08/06/2018 20:41 GMT+7

Siết nhân sự lãnh đạo với các ngân hàng còn sở hữu chéo

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 06, thời hạn xử lý sở hữu chéo được gia hạn đến 30-6-2019. Tuy nhiên sau thời hạn này nếu không xử lý dứt điểm thì ngân hàng vi phạm sẽ không được chấp thuận nhân sự dự kiến vào các vị trí lãnh đạo.

Siết nhân sự lãnh đạo với các ngân hàng còn sở hữu chéo - Ảnh 1.

Năm 2017, tranh thủ thị trường chứng khoán thuận lợi, Vietcombank đã thoái vốn tại hàng loạt tổ chức tín dụng khác - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phương án này vừa được Ngân hàng Nhà nước nêu ra như một biện pháp mạnh tay hơn nhằm xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, sở hữu vượt tỉ lệ cho phép tồn tại suốt thời gian qua.

Ngoài biện pháp trên, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ không cho các cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại tổ chức tín dụng.

Đồng thời các trường hợp này cũng chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Trước đó theo quy định tại Thông tư 06/2016 (trước đó là Thông tư 36/2014), Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công công ty con của ngân hàng đó.

Bên cạnh đó, tỉ lệ nắm giữ của ngân hàng thương mại tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.

Các ngân hàng thương mại đang nắm cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm.

Tuy nhiên, dù quy định là vậy nhưng đến thời điểm 31-12-2017, vẫn còn 4 ngân hàng thương mại nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác. Bên cạnh đó 4 ngân hàng có sở hữu trên 5% cổ phần ở ngân hàng khác.

Do vậy Ngân hàng Nhà nước yêu cầu trước ngày 30-6-2019, các ngân hàng phải phối hợp với các cổ đông lớn còn vi phạm tỉ lệ sở hữu lập kế hoạch khắc phục, đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung.

Trước đó trong năm 2017 đã có nhiều ngân hàng tranh thủ diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán để bán cổ phần "chạy" quy định tại Thông tư 06. Như Eximbank bán cổ phiếu của Ngân hàng Sacombank, Vietcombank giảm tỉ lệ sở hữu tại MB, Eximbank. NH này cũng thoái hết cổ phần tại OCB, Saigonbank, Công ty Tài chính ximăng.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên