06/09/2020 06:32 GMT+7

Sẽ nhớ mùa khai giảng đặc biệt: không có phần hội, HS Đà Nẵng 'xem khai giảng' qua tivi

ĐOÀN CƯỜNG - VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
ĐOÀN CƯỜNG - VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Sáng 5-9, gần 23 triệu học sinh cả nước đã khai giảng năm học mới 2020 - 2021. Hầu hết các trường đều tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, lược bỏ phần hội do ảnh hưởng của COVID-19.

Sẽ nhớ mùa khai giảng đặc biệt: không có phần hội, HS Đà Nẵng xem khai giảng qua tivi  - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) trong ngày khai giảng 5-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, nhiều trường cũng chỉ tổ chức cho học sinh đầu cấp hoặc cuối cấp khai giảng để phòng tránh dịch bệnh.

Xem khai giảng qua tivi, máy tính

Lễ khai giảng năm học mới tại Đà Nẵng được tổ chức trực tuyến thay vì tập trung ở trường như bao năm qua. Nhà của học sinh Bích Quân (lớp 3 Trường tiểu học Núi Thành, Hải Châu, Đà Nẵng) cùng nhóm bạn trong xóm chỉ cách trường mấy trăm mét. Nhưng lễ khai giảng năm nay Quân cùng các bạn không thể cùng nhau diện đồ đẹp đến trường dự lễ vì thành phố đang phải chống chọi với COVID-19. Vậy là ở xóm nhỏ mỗi bạn ở nhà và dự lễ khai giảng qua tivi, máy tính hoặc điện thoại.

Còn ở trường từ sớm các giáo viên đã có mặt. Họ mặc những bộ áo dài thật đẹp và sẵn sàng bước vào chương trình "Đà Nẵng - Chào năm học mới" trên truyền hình. Không có học sinh tới trường vì Đà Nẵng đang trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19. Sân trường hôm nay chỉ có các giáo viên chào đón học sinh qua online.

Trước lễ khai giảng, có bậc phụ huynh vội vàng ôm theo giỏ hoa đến tặng các cô với lời gửi gắm: Phụ huynh - học sinh lớp 1/1 chúc mừng lễ khai giảng năm học mới. Buổi lễ tổ chức online nhưng cũng có đầy đủ tiết mục. Các cô đọc thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; thông điệp chào mừng năm học mới của hiệu trưởng; danh sách phân công giáo viên phụ trách các lớp và cuối cùng là tiếng trống khai trường...

Căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học triển khai các hoạt động chào năm học mới gồm chương trình tọa đàm "Đà Nẵng - Chào năm học mới!". Chương trình do sở phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng thực hiện.

Sẽ nhớ mùa khai giảng đặc biệt: không có phần hội, HS Đà Nẵng xem khai giảng qua tivi  - Ảnh 2.

Giáo viên ở Đà Nẵng theo dõi lễ khai giảng qua truyền hình - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Không tổ chức phần hội

Trong khi đó tại TP.HCM, hầu hết các trường khai giảng ngắn gọn trong thời gian 60 phút. Đặc biệt, năm nay nhiều trường không tổ chức phần hội để phòng tránh dịch COVID-19 dù đây là thế mạnh của các trường trên địa bàn TP.HCM. Bởi phần hội tuy là để cho học sinh vui chơi, trải nghiệm nhưng được xem là một hình thức giới thiệu cho học sinh về những câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ năng khiếu, những mô hình dạy và học sáng tạo của nhà trường...

Thay vào đó, các trường đầu tư cho phần lễ trong ngày khai giảng và điểm nhấn chính là bài diễn văn khai trường của hiệu trưởng. Theo các hiệu trưởng trường THPT ở TP.HCM, trước đây học sinh rất ngán khi phải nghe hiệu trưởng đọc diễn văn trong lễ khai giảng khi nội dung toàn là báo cáo thành tích với những con số khô khan. Vì vậy, nhiều hiệu trưởng đã đổi mới, đầu tư cho bài diễn văn súc tích nhưng mang thông điệp truyền cảm hứng cho học sinh nỗ lực học tập, cho giáo viên nỗ lực vươn lên.

Năm nay bài diễn văn của cô Bùi Minh Tâm - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM - được nhiều học sinh ghi nhớ với chủ đề "Thay đổi để thành công". Trong đó có đoạn: "Các em học sinh thân mến. Cuộc sống luôn vận động, luôn đặt ra những yêu cầu ngày một cao hơn và sẽ luôn mang đến những thử thách bất ngờ để tôi luyện mỗi người chúng ta.

Nhưng điều quan trọng hơn hết là các em phải biết cách vượt qua những khó khăn ấy. Chỉ khi các em lựa chọn đúng chiếc chìa khóa, cánh cửa thành công mới mở ra. Và chiếc chìa khóa vàng ấy chỉ có thể là Tự Học! Hãy thay đổi chính mình, chủ động tìm tòi kiến thức bằng nhiều cách và từ nhiều nguồn, đừng chỉ trông chờ vào sự truyền đạt kiến thức của thầy cô. Các em giống như những ngọn nến, thầy cô là người thắp lửa, nhưng muốn tỏa sáng lâu dài phải dựa vào chính bản thân mình...".

Sẽ nhớ mùa khai giảng đặc biệt: không có phần hội, HS Đà Nẵng xem khai giảng qua tivi  - Ảnh 3.

Hãy trao tặng niềm vui mỗi ngày, hãy giơ cao cánh tay của mình khi có người cần giúp đỡ.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh (hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)

Sẽ nhớ mùa khai giảng đặc biệt: không có phần hội, HS Đà Nẵng xem khai giảng qua tivi  - Ảnh 5.

Các em giống như những ngọn nến, thầy cô là người thắp lửa, nhưng muốn tỏa sáng lâu dài phải dựa vào chính bản thân mình...

Cô Bùi Minh Tâm (hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM)

Sẽ nhớ mùa khai giảng đặc biệt: không có phần hội, HS Đà Nẵng xem khai giảng qua tivi  - Ảnh 7.

Trách nhiệm thể hiện ở chỗ các em sẵn sàng, và chủ động thực hiện những việc làm tốt, những việc làm có ý nghĩa để cuộc sống thêm đẹp, thêm vui.

Thầy Nguyễn Minh Quý (hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng)

Thông điệp lan tỏa yêu thương

Trong bài diễn văn không đến 5 phút, cô Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - nói với học sinh: "Hãy mạnh mẽ, kiên cường, cẩn trọng và hiểu biết để phòng chống dịch COVID-19 cho bản thân và người thân. Hãy trao tặng niềm vui mỗi ngày, hãy giơ cao cánh tay của mình khi có người cần giúp đỡ. Và các em hãy tự hào là thành viên của ngôi trường mang tên Bác để luôn khát vọng vươn lên, cùng nhau xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc".

Trong khi đó, "Trách nhiệm" là giá trị được thầy Nguyễn Minh Quý - hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) - chia sẻ với thầy, trò của mình. "Với các trò thì trách nhiệm được hiểu là quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Các em biết chủ động trong mọi việc, tự tin phát triển bản thân mình, luôn cố gắng và nỗ lực ở hiện tại. Trách nhiệm là khi các em không làm bố mẹ và những người thân yêu phải buồn lòng, đau lòng. Trách nhiệm là khi các em làm sai thì dám nhận, và sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về những việc đã làm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác. Trách nhiệm thể hiện ở chỗ các em sẵn sàng, và chủ động thực hiện những việc làm tốt, những việc làm có ý nghĩa để cuộc sống thêm đẹp, thêm vui" - thầy Nguyễn Minh Quý nói.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - trong thời khắc khai trường nhắn nhủ: "Tôi mong các thầy, cô tích cực tự học, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp, đừng bao giờ yên tâm, bằng lòng với những gì đã có trong chuyên môn, trong công việc. Vì các đồng nghiệp và học sinh khó có thể nể phục một người thầy sống tốt nhưng chỉ toàn những giờ dạy nhàm chán, nhạt nhòa. Tôi mong thầy, cô luôn trăn trở làm sao để mỗi bài giảng nhẹ nhàng, đơn giản mà vẫn khai thác, phát triển được phẩm chất, năng lực học trò...".

Thổn thức với "bầu trời áp lực"

Sáng 5-9, đọc bài viết Mong không còn "bầu trời áp lực" của học sinh Dương Hoàng Nhi (học sinh Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, Chợ Mới, An Giang) đăng trên báo Tuổi Trẻ khiến lòng tôi thổn thức.

Nhiều căng thẳng, mệt mỏi, không tìm thấy niềm vui trong học tập, bước vào cánh cổng trường là những "cuộc đua điểm số".

Tôi cũng mong muốn rằng nhà trường và gia đình hãy tạo cơ hội để thế hệ trẻ học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích từ thực tế cuộc sống chứ không ôm trọn điểm số trong kiến thức sách vở. Trên đường đến trường hay tan trường sẽ không thấy cảnh học sinh ôm đồm quá nhiều sách vở. Hãy để học sinh trên đường đến trường quan sát và cảm nhận những thứ đang diễn ra chung quanh, đó cũng là những bài học "lắng nghe cuộc sống".

THÁI HOÀNG

Trẻ vùng biên lần đầu đến trường

dao tho den truong 1(read-only)

Nhiều phụ huynh đã dành cho con sự quan tâm lớn khi đến tận trường theo dõi con dự lễ khai giảng - Ảnh: ĐÀO THỌ

Sáng 5-9, khoảng 840.000 học sinh của hơn 1.500 trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An khai giảng năm học mới. Tại xã biên giới Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn), các em nhỏ được cha mẹ cho mặc áo mới, trang phục truyền thống của dân tộc mình náo nức đến trường gặp bạn bè, thầy cô.

Đặc biệt hơn, những học sinh bậc mầm non lần đầu được đến lớp nên không khỏi bỡ ngỡ. Nhiều em khóc đòi về, phải có sự dỗ dành của cô giáo, các em mới ngoan ngoãn ở lại. Tuy nhiên cũng có nhiều em tỏ ra hồn nhiên vui vẻ khi được bước vào một môi trường học tập mới.

ĐÀO THỌ

Vỡ òa niềm vui

dscf5614 1(read-only)

Cô Nguyễn Thị Mỹ Lan, người từng xin dạy không lương, tìm học sinh trước ngày khai giảng - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Ngày khai giảng năm học năm nay khá đặc biệt với 8 cô giáo tình nguyện dạy không lương khi là năm đầu tiên các cô được có biên chế. Cảm xúc cũng thật đặc biệt với các cô.

Đầu năm học 2019 - 2020, hàng chục giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế ở huyện Đắk Glong (Đắk Nông) cùng phải nhận quyết định không được tái ký hợp đồng. Khi ấy ở xã Quảng Sơn, một xã đặc biệt khó khăn, 8 giáo viên ở Trường mầm non Hoa Plang vẫn quyết định xin đứng lớp. Các cô giáo vẫn tự bỏ tiền đổ xăng, chạy xe máy hàng chục cây số đường rừng để vào các điểm trường dạy học suốt 4 tháng trời. Quả ngọt đã đến khi sau đó cả 8 cô đều được trúng tuyển viên chức (Tuổi Trẻ ngày 15-12-2019).

Cô Nguyễn Thị Oanh - hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Plang - cho rằng niềm vui vừa qua là sự ghi nhận những cố gắng của các cô giáo trong các năm qua. Cô bày tỏ tự hào với các cô giáo vì đã có một sự tâm huyết với nghề, bỏ qua khó khăn, ngăn cản của gia đình để đến với nghề.

"Không chỉ bản thân tôi mà cả huyện ai cũng đã bất ngờ khi các cô xin dạy không lương. Năm học mới, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng mong các cô tiếp tục cố gắng cùng các em học sinh và trường đạt được những thành công mới" - cô Oanh chia sẻ.

ĐÌNH CƯƠNG

Học sinh Tăk Pổ đáng yêu, đeo khẩu trang trong lễ khai giảng Học sinh Tăk Pổ đáng yêu, đeo khẩu trang trong lễ khai giảng

TTO - Học sinh điểm trường Tăk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam mang khẩu trang nhưng vẫn đáng yêu, dễ thương trong lễ khai giảng, năm nay các em đón cô giáo mới.

ĐOÀN CƯỜNG - VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: khai giảng 5-9