắng chia sẻ thêm.

Trong khi đó, nhiều NH lớn cho biết không bị ảnh hưởng do dư địa tín dụng vẫn còn. Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết đến hết tháng 7, tăng tín dụng của NH này đạt 11%, dư địa vẫn còn 4% nên sẽ không có chuyện NH này dừng giải ngân vì hết hạn mức.

"Theo quy luật, tín dụng thường tăng rất nhanh trong những tháng cuối năm do thời vụ làm ăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tập trung tăng tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ không hiệu quả bằng đẩy mạnh tăng ngay từ đầu năm vì có thể thu lãi trong thời gian dài hơn. Trong khi tháng 8, tháng 9 mới cho vay thì NH chỉ có thể thu lãi trong 4-5 tháng" - ông Thành nói.

Ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc VietinBank, cho biết 7 tháng đầu năm NH đã tăng tín dụng khoảng 9%, vẫn còn dư địa 5%, tương đương với 59.000-60.000 tỉ đồng nên sẽ không lo chuyện thiếu vốn cuối năm. Tuy nhiên, NH này sẽ chỉ tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo khoản vay được sử dụng đúng mục đích.

Vì sao phải siết room tín dụng?

Những năm trước đây, NH Nhà nước thường giao chỉ tiêu tín dụng vào đầu năm và sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu cho các NH vào những tháng cuối năm tùy theo tình hình thực tế. Vì sao năm nay NH Nhà nước lại kiên quyết không nới chỉ tiêu tín dụng? Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến NH Nhà nước kiểm soát chặt chỉ tiêu tín dụng của năm nay.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, ngoài việc đảm bảo nguồn vốn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ của NH Nhà nước cũng phải đảm bảo ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát. Dù lạm phát của VN vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và nhiều quốc gia đã phá giá đồng tiền khá mạnh, NH Nhà nước không muốn nới lỏng cung tiền, nhất là khi tín dụng trên GDP đã ở mức 130% là mức khá cao.

Ngoài ra, từ năm 2015 đến những tháng đầu năm 2018, NH Nhà nước đã cung ra lượng tiền đồng lớn để mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối từ mức 30 tỉ USD lên mức 63 tỉ USD. Do đó, đã đến lúc cần có chính sách để thu bớt tiền về và đó cũng là một trong các lý do không thể mở rộng cung tín dụng trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, không nới room tín dụng không có nghĩa thắt chặt mà phải tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông... như mục tiêu được nêu ra tại chỉ thị 04.

"Theo tôi, động thái này của NH Nhà nước rất hợp lý tại thời điểm hiện nay. Còn từ nay đến cuối năm, tùy theo tình hình thực tế có thể linh hoạt điều chỉnh. Tuy nhiên cũng cần lưu ý sao cho không để lãi suất tăng trở lại, gây khó cho sản xuất kinh doanh" - ông Ngân khuyến cáo.

Chuyên gia Bùi Quang Tín cũng cho rằng việc NH Nhà nước không nới chỉ tiêu tăng tín dụng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NH trong năm nay, đặc biệt những NH đã sử dụng hết chỉ tiêu được giao từ đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát có khả năng tăng cao trở lại và tỉ giá chịu sức ép liên tục trong những tháng qua, khó có thể tăng thêm tín dụng trong những tháng cuối năm.

Năm 2018, tín dụng tăng chưa đến 17 vì siết bất động sản? Năm 2018, tín dụng tăng chưa đến 17 vì siết bất động sản?

TTO - Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy các ngân hàng kỳ vọng tín dụng tăng 16,7% trong năm 2018.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên