20/11/2013 07:53 GMT+7

Sẽ gỡ khó cho nhà ở xã hội

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Ngày 19-11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về tiến độ triển khai gói 30.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng vấn đề quan trọng không phải là nhanh hay chậm mà phải đúng đối tượng. Ông Dũng nói:

Gói 30.000 tỉ - chuyện thật như đùa

zvnMHdDM.jpgPhóng to
Tại công trường dự án HQC Plaza - một trong những dự án được chuyển đổi sang nhà ở xã hội - Ảnh: Đình Dân
l09qYQiT.jpg
Ông Trịnh Đình Dũng - Ảnh: V.D.
- Từ nay đến năm 2020 cả nước cần hơn 1 triệu căn hộ, trong đó TP Hà Nội cần hơn 100.000 căn, TP. HCM hơn 100.000 căn, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh cần xấp xỉ 100.000 căn... Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhưng muốn đáp ứng được cầu thì phải có cung. Vấn đề là cung nhà ở xã hội rất ít. Muốn giải ngân nhanh gói 30.000 tỉ đồng phải có nhà, trong khi nguồn cung đang thiếu thì có muốn nhanh cũng không được.

* Ngoài chuyện thiếu nguồn cung, nhiều người dân cũng kêu khó tiếp cận gói hỗ trợ do thủ tục khó khăn, kéo dài, thưa ông?

- Ngay cả khi có nhà rồi phải đúng đối tượng. Bởi vì đây là gói hỗ trợ của Nhà nước, nếu không đúng đối tượng sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng để tham nhũng, làm thất thoát nguồn lực của Nhà nước. Cho nên phải có các quy định rất cụ thể, không thể đơn giản được. Nhưng không phải vì thế mà làm chậm, phải chặt về đối tượng, chặt về tiêu chuẩn nhưng phải làm nhanh. Cái này trách nhiệm không chỉ của Bộ Xây dựng mà cả của ngân hàng và các địa phương cũng phải vào cuộc để hỗ trợ người dân.

Chẳng hạn, anh khai là chưa có nhà ở, người kiểm tra chứng nhận cho anh phải đi kiểm tra. Nếu trách nhiệm của chính quyền địa phương thì cán bộ ở đó phải đến xem là có thực hay không, phải chủ động quan tâm. Theo tôi, ở đây có phần trách nhiệm của ngân hàng, địa phương và cả các chính sách hướng dẫn.

* Nhiều chủ dự án nhà ở thương mại muốn chuyển sang nhà ở xã hội cũng gặp vướng về thủ tục hành chính, bộ có thành lập đoàn đi kiểm tra để có chính sách tháo gỡ?

- Chúng tôi đã và đang kiểm tra, tập hợp những vướng mắc mà doanh nghiệp phản ảnh để có phương án xử lý thích hợp, theo kiểu vừa động viên các doanh nghiệp vừa cùng các địa phương tháo gỡ những cái này. Trong những ngày tới sẽ có một nghị định về nhà ở xã hội được ban hành, trong đó có nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng hơn.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trước hết phải hạn chế sự lệch pha cung - cầu, hướng bất động sản thực hiện theo mục tiêu chiến lược nhà ở. Đó là cải thiện nhà ở cho người dân, không chỉ có người giàu mà cả người nghèo, người khó khăn, tất cả đối tượng trong xã hội đều phải được cải thiện nhà ở. Đối tượng được quan tâm nhiều nhất là người nghèo. Trước đây, nhiều dự án nhà ở cao cấp quá, bây giờ chuyển sang dự án nhà ở xã hội, tạo mọi điều kiện để các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội.

* Xu hướng xây dựng nhà ở xã hội nhiều liệu có tạo ra loại nhà mà trong tương lai chúng ta không mong muốn?

- Không. Nhà ở xã hội hiện nay khác hoàn toàn với nhà ở xã hội chúng ta vẫn nghĩ như trước đây. Đây là loại nhà ở thị trường phi hàng hóa, tức có cung có cầu, có cạnh tranh nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước. Có cạnh tranh tức người dân tiếp cận mua nhà này được mua với giá thấp hơn giá trị ở thị trường. Nếu doanh nghiệp nào làm nhà ở xã hội với chất lượng kém thì người ta không mua, cho nên cũng phải cạnh tranh.

Tranh chấp bất động sản khó giải quyết

Sáng 19-11, tại hội thảo quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trong thị trường bất động sản (BĐS) do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) và Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) phối hợp tổ chức, các chuyên gia cho rằng nhiều tranh chấp trong thị trường BĐS hiện không giải quyết được. Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, các tranh chấp chủ yếu do giá giao dịch ghi trên hợp đồng thấp hơn nhiều so với thị trường, trong thực hiện các giao dịch khi chưa có “sổ đỏ” đối với nhà thuộc dự án. Tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án và người góp vốn về không gian công cộng, phí dịch vụ, chất lượng dịch vụ...

Nhiều chuyên gia cho rằng việc chưa có luật chung cư riêng, thiếu các quy định về quản lý giao dịch BĐS hình thành trong tương lai, quản lý rủi ro cũng khiến tranh chấp khó giải quyết. Để giải quyết hiệu quả các tranh chấp này, theo các chuyên gia, một mặt cần bổ sung các quy định của pháp luật, minh bạch thông tin, hướng dẫn chi tiết về các mẫu hợp đồng trong giao dịch BĐS, tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm... Mặt khác, cần tách bạch giữa tranh chấp dân sự, khiếu nại hành chính và các hành vi hình sự để giải quyết thỏa đáng, thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp chính thống thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.

LÂM HOÀI - NGUYỄN XOÀI

Gỡ chỗ này lại vướng chỗ khác

“Đến nay không những số lượng người vay mua nhà gói 30.000 tỉ đồng quá ít, mà cũng chưa có bất cứ người công nhân, lao động nào ngoài khu vực nhà nước hoặc làm nghề tự do tiếp cận được gói tín dụng này” - ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khẳng định khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tiến độ triển khai gói 30.000 tỉ đồng. Theo ông Châu, việc chậm trễ này do thiếu quyết liệt và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và địa phương nên cứ gỡ chỗ này là vướng chỗ khác. “Tại TP.HCM, rất nhiều dự án xin chuyển từ nhà thương mại sang làm nhà ở xã hội, xin chẻ nhỏ căn hộ nộp hồ sơ mấy tháng mà giải quyết còn quá ít” - ông Châu nói.

Theo ông Châu, gói hỗ trợ dành 21.000 tỉ đồng cho người mua nhà, nếu trung bình 500 triệu đồng/người vay sẽ có 42.000 trường hợp được vay, góp phần đáng kể trong việc giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ này sớm đến được tay người có nhu cầu nhà ở thật sự, trước hết cần giải quyết vướng mắc về tài sản thế chấp và công chứng hợp đồng. Ngoài ra cần xem xét hạ mức lãi suất 6% của gói 30.000 tỉ xuống 4-4,5% để tạo điều kiện cho người vay mua nhà, kéo dài thời hạn cho vay với đối tượng này lên 20 năm thay vì 10 năm. Vì như hiện nay 10 năm thì một tháng họ trả trung bình trên dưới 5 triệu, nhưng nếu cho vay thời hạn 20 năm thì trung bình chỉ trả một tháng 2-3 triệu đồng.

Ngoài ra, các địa phương cần nhanh chóng tạo ra nguồn cung sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc trung bình bằng cách xử lý ngay các dự án nhà ở thương mại dở dang. Ưu tiên cung cấp vốn gói 30.000 tỉ đồng cho các dự án này để hoàn thiện xây dựng, giúp cung cấp sản phẩm sớm nhất ra thị trường. Bên cạnh đó, cần cho chuyển đổi từ căn hộ lớn qua căn hộ nhỏ để tăng nguồn cung nhanh cho thị trường vì các sản phẩm này chỉ cần xây thêm tường, bếp, nhà vệ sinh là người dân có thể vào ở ngay.

Có một thực tế là hàng tồn kho bất động sản hiện nay chủ yếu là phân khúc cao cấp cùng những dự án nhà ở thương mại xây dựng dở dang có diện tích căn hộ lớn (trên 70m2/căn và giá bán hơn 15 triệu đồng/m2). Dù Bộ Xây dựng đã cho phép chẻ nhỏ những căn hộ lớn, nhưng đến nay tại TP.HCM chỉ mới có hai dự án được phép làm điều này với số lượng căn hộ rất ít. Theo ông Châu, TP.HCM cần ra một danh mục những địa điểm mà TP cấm chuyển đổi sang nhà ở xã hội, không cho chẻ nhỏ căn hộ..., còn lại giao Sở Xây dựng giải quyết cho doanh nghiệp, chứ giải quyết như hiện nay vừa chậm vừa tạo cơ chế xin cho.

ĐÌNH DÂN

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên