08/08/2016 07:53 GMT+7

Sẽ không đánh giá theo cách rập khuôn

VĨNH HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
VĨNH HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)

TTO - Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có các cuộc họp để chốt những vấn đề sẽ tiếp tục thực hiện trên cơ sở điều chỉnh, khắc phục bất cập, trong đó có thông tư 30 đổi mới đánh giá học sinh tiểu học (TT30) và mô hình trường học mới (VNEN).

Giáo viên của một trường tiểu học tại TP.HCM ghi nhận xét vào tập vở cho học sinh theo TT30 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Giáo viên của một trường tiểu học tại TP.HCM ghi nhận xét vào tập vở cho học sinh theo TT30 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ quan điểm: “Ý nghĩa của TT30 là thay đổi cách đánh giá học sinh, không chỉ đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng mà còn đánh giá năng lực, ý thức, đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học. Đây là sự đổi mới mang tính nhân văn.

Thực tế thực hiện TT30 và mô hình VNEN cũng cho thấy mặt tích cực là học sinh năng động, sáng tạo hơn, không bị áp lực căng thẳng, tình trạng dạy thêm, học thêm đã giảm. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện cũng có nhiều hạn chế”.

Ảnh: NHƯ HÙNG
Ảnh: NHƯ HÙNG

“Tôi rất mong sự sáng tạo từ cơ sở. Bộ sẽ chỉ quản lý mục tiêu giáo dục, khung chương trình chung còn có độ linh hoạt để cho các trường, các thầy cô giáo sáng tạo, đổi mới. Chừng nào bộ còn tập trung vào chỉ đạo theo hướng cầm tay chỉ việc thì chừng ấy còn nhiều bức xúc.

Tôi đang có chỉ đạo rất quyết liệt đổi mới tư duy của những người làm công tác quản lý giáo dục. Đây là điều không đơn giản nhưng tôi hi vọng sẽ thực hiện được"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

“Đánh giá từng ngày với sổ sách như vậy thì quá máy móc”

* Những hạn chế mà bộ trưởng nhận thấy trên cơ sở thực tiễn đã triển khai là gì, thưa bộ trưởng?

- Điều kiện để áp dụng TT30 ở nhiều nơi chưa tốt. Cụ thể là lớp học có sĩ số quá đông, công việc của giáo viên nhiều lên, trong khi khả năng bao quát, sát sao với học sinh không được tốt. Việc truyền thông để phụ huynh học sinh và xã hội hiểu về tính tích cực của thông tư này cũng hạn chế.

Mỗi mô hình đánh giá cần thí điểm, từng bước rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng. Nhưng TT30 thì lại áp dụng đại trà ngay. Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai đại trà cũng bộc lộ những bất cập dẫn tới bức xúc cho xã hội.

* Thời điểm bộ trưởng mới nhận vị trí tư lệnh ngành, nhiều giáo viên đã bày tỏ mong muốn ông xóa bỏ TT30. Trong khi đó những cán bộ quản lý các cấp thì tâm tư khi những việc đổi mới vừa triển khai đã bị xã hội “vùi dập”. Suy nghĩ của ông trước tình huống này và ông đã chỉ đạo thế nào để khắc phục những điểm yếu khi thực hiện TT30?

- Thực hiện một cái mới bao giờ cũng khó có thể được xã hội chấp nhận ngay, ý kiến trái chiều là bình thường. Tôi đã chỉ đạo đánh giá một cách thận trọng, nghiêm túc.

Những điểm tốt đã được khẳng định qua thực tiễn triển khai, đương nhiên phải kiên quyết phát huy. Còn những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các địa phương thì phải điều chỉnh để dễ thực hiện, tạo hứng khởi cho thầy cô giáo.

Cụ thể các nhà trường cần chuẩn bị tốt hơn về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức dạy học, chuyển sang sử dụng sổ đánh giá điện tử.

Bên cạnh đó, tôi đã yêu cầu rà soát để điều chỉnh phương thức đánh giá. Cần đánh giá toàn diện, đánh giá trong quá trình học tập của học sinh nhưng cũng ở từng năng lực, cũng phải tương đối định lượng thì mới biết được sự tiến bộ của từng học sinh.

Việc đánh giá cũng không phải quá cầu toàn, chạy theo số lượng. Có thể hằng tháng giáo viên tổng hợp một lần các khía cạnh, sự tiến bộ của học sinh và trao đổi với phụ huynh. Chứ như hiện tại đánh giá từng ngày với sổ sách như vậy thì quá máy móc.

Cách tiếp cận không nên cầm tay chỉ việc mà chỉ đưa ra khung chuẩn, còn thầy cô tùy theo điều kiện, sự tiến bộ của học sinh mà đánh giá một cách linh hoạt.

Như vậy vẫn giữ được khung đánh giá, đảm bảo chất lượng giáo dục trong toàn quốc nhưng cũng mở ra cho thầy cô sự sáng tạo, không rập khuôn 63 tỉnh thành đánh giá như nhau.

Chính sự máy móc ấy nó không phù hợp với thực tiễn dẫn đến phản ứng.

“Đóng một cái dấu mặt cười vào đó là không được”

* Vậy dựa vào kết quả rà soát và phân tích tình hình, lãnh đạo bộ dự kiến sẽ chỉnh sửa những nội dung gì ở TT30?

- Chuẩn kiến thức, chuẩn năng lực theo các khía cạnh phải được điều chỉnh rõ ràng. Ví dụ đưa ra tiêu chí yêu nước, yêu Tổ quốc đối với lứa tuổi còn nhỏ, các cháu bé ở tiểu học sẽ không hiểu được.

Việc này cần được cụ thể hơn, dễ hiểu, gần gũi với học sinh. Thêm vào đó có những nội dung khác như yêu ông bà, cha mẹ, kính trọng thầy cô giáo để học sinh đọc là hiểu ngay.

Một điểm cần chú ý là mức độ đánh giá sự tiến bộ phải lượng hóa theo các mức độ, qua đó các cháu biết được ngày hôm sau các cháu tiến bộ hơn ngày hôm trước như thế nào, chứ nếu như chỉ dừng lại nhận xét chung chung là có tiến bộ hay đóng một cái dấu mặt cười vào đó là không được.

Khoa học giáo dục phải có đo lường, đo lường chất lượng và sự tiến bộ. Ở đây phải lượng hóa. Có thể không cho điểm cụ thể nhưng phải lượng hóa các mức A, B, C, D.

Đành rằng không tạo áp lực bằng cách công khai toàn bộ các cháu với nhau song các cháu phải biết hoặc bố mẹ các cháu phải biết để theo dõi con mình trong tháng này là bao nhiêu A, B, C trong khía cạnh này.

Khi khen cũng tuyệt đối không được khen chung chung, lời lẽ khó hiểu, tối nghĩa. Mà cần khen những mặt cụ thể học sinh đã thực hiện tốt, có tiến bộ.

Mô hình VNEN: phản ứng trái chiều vì áp dụng miễn cưỡng

* Mô hình VNEN trong năm năm thực hiện đã có những thành quả nhất định, nhưng tại sao năm học tới lại có những địa phương ngừng mô hình này? Bộ trưởng đánh giá việc này thế nào?

- VNEN là mô hình tốt phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay. Nhưng điều kiện áp dụng mô hình này ở mỗi địa phương khác nhau.

Đâu đó có những nơi đăng ký thực hiện theo kiểu phong trào, dẫn đến tình trạng áp dụng nhưng không thiết thực, lãng phí. Một số địa phương, nhà trường áp dụng cứng nhắc hoặc miễn cưỡng thực hiện dẫn tới có những phản ứng trái chiều.

Trước tình hình đó, một số lãnh đạo địa phương chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân để khắc phục đã quyết định tạm dừng mô hình này.

* Vậy quan điểm của Bộ GD-ĐT, mô hình này có nên tiếp tục không, nếu thực hiện thì cần điều chỉnh như thế nào để tạo đồng thuận trong xã hội?

- Tùy theo điều kiện của từng trường, từng địa phương cần tiếp tục áp dụng các mức độ khác nhau.

Sẽ không có chuyện ép buộc thực hiện đại trà mà cái gì thấy hay, thấy phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, từng trường thì áp dụng.

Dần dần, tôi nghĩ những yếu tố tích cực của mô hình VNEN sẽ được ghi nhận.

Bên cạnh mô hình này, các địa phương, các trường cũng có thể linh hoạt áp dụng các phương pháp, mô hình tổ chức dạy học khác.

Thông tư 30 (chỉnh sửa): cuối tháng 8 ban hành

* Như vậy, các nội dung chỉnh sửa sẽ áp dụng ngay trong năm học này?

- Tôi đề nghị là phải áp dụng ngay, cuối tháng 8 này phải ban hành. Khi ban hành thì tất cả thầy cô phải thực hiện.

Thời gian qua cũng có những thầy cô bức xúc không phải do những bất cập của TT30 mà thực chất chỉ là ngại thay đổi.

Vì vậy, cũng cần phân biệt rất rõ đâu là những bất cập thuộc về chuyên môn kỹ thuật, đâu là bất cập do thầy cô không đáp ứng được hay ý thức bảo thủ. Phân biệt để có giải pháp khắc phục phù hợp.

Tới đây tôi quy trách nhiệm rất cụ thể cho ngành GD-ĐT các địa phương phải có trách nhiệm trong việc hướng dẫn, tuyên truyền để cho phụ huynh, thầy cô hiểu thì mới làm tốt.

Bậc tiểu học tôi đánh giá rất cao vì đó là nền tảng. Các cháu phải được học, được đánh giá một cách hết sức nhẹ nhàng, căn bản chứ không phải là thí nghiệm để triển khai mô hình này mô hình kia và cũng không phải chỗ cho người lớn tranh luận với nhau.

VĨNH HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên