23/04/2014 09:10 GMT+7

Sẽ ít oan sai hơn nhờ án lệ?

L.KIÊN
L.KIÊN

TT - Theo trình bày của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình về dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22-4, hệ thống xét xử ở VN sẽ có nhiều thay đổi cùng với việc áp dụng án lệ.

Tòa Bắc Giang có dấu hiệu xử oan saiChết 10 năm mới được xin lỗi vì bị oan sai Hai bạn trẻ mở lối cho án lệ

“Nhiệm vụ của TAND tối cao là xây dựng và phát triển án lệ để thể chế hóa chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp” - ông Bình nói. Theo ông, án lệ được xác định là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về một vụ việc cụ thể có nội dung lập luận, làm rõ những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau và chỉ ra nguyên tắc áp dụng, được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn làm chuẩn mực để tham khảo trong công tác xét xử nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

ÔngNGUYỄN VĂN HIỆN (chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp):

Tránh tình trạng “duyệt án” trong xét xử

Ủy ban Tư pháp đề nghị TAND tối cao cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ mối quan hệ lãnh đạo, quản lý của chánh án TAND đối với thẩm phán, hội đồng xét xử để thực hiện đúng nguyên tắc “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; hạn chế các tác động tiêu cực của việc chánh án tòa án tổ chức duyệt án, chỉ đạo xét xử các vụ án cụ thể xâm phạm quyền độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán và hội đồng xét xử trong thực tế hoạt động xét xử hiện nay.

Cần làm rõ mối quan hệ này, tránh việc vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong hoạt động xét xử, chấm dứt tình trạng một ông chánh án ngồi bàn giấy chỉ đạo thẩm phán xét xử, thậm chí quyết luôn mức án trước khi xét xử.

“Với việc phát triển án lệ và ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán và hội đồng xét xử phải tham khảo án lệ khi xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án, chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai, hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng, luật sư và những người tham gia tố tụng” - ông Bình khẳng định.

Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng quy định về án lệ như vậy là chưa rõ. “Thế nào là phát triển án lệ? Hội đồng thẩm phán làm ra án lệ hay phát triển án lệ? Các bản án có tính mẫu mực được coi là án lệ, vậy phát triển thế nào? Nếu không quy định rõ thì sau này không thực hiện được” - ông Lý nói.

Đối với quy định thành lập TAND sơ thẩm khu vực tách khỏi đơn vị hành chính cấp huyện, ông Bình cho rằng sẽ làm tăng tính độc lập của tòa án trong xét xử. Theo dự luật, hệ thống tòa án ba cấp hiện nay sẽ được tổ chức lại thành tòa án bốn cấp (TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND tỉnh - TP trực thuộc trung ương, TAND sơ thẩm khu vực) theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Theo đó, TAND tối cao sẽ tập trung vào nhiệm vụ tổng kết xét xử chứ không tập trung xét xử quá nhiều như hiện nay, công việc này sẽ được trao cho TAND cấp cao. TAND cấp cao sẽ được tổ chức bao gồm Ủy ban thẩm phán và các tòa chuyên trách. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị không nên cùng lúc trao quyền vừa giám đốc thẩm, tái thẩm lại vừa phúc thẩm cho tòa chuyên trách. “Ủy ban Tư pháp cho rằng chỉ Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao mới có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ.

Ông Phan Trung Lý đề nghị không nên quy định hệ thống tòa án được quản lý như một hệ thống dọc theo kiểu hành chính, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của các cấp xét xử. “Cần xem lại quy định TAND tối cao quản lý hệ thống tòa án về mọi mặt” - ông Lý nói.

“Tôi cũng băn khoăn như vậy, không nên có quy định làm hành chính hóa hệ thống tổ chức tòa án. Khi xét xử, thẩm phán nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN để phán xét, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, chứ không chịu ảnh hưởng, tác động bởi cấp trên” - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước bày tỏ.

L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên