
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Senegal tại tòa nhà Quốc hội Senegal ở thủ đô Dakar - Ảnh: TTXVN
Senegal - Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 23-7, phát biểu tại cuộc hội đàm ngay sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Malick Ndiaye bày tỏ hết sức vui mừng được đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Senegal kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1969.
Trước thông tin bão Wipha gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân Việt Nam, ông bày tỏ chia sẻ và gửi những lời thăm hỏi thân thiết tới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Senegal cho biết nông nghiệp là trọng tâm trong hợp tác giữa hai nước. Hiện Senegal đang nhập khoảng 10% lượng gạo từ Việt Nam và có nhu cầu nhập khoảng 100.000 tấn mỗi năm, trong khi xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là hạt điều, thủy sản, bột cá, thức ăn gia súc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Senegal chụp ảnh chung cùng thành viên hai đoàn - Ảnh: TTXVN
Ông Malick Ndiaye cho biết Senegal là cửa ngõ vào thị trường châu Phi và là trung tâm logistics của khu vực Tây Phi, đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, nông nghiệp, khoa học công nghệ, chuyển đổi số… vào nước này.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Việt Nam đánh giá cao tiềm năng của châu Phi, rất coi trọng đầu tư, mở rộng hợp tác cùng có lợi với châu Phi, trong đó có Senegal.
Ông cho rằng Việt Nam và Senegal là những nền kinh tế tiềm năng, mở cửa, do đó có nhiều cơ hội hợp tác để trở thành cửa ngõ cho hàng hóa của nhau thâm nhập vào các thị trường Đông Nam Á và Tây Phi.
Ông đánh giá hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá, Senegal là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất, chế biến tại Việt Nam.
Việt Nam sẵn sàng chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho Senegal

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Senegal - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị hai bên tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong thương mại, công nghiệp và đầu tư, tăng cường giao thương, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; hai Quốc hội sớm thiết lập cơ chế trao đổi đoàn định kỳ, đôn đốc việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ hai nước.
Ông cũng mong muốn thúc đẩy các sáng kiến mới như cử lãnh sự danh dự tại mỗi nước, tăng cường trao đổi thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác, giải quyết tranh chấp thương mại và xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững.
Ông khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Senegal bảo đảm an ninh lương thực, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nông nghiệp, đặc biệt trong trồng lúa gạo, chế biến nông sản… với Senegal.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Senegal tiếp tục tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu các mặt hàng khác của Việt Nam, giới thiệu các dự án, lĩnh vực hợp tác tiềm năng mà Việt Nam có thế mạnh như xây dựng, khoa học công nghệ, viễn thông. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tìm kiếm mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư tại Senegal.

Hai nhà lãnh đạo ký kết văn kiện hợp tác giữa hai Quốc hội - Ảnh: TTXVN
Ông khẳng định Việt Nam sẵn sàng là cửa ngõ để Senegal tiếp cận thị trường ASEAN; cảm ơn Chính phủ Senegal đã tạo điều kiện thuận lợi và đề nghị tiếp tục quan tâm cộng đồng người gốc Việt đang sinh sống và làm ăn tại Senegal.
Ông cảm ơn Senegal đã tham gia nhóm thành viên sáng lập Nhóm bạn bè về Luật Biển tại Liên hợp quốc do Việt Nam khởi xướng; đề nghị Senegal ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong xử lý tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng gửi lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính tới các nhà lãnh đạo và nhân dân Senegal; mời Chủ tịch Quốc hội Senegal thăm chính thức Việt Nam vào thời gian sớm nhất, Chủ tịch Malick Ndiaye vui vẻ nhận lời.
Ngay sau hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội chứng kiến lễ thông báo thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Senegal và ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận