Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin - Ảnh: AFP
Trong diễn biến liên quan, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MbS) - người cai trị vương quốc trên thực tế - đã bật đèn xanh cho phép Tập đoàn Aramco tăng sản xuất dầu thô lên 13 triệu thùng/ngày - mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Thông tin này cho thấy Nga và Saudi Arabia đều đang muốn đẩy cuộc chiến giá dầu lên một nấc thang mới, bất chấp các ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Van dầu đã tháo
Cuộc chiến giá dầu không đơn giản như tên gọi của nó là chỉ thiên về giá dầu. Đó là một cuộc chiến tranh giành thị phần dầu thế giới, và cách để đạt được nhiều khách hàng nhất là thông qua việc mời chào với giá hấp dẫn.
Giới quan sát nhận định việc Saudi Arabia khơi mào cuộc chiến với Nga là một hành động vô cùng táo bạo nhưng không thiếu những tính toán chiến lược và chiến thuật nhằm gạt sang một bên đối thủ cạnh tranh.
Thất bại trong việc thuyết phục Nga cắt giảm sản lượng dầu thô để đẩy giá dầu lên cao tại Hội nghị OPEC+ cách đây 2 tuần, Saudi Arabia đã lập tức thay đổi thái độ và chấm dứt 4 năm "mặn nồng" với Nga - nước sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới nhưng không nằm trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) do Saudi Arabia chi phối.
Để cạnh tranh với Nga, Saudi Arabia cũng đề nghị mức chiết khấu hấp dẫn cho các khách hàng và tất nhiên là cạnh tranh hơn so với mức của Nga, theo báo The Guardian.
Việc tăng sản lượng sẽ bắt đầu vào tháng 4 tới, sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2,1 triệu thùng/ngày giữa OPEC và Nga chính thức hết hạn vào cuối tháng 3. Theo tính toán của Hãng tin Reuters, để gọi là cân bằng ngân sách, Saudi Arabia phải bán 60 USD/thùng, trong khi Nga chỉ cần bán khoảng 40 USD/thùng. Nga lại có lợi thế lớn hơn là nền kinh tế đa dạng và không phụ thuộc vào dầu mỏ nhiều như Saudi Arabia.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, với việc Thái tử MbS đang điều hành đất nước, Saudi Arabia chắc chắn đã toan tính kỹ khi quyết giành thị phần với Nga trong ngắn hạn - một bước đi được xem là liều lĩnh và nhiều rủi ro.
Với giá dầu đã rớt khỏi mốc 30 USD/thùng như hiện nay, cả Nga và Saudi Arabia đều đang lỗ. Trong khi đã tích lũy được khoảng 500 tỉ USD cùng uy tín cao có thể đi vay, chính quyền Riyadh đã bắt đầu tiến hành các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trong nước cho tham vọng mở rộng thị phần.
Bộ Tài chính Saudi Arabia ngày 19-3 thông báo sẽ cắt giảm 5% chi tiêu chính phủ trong các lĩnh vực không thiết yếu đối với nền kinh tế và xã hội, nhằm dành sức cho cuộc chiến giá dầu với Nga và tác động của dịch COVID-19.
Vừa đánh vừa đàm?
Tạp chí Wall Street Journal của Mỹ dẫn các nguồn thạo tin trong Chính phủ Saudi Arabia cho biết vào lúc cuộc chiến dầu mỏ leo thang với những đòn quyết liệt từ cả hai phía thì cựu bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih đã bí mật hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak để cứu vãn tình thế.
Ông Falih là người từng tham gia đàm phán cắt giảm sản lượng dầu mỏ năm 2016 và hiện đang giữ vị trí bộ trưởng đầu tư. Do đó, trong mắt của nhà cầm quyền Saudi Arabia, nhiệm vụ bí mật lần này không ai thích hợp hơn ông Falih.
Nếu ông Falih đàm phán thành công, OPEC và Nga sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào tháng 4, với kết quả khả quan nhất sẽ là một mức giới hạn sản xuất đủ sức làm hài lòng cả hai bên. Tuy nhiên, cả Nga và Saudi Arabia đều im lặng, không xác nhận cũng chẳng phủ nhận về cuộc gặp giữa ông Falih và ông Novak.
Hồi năm 2014, bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia lúc đó là Ali Al-Naimi đã thuyết phục OPEC sản xuất thật nhiều dầu để cạnh tranh với Mỹ, với niềm tin rằng các nước OPEC đủ tiềm lực để sản xuất và bán với mức giá cực thấp.
Thế nhưng, sau khi giá dầu Brent hạ xuống dưới mức 28 USD/thùng vào đầu năm 2016, Hoàng gia Saudi Arabia đã quyết định cách chức ông Ali Al-Naimi. Người kế nhiệm ông Ali Al-Naimi là ông Falih đã đàm phán được một thỏa thuận giữa OPEC và Nga để giảm sản lượng và nhờ đó chỉ trong vòng vài tháng, giá dầu đã tăng lên gấp đôi.
Các chuyên gia đồng tình việc Saudi Arabia theo đuổi chiến lược triệt hạ đối thủ bằng cách đánh chìm thị trường bằng giá dầu rẻ có thể đem lại vài kết quả tích cực, nhưng tác động tiêu cực cũng không phải là ít. Nga có thể mất thị trường Tây Âu vào tay Saudi Arabia nếu Riyadh chào giá thấp hơn, nhưng có thể sẽ không tác động được nhiều đến nền kinh tế nước này vì vẫn còn những ngành khác phụ trợ. Nói như Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 9-3, Nga có thể sống được tới 10 năm kể cả khi giá dầu xuống thấp ở mức 25-30 USD/thùng.
Giá dầu Mỹ thấp nhất trong 18 năm
Giá dầu mỏ thế giới đã giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 18-3, trong đó dầu thô Mỹ đã chạm mức thấp nhất trong vòng 18 năm qua.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ ngày 18-3 giảm 6,58 USD (24,4%) xuống 20,37 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 20-2-2002. Giá dầu Brent Biển Bắc hạ 3,85 USD (13,4%) xuống 24,88 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2003.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận