20/04/2021 09:32 GMT+7

Sẽ có mức 'sàn lương hưu'

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - Đây là chia sẻ của ông ĐIỀU BÁ ĐƯỢC - nguyên trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam - với Tuổi Trẻ về những điều có thể sửa đổi trong Luật BHXH mà Bộ LĐ-TB&XH đang đề cập.

Sẽ có mức sàn lương hưu - Ảnh 1.

Hồ sơ hưu trí gửi qua đường bưu điện tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh TỰ TRUNG

Theo ông Được, nghị quyết 28 của Đảng về cải cách BHXH, trong đó có vấn đề lương hưu, đã nói đến vấn đề này. Nhưng giảm đến mức nào, mức đóng ra sao thì cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng. Việc giảm số năm đóng tối thiểu sẽ mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia đóng bảo hiểm và nhận lương hưu, trong đó có những người đi làm muộn.

* Hiện mới có khoảng 1/3 người lao động tham gia BHXH, con số còn thấp và "lưới an sinh" còn mỏng. Nhưng con số này có phải do BHXH chưa hấp dẫn? Theo ông, còn gì có thể thay đổi để mở rộng số người tham gia?

- Thực tế chúng ta có hình thức BHXH bắt buộc nhưng mới bắt buộc được nhóm lao động có hợp đồng, còn nhóm không có hợp đồng, dù có lao động và tạo ra thu nhập nhưng vẫn không bắt buộc được họ. Khi còn trẻ, khỏe, có thu nhập thì họ không đóng bảo hiểm, nhưng khi về già, ốm đau thì lúc đó lại trông vào ngân sách.

Về việc có phải bảo hiểm chưa hấp dẫn thì tôi nghĩ không phải, mà đây là vấn đề nhận thức, chúng ta chưa nói hết được cho người dân biết được những lợi ích của bảo hiểm và sự cần thiết phải có bảo hiểm. Trong thiết kế mới, nên chăng có thay đổi cứ có thu nhập là bắt buộc tham gia bảo hiểm, như vậy diện bao phủ của bảo hiểm mới có thể mở rộng.

Sẽ có mức sàn lương hưu - Ảnh 2.

* Trở lại vấn đề sự hấp dẫn của bảo hiểm, có ý kiến cho là do lương hưu rất thấp, có người chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng/tháng lương hưu, lương không đủ sống nên người lao động không tham gia?

- Thiết kế lương hưu tới đây là lương hưu đa tầng, trong đó có một tầng là lương hưu xã hội. Hiện nay những người từ 80 tuổi trở lên, không có khoản thu nhập nào sẽ được nhận "lương hưu xã hội" là mức trợ cấp nhỏ, tới đây xu hướng là giảm tuổi bắt đầu được nhận "lương hưu xã hội" nếu không có thu nhập xuống mức 75 tuổi.

Bên cạnh đó có xu hướng tính toán mức sàn lương hưu, tức là lương hưu dù mức đóng như thế nào thì thiết kế lương hưu cũng đảm bảo ở mức sàn nhất định, mức này được tính toán trên cơ sở chi phí ăn ở, mặc, đi lại tối thiểu về mức sống của người về hưu. Tôi cho rằng nếu được triển khai, đây sẽ là những thay đổi bước ngoặt về chính sách lương hưu.

* Gần đây BHXH đã phải cảnh báo lần nữa về tình trạng nhận BHXH một lần, ông có chia sẻ gì về việc này không?

- Tôi đã nhiều lần nói về câu chuyện nhận BHXH một lần, đó là việc tước đi quyền hưởng lương hưu của mình. Cũng có người vì chưa hiểu nguyên tắc của quỹ BHXH, sợ nộp tiền bảo hiểm thì thế này thế kia, nhưng hiện nay càng ngày có nhiều người hiểu và có nhu cầu tham gia, thậm chí tham gia nhiều loại bảo hiểm để tương lai an toàn hơn. Trong số đó, tôi cho BHXH là trụ cột của an sinh xã hội.

Giảm mốc thời gian tối thiểu để được nhận lương hưu là xu hướng theo các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản... Thậm chí có quốc gia áp dụng số năm đóng tối thiểu chỉ 5 năm là có thể nhận lương hưu.

* Thưa ông, nếu thời gian đóng bảo hiểm ngắn thì có thể mức đóng sẽ cao, như vậy có gây khó cho người tham gia không?

- Phải nghiên cứu rất kỹ vì không thể ngay một lúc bắt người lao động đóng cao. Các nước khác có thể đóng 5 năm đã có thể hưởng lương hưu, nhưng làm sao có đủ nguồn lực, mức đóng ra sao... có thể vận dụng và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế. Các nước thực hiện nguyên tắc chia sẻ, ở Việt Nam, trước đây là nguyên tắc đóng - hưởng, quan điểm mới là sẽ kết hợp nguyên tắc chia sẻ và nguyên tắc đóng - hưởng.

Nguyên tắc đóng - hưởng thì dễ rồi, đóng nhiều hưởng nhiều và ngược lại, nhưng kết hợp vừa đóng - hưởng vừa chia sẻ, làm sao để thuyết phục được những người đóng cao, lương cao chia sẻ với người lương thấp, mức đóng thấp mà họ vẫn vui vẻ, đó là một bài toán khó.

Lương hưu ở các nước thế nào?

Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), người lao động Trung Quốc đóng BHXH ít nhất 15 năm đủ điều kiện nhận lương hưu, gồm 2 phần: phần cơ bản và phần tích lũy bắt buộc. Tuổi về hưu thông thường ở Trung Quốc là 60 tuổi với nam, 55 tuổi đối với nữ làm việc trong các lĩnh vực không chuyên nghiệp và 50 tuổi đối với phụ nữ làm trong các lĩnh vực khác.

Chính phủ Trung Quốc đang muốn tăng tuổi về hưu trong bối cảnh tỉ lệ dân số già tăng lên và lực lượng lao động ít đi do chính sách 1 con. Dân số già gây sức ép lên hệ thống lương hưu Trung Quốc nhưng tăng tuổi hưu lại gia tăng tình trạng thất nghiệp. Phần lớn người dân Trung Quốc cũng phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu vì "chậm nghỉ hưu là chậm nhận lương hưu".

Ở Thái Lan, người đến tuổi về hưu muốn nhận lương hưu cũng phải đóng BHXH ít nhất 15 năm. Nếu đóng nhiều hơn 15 năm thì lương hưu sẽ được cộng thêm 1,5% cho mỗi năm đóng thêm.

Theo OECD, Hàn Quốc và Nhật Bản lại yêu cầu thời gian tối thiểu đóng BHXH thấp hơn 2 nước trên: chỉ 10 năm. Hàn Quốc dự kiến tăng tuổi hưởng lương hưu bình thường lên 65 tuổi từ năm 2033 và tuổi hưởng lương hưu sớm cũng tăng lên 60 tuổi vào năm 2033.

Trong khi đó, độ tuổi về hưu ở Nhật Bản là 70 tuổi. Để nhận lương hưu thì cần đóng bảo hiểm tối thiểu 10 năm nhưng để hưởng chế độ lương hưu đầy đủ thì cần đóng bảo hiểm 40 năm.

MINH KHÔI

Đóng BHXH sao để được chăm sóc sức khỏe, lãnh lương hưu khi về già? Đóng BHXH sao để được chăm sóc sức khỏe, lãnh lương hưu khi về già?

TTO - Đóng BHXH ra sao để được hưởng lương hưu? Mức hưởng lương hưu được tính thế nào? Lương hưu có được tính bù trượt giá, lạm phát? Chế độ chăm sóc y tế cho người hưởng lương hưu ra sao?...

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên