Đó là một trong ba yêu cầu của lãnh đạo Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN) chỉ đạo giải quyết vụ lấy hàng tiêu hủy diễn ra cuối tuần trước.
Lãnh đạo Bộ KH-CN cũng yêu cầu chánh Thanh tra bộ, các thành viên Hội đồng tiêu hủy hàng hóa viết báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm cá nhân, các sai sót, khuyết điểm trong việc chỉ đạo, thực thi trách nhiệm trong đợt tiêu hủy.
Các cá nhân có hành vi lấy hàng tiêu hủy tường trình về sự việc xảy ra; hoàn thành trước 17g ngày 25-10.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều ngày 25-10, trả lời câu hỏi “Các cá nhân liên quan đã nộp trả lại số hàng hoa đã lấy trong buổi tiêu hủy theo thời hạn lãnh đạo Bộ yêu cầu chưa?”, ông Bùi Thế Duy - chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ KH-CN - cho biết do vụ việc đang trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân nên Bộ chưa thể cung cấp thông tin chi tiết.
Sau khi các cá nhân nộp bản tự kiểm vào chiều tối nay, ngày mai bộ sẽ họp xem xét, đánh giá mức độ sai phạm của từng trường hợp và có thông báo sau.
“Với quan điểm xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng pháp luật, không bao che, không bỏ sót đối với các đơn vị, cá nhân tổ chức và tham gia đợt tiêu hủy có hành vi vi phạm, căn cứ vào các báo cáo tường trình và mức độ vi phạm, Bộ KH-CN sẽ xem xét kiểm điểm nghiêm khắc và có hình thức kỷ luật đối với từng tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật” - Bộ KH-CN khẳng định.
Trước đó, ngày 21-10, tại Bộ KH-CN, Thanh tra Bộ phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Hà Nội (PC 46) tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Việc tiêu hủy được thực hiện bởi Hội đồng tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp gồm các cán bộ của Thanh tra Bộ KH-CN và PC 46, Công an TP Hà Nội (theo quyết định số 104/QĐ-TTra của chánh Thanh tra Bộ KH-CN) và cán bộ của Bộ KH-CN tham gia cắt, tiêu hủy hàng hóa vi phạm.
Bộ KH-CN thừa nhận tại buổi tiêu hủy, lần đầu tiên đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật về sở hữu công nghiệp, gây ra dư luận xấu trong xã hội.
Đó là việc “một số cán bộ, người lao động có liên quan đến việc tiêu hủy đã tự ý lấy hàng hóa vi phạm mang ra khỏi khu vực tiêu hủy”.
Theo đánh giá của Bộ KH-CN, trong sự cố nghiêm trọng này, ban tổ chức chưa thực hiện đúng quy trình, không đảm bảo công tác tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền để việc tiêu hủy được diễn ra đúng theo quy định pháp luật.
2.349 sản phẩm là tang vật vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đã được Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đội chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) được tổ chức tiêu hủy ngày 21-10.
Đây là các sản phẩm thời trang các loại như túi xách, ví da, dây lưng, đồng hồ, vòng đeo tay… giả mạo các nhãn hiệu DIOR, HERMÈS, LOUIS VUITTON…
Trong số 2.349 sản phẩm trên, chủ yếu là các mặt hàng túi xách, dây lưng, logo, mặt dây lưng… làm nhái các nhãn hiệu kể trên.
Toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính này được tịch thu theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chánh Thanh tra Bộ KH-CN ban hành để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (hành vi giả mạo nhãn hiệu) theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận