Người dân ấp Tuyết Hồng, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng đang mong chờ nước sạch - Ảnh: NGỌC TÀI
Gần 10 năm vào sống trong khu dân cư Tân Phú, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là chừng ấy năm người dân phải xài nước nhiễm mặn. Quanh năm dùng nước mặn nên hầu hết dụng cụ chứa nước bằng nhôm, sắt đều bị gỉ sét.
Nước chảy nhỏ giọt
Dù có nước cấp nhưng nhà nào cũng sẵn lu, bồn để trữ nước mưa. Mỗi cơn mưa ở đây với người dân đều quý như vàng. Bà Quan Thị Phương Thủy, cư dân ở đây, bày tỏ: "Cả chục năm nay nhưng chưa thay đổi được gì. Giờ bà con chỉ mong sao có nước ngọt, không cần sạch lắm cũng thỏa nguyện rồi".
Trong khi đó, gần 100 hộ dân ở ấp Bắc Trang 1, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp chịu cảnh nước cấp nhỏ giọt. Ngày thường khổ một, dịp lễ tết, đông người thì cả nhà thức suốt đêm canh hứng nước. Nhiều nhà phải đặt âm thau, lu xuống đất thật thấp để tranh hứng từng giọt nước. Có nước rồi, cả nhà phải nhắc nhau xài tiết kiệm nhất.
Ông Phạm Văn Hoằng, người dân ở đây, bức xúc: "Nước dưới kênh dơ lắm, thuốc sâu thuốc rầy rồi chất thải chăn nuôi. Có nước cấp ai cũng mừng, nhưng ngặt nỗi cứ nhỏ giọt vầy". Thức đêm canh nước vẫn không đủ xài, nhiều nhà phải chọn cách dùng nước từ kênh.
Nỗi khổ nơi kinh cùng nước cạn
Ở những khu vực nông thôn hẻo lánh, nước sạch lại càng xa xôi hơn. Bà con ven các tuyến kênh nhỏ ở xã An Khánh, huyện Châu Thành đang rất mong chờ có nước sạch, bởi các con kênh ở đây đang ô nhiễm nặng vì lục bình. Đan thảm lục bình là nghề "cứu cánh" cho những hộ nghèo, nhưng chính lục bình đã làm nguồn nước của cả khu vực bị ô nhiễm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh sử dụng nước kênh từ nhiều năm nay. "Giờ mạnh ai nấy nuôi lục bình rồi chặt nhưng không dọn dẹp. Nước thúi ình, rác, xác con này con kia không trôi đi đâu được" - bà Thanh bày tỏ. Giờ vừa dùng nước sông để tắm giặt, rửa chén vừa phải mua thêm nước bình để nấu nướng với chi phí đắt đỏ.
Gần 60 hộ dân thuộc ấp Tuyết Hồng, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp ở tình cảnh éo le: đã gắn đồng hồ nước nhiều năm nhưng hiện vẫn xài nước kênh. Cách đây ba năm, người dân đóng 800.000 đồng để gắn đồng hồ nước của một trạm cấp nước tư nhân, xài mấy khối nước đã bị cắt.
Người đầu tư trạm cấp nước này cũng "bỏ của chạy lấy người" trong sự ngỡ ngàng của người dân. Hiện nay, người dân vẫn còn giữ đường ống cấp nước với hi vọng một ngày sẽ có nước chảy ra. Nhưng khi mở đồng hồ nước cho chúng tôi xem thì chỉ có một bầy kiến làm tổ chạy tán loạn.
Bà Nguyễn Thị Huệ, người dân ở đây, bức xúc: "Bây giờ toàn xài nước kênh mà dơ lắm. Nước từ ruộng lúa thải ra, toàn thuốc sâu, thuốc rầy. Ở đây ai cũng mong có nước sạch sử dụng. Hô có nước sạch một tiếng là dân đi đóng tiền vô nước liền".
Chính quyền cũng "đau đầu"
Giải thích việc này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, phó chủ tịch UBND xã Tân Phước, cho biết: "Do kinh doanh không hiệu quả nên người đầu tư hệ thống cấp nước tư nhân đã dừng cấp nước. Gần đây có hệ thống nước sạch khác đầu tư nhưng đường ống cũ đã xuống cấp, cần thời gian khắc phục nên chưa cung cấp nước cho người dân".
Câu chuyện "nước nhỏ giọt" ở xã Tân Công Chí lại có nguyên nhân do... quá tải. Trạm cấp nước này ban đầu chỉ phục vụ khoảng 100 hộ dân, sau tăng lên hơn 400 hộ. Hiện nay, chỉ còn hơn 260 hộ sử dụng nước nhưng vẫn quá công suất thiết kế của trạm cấp nước.
Ông Trần Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Tân Phú, bày tỏ khó khăn khi mạch nước ngầm ở đây khoan sâu vài trăm mét đều nhiễm mặn. Trong khi đó, ông Biện Công Tấn Phong, chủ tịch UBND xã An Khánh, cho biết năm 2019, nhà máy nước công suất lớn được đưa vào sử dụng, các hộ dân ở các kênh rạch nhỏ sẽ có nước sạch sử dụng.
Riêng về thực trạng ô nhiễm do lục bình, mỗi năm xã tổ chức nhiều đợt dọn dẹp và yêu cầu người nuôi lục bình nuôi trong phạm vi 3m (tính từ mép sông trở ra) đối với sông lớn và 1,5m đối với kênh rạch nhỏ. Tuyên truyền vận động người dân có ý thức đảm bảo nguồn nước và lưu thông của các phương tiện thủy.
Khánh thành 4 công trình nước sạch
Chương trình "Sẻ chia nước sạch" 2018 do báo Tuổi Trẻ phát động với sự đồng hành của nhãn hàng Comfort 1 lần xả, Công ty Unilever nhằm hỗ trợ nước sạch cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt. Ngoài bốn công trình đã khánh thành tại tỉnh Bạc Liêu, chương trình sẽ xây công trình nước hỗ trợ bà con bảy tỉnh thành cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận