12/08/2013 08:45 GMT+7

Sẽ phản biện từng văn bản luật trước khi ban hành

ĐĂNG NAM thực hiện
ĐĂNG NAM thực hiện

TT - Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Tất Thắng, viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cho rằng: Chính phủ sẽ giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì, làm đầu mối phối hợp chính sách giữa các bộ, ngành, các đơn vị theo hướng kiến tạo, hỗ trợ phát triển vì lợi ích chung của đất nước.

DkNlUm5T.jpgPhóng to
Ông Bùi Tất Thắng - Ảnh: Đ.NAM

Theo ông Thắng, thực tế từ nhiều năm nay, một trong những khâu yếu trong công tác điều hành là sự phối hợp chính sách chưa tốt; có tình trạng các văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn và khắc chế lẫn nhau. Ví dụ khi đưa ra một chính sách này thì lại có văn bản của chính sách khác hạn chế, thậm chí mâu thuẫn với nội dung của văn bản kia. Và để các văn bản điều hành của Chính phủ thành một hệ thống nhất quán, không bị mâu thuẫn, chồng chéo nhau đòi hỏi phải có một cơ quan chịu trách nhiệm điều phối, điều hòa các chính sách.

* Ông có thể nói cụ thể hơn một vụ việc gần đây nhất?

- Chẳng hạn, gần đây dư luận phản ánh việc xây dựng một sân vận động lớn không thua gì sân vận động quốc gia ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), trong khi chức năng của nó là ở cấp huyện và chỉ phục vụ một bộ phận nhỏ. Câu chuyện đặt ra là trong khi mình còn nghèo, vậy nên đầu tư vào các lĩnh vực khác có tốt hơn không? Vậy vấn đề đặt ra là đã có sự phối hợp thật tốt giữa các ban, ngành và các cấp chưa? Đây chính là ý tưởng mà đề án này muốn đem lại.

* Thưa ông, đề án cải cách này có đề cập sự phối hợp với các bộ ngành trong điều hành kinh tế vĩ mô không?

"Nếu không có một cơ quan chịu trách nhiệm điều phối thì tình trạng các văn bản, chính sách chồng lấn có thể vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, đầu tư công; khi mà nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi nguồn lực lại có hạn "

Ông BÙI TẤT THẮNG

- Trong đề án cải cách này, Chính phủ có nêu rất cụ thể. Về nguyên tắc, sự phối hợp phải tiến hành đồng bộ, ở tất cả các khâu của chu trình làm chính sách. Theo đó, không phải đợi đến khi các bộ, ngành làm xong dự thảo rồi phía cơ quan điều phối mới có ý kiến mà cần kết hợp ngay từ đầu, có thể là ngay từ khi thành lập tổ nghiên cứu để nghiên cứu, soạn thảo một chính sách cụ thể nào đó. Chẳng hạn, như khi thành lập một tổ ban hành chính sách về tiền tệ thì không phải chỉ có mỗi mình Ngân hàng Nhà nước, mà phía Bộ Tài chính phải cử người vào, Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng cử người đến, thậm chí cả Văn phòng Chính phủ cũng cần cử đại diện vào làm thành viên tổ soạn thảo, hoặc để theo dõi, đôn đốc...

Ngoài ra, đề án cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với nhau trong toàn bộ chu trình xây dựng và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô chứ không phải phối hợp ở mỗi khâu soạn thảo, ban hành chính sách mà không theo dõi, đánh giá. Và đề án cũng nêu rất cụ thể trong trường hợp có những biến động bất thường về kinh tế - chính trị - xã hội, cả trong nước lẫn ngoài nước rơi vào khủng hoảng, lạm phát cao hay thiểu phát, kinh tế suy giảm đột ngột... thì những lúc như vậy buộc chính sách điều hành càng phải có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý với nhau.

Vấn đề cuối cùng là phối hợp trong việc xây dựng hệ thống thông tin. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì nếu thông tin về số liệu khác nhau thì dẫn đến đánh giá khác nhau, mà đánh giá khác nhau sẽ dẫn đến đề xuất các giải pháp chính sách khác nhau. Mà khi chính sách không khớp nhau thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu hỗ trợ nhau trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

* Thưa ông, đề án có nhắc đến việc huy động các chuyên gia, nhà quản lý vào điều hành kinh tế vĩ mô. Vậy điều này được hiểu như thế nào?

- Theo quyết định, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để huy động các chuyên gia tham vấn giúp. Tuy nhiên để làm được việc này cần phải có cơ chế cụ thể, xác định việc huy động các chuyên gia theo cách thức gì? Quyền lợi cũng như nghĩa vụ của họ thế nào, từ đó mới có thể huy động được hiệu quả chất xám từ đội ngũ các chuyên gia.

Việc mời các chuyên gia tham vấn sẽ còn tùy vào nội dung từng văn bản pháp luật cụ thể chuẩn bị ban hành để mời được những chuyên gia có kiến thức chuyên sâu, và tùy thuộc vào cả thời gian cần thiết để tổ chức lấy ý kiến tham vấn. Ví dụ, khi chuẩn bị ban hành một chính sách trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, bên cạnh các nhà làm chính sách, quyết định yêu cầu mời các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực này đến để nghe tham vấn, phản biện, cho ý kiến trước khi văn bản được ban hành.

* Vậy sắp tới trong điều hành kinh tế vĩ mô, lĩnh vực nào theo ông là “nóng” nhất cần phải tập trung tham vấn, phản biện?

- Thực tế có nhiều lĩnh vực được xã hội quan tâm. Nhưng hiện tại, một số lĩnh vực cần tập trung nhất là lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đất đai; các chính sách liên quan đến đầu tư, chương trình phát triển ở các ngành kinh tế mũi nhọn, các chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành cũng như các chính sách liên quan đến đầu vào, đầu ra của thị trường, thuế... - những lĩnh vực có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân. Sự phối hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, bởi lẽ có phối hợp tốt với nhau thì mới có thể vừa làm tốt nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng vừa giữ được mức ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát, nợ công, xuất - nhập khẩu, dự trữ ngoại tệ, tỉ giá hối đoái... Thực tế thời gian qua cho thấy nếu muốn giảm lạm phát mà chỉ có mỗi chính sách tiền tệ, không quản lý chặt chính sách chi tiêu công cộng thì chưa chắc đã đạt được mục tiêu đặt ra.

* Ông có nghĩ rằng với đề án trên, liệu chúng ta có chấm dứt được tình trạng văn bản pháp luật chồng chéo không?

- Theo tôi, việc ban hành quyết định phê duyệt đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô là rất kịp thời. Tuy nhiên, do phạm vi của đề án chỉ tập trung vào lĩnh vực quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô nên trong trường hợp làm tốt nhất thì cũng chỉ có tác dụng trong phạm vi này, vì thế không bao quát được hết mọi lĩnh vực. Hơn nữa hiện nay các cơ quan thực hiện chính sách vẫn là nơi khởi thảo các chính sách thì khả năng chồng chéo, thiếu nhất quán vẫn còn. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần có một cách nhìn tổng quát, cần đổi mới và có cách tiếp cận mới hơn về quy trình làm chính sách. Nếu làm được những điều đó thì hi vọng sẽ khắc phục được cơ bản, còn không thì chúng ta cũng chỉ giải quyết được một phần chứ khó nói đến việc khắc phục triệt để được.

ĐĂNG NAM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên