09/12/2018 11:23 GMT+7

'Sẻ chia nước sạch 2018': Về nơi vo gạo bằng nước rạch

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Cách quốc lộ 60 vài cây số nhưng cuộc sống của nhiều hộ như “biệt lập" ở nơi đường nước sạch chưa vào đến nơi. Mọi sinh hoạt hằng ngày, từ tưới tắm, giặt giũ đến cả nấu ăn đều dùng nước lợ.

Sẻ chia nước sạch 2018: Về nơi vo gạo bằng nước rạch - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Lệ (xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) tắm lại cháu nội bằng nước dưới rạch đã lóng phèn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chuyện ở ấp An Thiện, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre.

"Không dám tắm bằng nước mưa..."

Đường vào nhà anh Phan Văn Phương (35 tuổi, ấp An Thiện, xã Thành Thới B) những ngày này sình lầy ngập đến mắt cá chân. Nói là đường nhưng thực chất là những bờ bao bằng đất được đắp tạm để ngăn thủy triều vào nhà.

Lui cui sửa lại khóa nước của chiếc bồn nhựa loại 1.000 lít, anh Phương cho biết bồn này vợ chồng anh mượn của mẹ ruột khi ra ở riêng, coi như tài sản có giá trị nhất của gia đình.

"Mấy nay mưa thưa dần, nước mưa trữ trong ba cái kiệu cũng đã cạn. Chỉ bồn này còn nước nhưng lại bị rỉ nước. Chắc chỉ cầm cự được khoảng một tháng nữa rồi cũng phải xài nước rạch" - anh Phương nói.

Gia đình anh Phương có 4 người. Ra ở riêng khoảng hai tháng nay, thoát cảnh ngập nước trong căn lều cũ cũng là lúc phải "tự chủ" về nguồn nước sạch. Cứ mỗi lần có mưa lại tranh thủ đặt máng, dẫn vòi vào ba cái kiệu và bồn để chứa nước mưa.

Hết nước mưa, anh Phương múc nước từ con rạch bên hông nhà lên để xài. Đây cũng là con rạch chung, qua đất nhiều hộ gia đình khác, nhiều hộ thải chất thải từ chuồng trại chăn nuôi heo, gà xuống.

Biết là không hợp vệ sinh nhưng cũng như phần lớn người dân ở đây, anh Phương đành phải nhắm mắt sử dụng vì không có nguồn nước thay thế.

Cách nhà anh Phương một con rạch, nhà bà Phan Thị Lệ cũng không khá hơn. Dù có mái nhà rộng hơn, lấy được nhiều nước mưa hơn nhưng theo bà Lệ, nguồn nước dự trữ cũng chỉ đủ để uống và nấu cơm trong khoảng ba tháng.

Bà Lệ cho biết hơn 50 năm sống ở đây, việc sử dụng nước lợ để vo gạo, rửa rau là chuyện bình thường. Những lúc hạn hán gay gắt, kéo dài phải dùng nước kênh lóng phèn cho trong để nấu nướng.

"Những ngày này, dù mới đầu mùa khô nhưng những bồn chứa nước mưa của gia đình tôi đã vơi gần nửa, dù mọi sinh hoạt chủ yếu sử dụng nước kênh, nước mưa chỉ để nấu và uống", bà Lệ vừa nói vừa hối Gia Bảo (8 tuổi, cháu nội của bà) đi tắm.

Chỗ tắm quen thuộc của Gia Bảo là con rạch trước nhà. Hằng ngày, đến giờ tắm Gia Bảo lại nhảy ùm xuống nước, lặn hụp một hồi rồi lên giội lại bằng nước sạch. "Nước sạch" ở đây cũng là nước kênh được múc lên và mua gói bột xử lý ngoài tiệm về để xử lý.

Ở đây người lớn, trẻ nhỏ đều phải tắm bằng nước kênh. Đây cũng là tình trạng chung ở nơi đường nước sạch còn chưa tới.

Chờ dòng nước ngọt

Ông Phan Quốc Dũng - trưởng ấp An Thiện, xã Thành Thới B - cho biết ấp có khoảng 660 hộ dân. Những hộ nằm trên lộ chính thì đã có đường ống nước sạch, những hộ dân nằm sâu phía trong phần lớn phải xài nước sông.

"Một số hộ dân có điều kiện khá giả hơn, có tiền mua bồn xài nước mưa được. Còn những hộ nghèo hiện vẫn phải xài nguồn nước sông cho mọi sinh hoạt", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện một số hộ dân phía trong có nguyện vọng lắp đồng hồ nước để xài nước máy nhưng do đường ống dẫn nước chính nằm cách xa nhà nên chi phí quá cao, không đủ kinh phí để lắp.

Anh Nguyễn Thanh Diễn, bí thư Đoàn xã Thành Thới B, cho biết: xã đoàn đã khảo sát 82 hộ dân tại sáu ấp An Thiện, Bình Thạnh, An Trạch Tây, Tân Viên, Tân An, Tân Điền có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ việc lắp đặt đường ống nước sạch vào nhà.

"Hiện chúng tôi đang khảo sát lại lần cuối, tính toán thời gian thi công. Mong bà con sớm có nước sạch để dùng" - anh Diễn nói.

Chương trình "Sẻ chia nước sạch" 2018 do báo Tuổi Trẻ phát động với sự đồng hành của nhãn hàng Comfort 1 lần xả, Công ty Unilever nhằm hỗ trợ nước sạch cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt.

Ngoài bốn công trình đã khánh thành tại tỉnh Bạc Liêu, chương trình sẽ xây công trình nước hỗ trợ bà con bảy tỉnh thành cả nước.

Tại Bến Tre, chương trình sẽ hỗ trợ kinh phí kéo đường nước sạch cho 140 hộ dân tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam. Công trình sẽ thực hiện vào giữa tháng 12-2018.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên