07/07/2009 05:10 GMT+7

Say tàu xe

BS TỊT TUỐT 
BS TỊT TUỐT 

TTC - Mùa hè cũng là mùa du lịch, nhưng cứ nghĩ tới chuyện phải ngồi từ vài đến hàng chục giờ trên tàu, xe, máy bay là nhiều người thấy sợ bởi chứng say xe. Với các bí quyết của Tịt Tuốt tui, hi vọng bạn có thể vi vu bất cứ đâu...

lLVqwylf.jpgPhóng to

Cứ lên xe là say

Cơ thể chúng ta có một cơ chế giữ thăng bằng gồm tai trong (theo dõi sự thay đổi phương hướng), mắt (quan sát hướng chuyển động), thụ thể áp lực (ở da và chân, mông), thụ thể cảm giác ở cơ, khớp (biết phần nào của cơ thể đang chuyển động) rồi truyền tất cả các thông tin ấy đến cơ quan xử lý là não và tủy sống để điều chỉnh.

Khi chúng ta đi xe hơi, tàu thủy, máy bay, nếu sự chuyển động của các phương tiện hoạt động ăn nhịp với các cơ quan thì ta thăng bằng được. Nhưng ở một số người cứ đu đưa, tròng trành là não không liên kết được các thông tin từ bên ngoài đưa vào (đặc biệt là thông tin từ một cấu trúc gọi là tiền đình ở tai trong) nên bị say tàu xe. Nếu sau khi xuống xe rồi bạn vẫn còn bị “say” trong vòng 1 - 2 ngày kế tiếp phải nằm bẹp ở nhà, thì đó là “bệnh lý tàu xe”.

Triệu chứng thường thấy là chóng mặt, khó chịu, nôn nao. Nhẹ thì những triệu chứng này qua đi, bạn thích nghi dần. Nặng hơn, bạn thấy tiết nước miếng nhiều, buồn nôn và nôn, kèm theo toát mồ hôi, người xanh tái, thở nhanh, nông. Có người phải bỏ chuyến đi vì cảm thấy quá mệt mỏi hoặc không thể chịu đựng thêm được. Có người đã từng một lần say đến ói ra mật xanh, mật vàng, sẵn tâm lý sợ hãi, bước lên xe ngửi mùi xăng là bị say. Có người thì mùi của nệm xe cũng gây ra “say”.

Nếu trong xe có người hút thuốc lá, người có mùi hôi hoặc một bà xức nước hoa, tiếng trẻ quấy khóc, xe chở quá số lượng người làm không khí ngột ngạt đều là yếu tố thuận lợi thúc đẩy say xe nặng hơn. <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Tay nghề của tài xế cũng ảnh hưởng đến việc say xe. Tài xế tay nghề cao, biết tránh ổ gà, lái nhẹ nhàng qua khúc cua, chạy với tốc độ vừa phải... cũng làm giảm tình trạng say xe.

Phụ nữ và trẻ em dễ bị say xe hơn, vì họ thuộc loại thần kinh dễ mất cân bằng. Nếu cứ chuẩn bị tâm lý là sẽ say, lên xe mở bao để “hứng” các món từ dạ dày thoát ra, thì triệu chứng nôn ọe sẽ sẵn sàng xuất hiện khi xe vừa lăn bánh. Lại có người suy luận rằng: Nhịn đói thì đỡ ói. Sai lầm! Bụng đói, dịch vị sẽ tiết ra nhiều hơn thì ói ra dịch vị chua nồng. Sẽ có bạn bảo: “Vậy thì ta ăn một bữa no căng, muốn tới đâu thì tới!”. Lối nghĩ này cũng không đúng.

Sự tròng trành của phương tiện có khác gì stress, nó làm cho quá trình tiêu hóa chậm lại. Dạ dày căng phồng đến mức ậm ạch sẽ xảy ra “Tức nước vỡ bờ”. Sẽ là đơn giản nếu ta chọn một gói mì, hay tô phở có ớt cay và rau thơm, lại ăn nóng, là hài hòa và không quá tải. Một củ khoai luộc cũng là món ăn hữu ích, kinh nghiệm dân gian là ăn khoai sống nhưng bạn cẩn thận, kẻo lại bị thêm đau bụng. Nếu bạn nghĩ rằng say thì nhịn uống, không phải thế! Tế bào não bị khát lập tức làm cho triệu chứng say trở nên nghiêm trọng hơn, vì thiếu nước, chúng cũng chả khác gì “thằng khùng”, làm việc không ăn nhịp nữa.

Phòng tránh: Đơn giản, rẻ tiền...

Chỉ cần chuẩn bị một số biện pháp đơn giản sau đây, bạn có thể yên tâm bước lên xe:

* Tinh dầu quýt: Có tác dụng chống co thắt dạ dày, ruột nên chống nôn khi đi tàu xe. Tinh dầu còn giúp an thần nhẹ làm cân bằng hệ thống thần kinh. Bạn có thể mua ít trái quýt, ăn từng múi, vỏ quýt gấp lại thành một ống nhỏ nhét vào hai lỗ mũi, hay nặn cho tinh dầu bay vào mũi cũng được. Nếu các hãng lữ hành xịt tinh dầu quýt trên xe sẽ giảm thiểu lượng người bị say xe.

* Gừng: Trước ghế ngồi mà bạn có một ly trà gừng ấm thì còn gì bằng. Mowrey và Clayson người Mỹ (1982) đã làm thí nghiệm so sánh gừng và Dramamin (thuốc chống say xe) nhận thấy 940mg bột gừng khô có hiệu lực chống say hơn 100mg Dramamin, trong khi gừng không gây ra cảm giác buồn ngủ, khô miệng, táo bón và bí đái như dùng Dramamin. Một nhóm các nhà nghiên cứu Anh cho rằng tác dụng chống say tàu xe của gừng là do làm êm dịu dạ dày.Trước khi lên xe, bạn mang theo 1 củ gừng tươi đã xắt lát, thỉnh thoảng ngậm 1 lát. Bạn có thể dùng 1 - 2 lát gừng dán lên rốn, băng lại cũng có tác dụng, đặc biệt với trẻ nhỏ sợ vị cay của gừng.

* Ngồi ghế trước: Để không bị xóc, mắt luôn nhìn thẳng về phía trước sẽ đỡ say hơn. Chẳng may vẫn choáng váng, hãy nhắm mắt, hít thở sâu và đung đưa người theo nhịp xe lăn. Hãy tập trung vào vấn đề khác: Chẳng hạn kể chuyện tiếu lâm gây cười. Những bạn gái trẻ thường rì rầm kể chuyện yêu đương, cũng là cách chống say xe hữu hiệu. Vì thế, trong những chuyến du lịch, nếu hướng dẫn viên dí dỏm, hay pha trò, thì trên xe gần như không có người bị say.

* Bấm huyệt hợp cốc: Nằm giữa ngón cái và ngón trỏ. Bấm cho đến khi tê là đạt yêu cầu.

* Chữa say bằng tượng số bát quái: Theo tượng số bát quái, số 7 tương ứng với dạ dày thuộc dương thổ. Số 2 tương ứng với ruột già thuộc kim. Số 0 thêm vào để tăng tính hoạt hóa của âm và dương. Số 6 là tượng số của thận, số 4 là tượng số của can. Nếu bạn đọc liên tục 720640 sẽ có tác dụng giáng khí tang dương nên không bị say xe nữa. Và cuối cùng là dùng thuốc. Thị trường của ta có Nautamine, uống trước khi lên tàu xe 1 giờ, và khi lên xe cứ kiếm một ghế để ngả lưng mà... ngủ. Có người sợ nôn, nên ra tiệm thuốc mua loại chống nôn như Motilium, Peridys. Cũng cần nói thêm: Say xe, đi riết cũng quen và hết say, bởi cơ thể luôn có cơ chế điều chỉnh. Đừng “trang bị” tâm lý lo sợ thì các triệu chứng “say” sẽ nhanh chóng “bay” ra khỏi não của bạn.

pY0Mq96G.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 382 (ra ngày 15-6-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

BS TỊT TUỐT 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên